Vấn đề thu hồi đất liên quan đến nông lâm

Chủ nhật, 08/01/2023 11:26
(ĐCSVN) - Liên quan việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ 3/1-15/3/2023, chúng tôi đã ghi nhận ý kiến của một số người dân…

 

 Đất đai là tư liệu sản xuất, là sinh kế quan trọng của người dân nên việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai được nhân dân đặc biệt quan tâm. (Ảnh: Trần Chiến)

Ông Bùi Trung Sỹ, ở xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái) cho biết: Bàn đến câu chuyện đất đai nó luôn là câu chuyện nóng bỏng, thu hút mọi sự quan tâm của nhiều người trong đó có tôi.

Lần sửa đổi, bổ sung này tôi mong muốn cơ quan xây dựng luật cần nghiên cứu, bổ sung để làm rõ thêm quy định về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, bởi việc thu hồi đất đai phải đúng quy định pháp luật, trải qua trình tự - thủ tục chặt chẽ, nếu không thực hiện đúng quy định pháp luật thì sẽ không bảo đảm được lợi ích lâu dài của người dân. Bên Cạnh đó, do đặc thù sinh sống ở miền núi, thu nhập trông chờ vào trồng trọt, chăn nuôi gắn với đất nông nghiệp, nên vấn đề chúng tôi đặc biệt quan tâm là các quy định trong việc thu hồi đất liên quan đến đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp phục vụ sản xuất, cách thức xác định khung giá đất, quy định cho những khu vực đặc thù hay cơ chế nào để luật, chính sách đất đai thực sự sát thực tiễn hơn, giúp bà con thôn bản yên tâm sinh sống.

Cạnh đó, trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai 2013, chúng ta cần loại bỏ các lỗ hổng còn tồn tại, hướng đến hài hòa lợi ích và công bằng xã hội, tạo những đột phá trong cải cách thể chế chính là “liều thuốc” hóa giải những