Vấn đề đặt ra sau vụ vỡ cống xả tràn hồ chứa thải nhà máy tuyển đồng ở Lào Cai

Thứ sáu, 11/08/2023 10:18
(ĐCSVN) - Theo TS Nguyễn Ngọc Huy - chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai, nước thải của quá trình luyện kim nói chung và luyện đồng nói riêng là vô cùng độc hại với da, đường hô hấp, đường ruột và là các tác nhân gây ung thư do có chứa kim loại nặng như asen, lưu huỳnh, thủy ngân...

Chiều 8/8, Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai thông tin, chính quyền địa phương và Công ty cổ phần đồng Tả Phời (thuộc Vinacomin) đã huy động tối đa phương tiện và nhân lực để khắc phục sự cố vỡ hệ thống xả tràn hồ chứa thải của Nhà máy tuyển đồng tại xã Tả Phời, thành phố Lào Cai.

Theo  đó, khoảng 08h30 ngày 8/8, tại xã Tả Phời, thành phố Lào Cai do mưa lớn trên địa bàn kéo dài nên hệ thống cống D2000 (thoát nước mặt, nằm trong hồ thải tuyển) bị vỡ dẫn đến lượng nước lớn và bùn trong hồ thải tuyển chảy vào hồ sự cố và từ hồ sự cố chảy ra ngoài.

Sau nhiều giờ, dòng nước bùn đục ngầu chảy trên tuyến đường trục xã đoạn qua thôn Phời 3, xã Tả Phời đã hạ dần độ cao. Nước rút để lại hiện trường ngổn ngang bùn đất trong nhiều nhà dân, trên đường và toàn bộ cánh đồng phía trước trụ sở UBND xã; đường giao thông bị xói lở, một vài cột điện ngã đổ; đồ gia dụng, xe máy, gia súc, gia cầm bị cuốn trôi.

Lực lượng chức năng tiến hành dọn dẹp, xử lý hiện trường vụ việc (Ảnh: Đức Bình) 

Theo ông Trần Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Tả Phời, sự việc khiến 46 ngôi nhà bị nước thải tràn vào với hơn 200 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Công ty Cổ phần đồng Tả Phời đã huy động 4 máy múc, máy gạt và nhiều nhân công để lấp tạm thời vị trí sạt lở, hiện nước thải đã ngừng chảy.

Đánh giá đây là "sự cố môi trường nghiêm trọng" vì bùn đuôi quặng phải được quản lý nghiêm ngặt, không được để tràn ra môi trường, ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, cần phải triển khai các biện pháp ứng phó môi trường khẩn cấp như khoanh vùng, quan trắc chất lượng đất, nước để xử lý.

Điều mà người dân ở đây lo lắng hơn cả là dòng nước bốc mùi hôi khó chịu có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của họ. Diện tích ruộng, vườn bị bùn đất vùi lấp bao giờ mới có thể khắc phục để tiếp tục trồng cấy.

Về giải pháp khắc phục, theo ông Phạm Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (gọi tắt là “Trung tâm SOS Môi trường”), việc múc bỏ hàng triệu mét khối đất ô nhiễm đem đi xử lý khó khả thi. Chất thải tác động lâu dài đến môi trường đất và nước, do vậy, chính quyền địa phương cần phải quan trắc, đánh giá mức độ ô nhiễm để có phương pháp xử lý phù hợp, đồng thời phối hợp với các bên liên quan đảm bảo các nhu cầu thiết yếu cơ bản cho cộng đồng người dân bị ảnh hưởng, sau đó kiểm đếm, thống kê thiệt hại cụ thể để hỗ trợ, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Phạm Văn Biền (sống tại phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai) cho biết: Gia đình người bác ruột của mình nằm ở đầu khu vực thôn Phời 3, xã Tả Phời nên bị ảnh hưởng tương đối. Nhờ sự hỗ trợ của hàng xóm, công ty và các lực lượng chức năng, công tác dọn dẹp lượng lớn bùn đất tràn vào nhà đã cơ bản xong, rất mong cuộc sống sớm ổn định trở lại.

Khẳng định khu vực xảy ra sự cố đã được khắc phục, nước bùn đuôi quặng không còn chảy nhiều ra môi trường, ông Đặng Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần đồng Tả Phời cho biết đã phối hợp cùng chính quyền địa phương hỗ trợ sơ tán người dân ở khu vực phía dưới đập hồ thải đến vị trí an toàn và bố trí nơi ăn, ở đảm bảo ổn định; phối hợp với các cơ quan chức năng thống kê thiệt hại về nhà ở, hoa màu, tài sản, vật nuôi và lên các phương án đền bù, khắc phục thiệt hại. Mục tiêu đặt ra là không để người dân thiệt thòi do sự cố.

Ngay sau khi nhận thông tin vụ việc, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai đã chỉ đạo Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tổ chức lấy 6 mẫu nước tại 3 vị trí (khu vực Trạm Y tế xã Tả Phời, khu vực suối Phời hợp lưu với suối Cóc và ở hồ sự cố) vào thời điểm buổi sáng và buổi chiều, tiến hành kiểm nghiệm. 

Trong một động thái tích cực khác, tại Văn bản 3879/UBND-KT chỉ đạo khắc phục sự cố, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường yêu cầu Công ty Cổ phần đồng Tả Phời tiếp tục tập trung nhân lực, trang thiết bị khắc phục ngay sự cố để giảm thiểu tối đa nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống Nhân dân. Phối hợp với UBND xã Tả Phời rà soát các hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng và kịp thời có giải pháp di chuyển các hộ dân đến nơi an toàn; tổ chức thống kê thiệt hại của các gia đình, cá nhân và các tổ chức (nếu có), bố trí kinh phí để chi trả cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng theo quy định.

Tiếp tục tổ chức thi công khắc phục ngay các vị trí gây ra sự cố, sạt lở; các khu vực làm ảnh hưởng tới người dân và tổ chức, khẩn trương báo cáo chi tiết nguyên nhân xảy ra sự cố trước ngày 10/8/2023.

Đồng thời, đẩy nhanh việc điều tra, làm rõ nguyên nhân gây sự cố, nhất là trách nhiệm của từng đơn vị liên quan trong việc chấp hành pháp luật về môi trường, nếu có sai phạm cần đề xuất biện pháp xử lý nghiêm, công khai, đúng quy định.

Khoản 8 Điều 6 Chương I Luật Bảo vệ môi trường (Luật số: 72/2020/QH14, ngày 17 tháng 11 năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022) nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó bao gồm: Xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường; Không thực hiện công trình, biện pháp, hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan…

“Khi thoát môi trường, những chất này sẽ nhanh chóng ngấm vào đất, nguy cơ nhiễm vào nước ngầm, một phần hơi độc phát tán vào không khí. Vô hình trung, toàn bộ khu vực đất bị ô nhiễm biến thành "bể chứa chất thải mở rộng không có lớp nền chống thấm". Do chưa có cách nào thu hồi và xử lý triệt để, nên người dân ở khu vực ảnh hưởng của sự cố cần tránh tiếp xúc nguồn nước thải, tốt nhất nên sử dụng nguồn nước đóng chai cho đến khi có kết quả kiểm nghiệm từ cơ quan chức năng. Người dân không nên sử dụng các loại rau, cỏ trong khu vực có nước thải chảy qua”, TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai phân tích.

Qua sự việc cũng ra đặt câu hỏi vì sao một hồ chứa nước thải quặng đuôi được ngăn lại bởi đập đất lại nằm ở vị trí cao ngay trên đầu nguồn và gần khu dân cư? Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai cho biết, nhà máy tuyển đồng Tả Phời xây dựng 2 hồ chứa nước thải quặng đuôi, sử dụng nước tuần hoàn, dung tích theo thiết kế của hồ chứa chính là 5 triệu m3, hiện đã sử dụng gần 60%. Hồ được xây dựng trên cao, cách khu vực dân cư khoảng chừng 60 m.

Ngoài ra, cũng cần xem lại đánh giá tác động môi trường cụ thể tại dự án nhà máy ra sao (đúng, đủ, còn hiệu lực...), và các cơ quan, đơn vị liên quan đã thực hiện tốt việc cảnh báo, phòng ngừa, cũng như các kế hoạch ứng phó với các sự cố môi trường như thế này hay chưa./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực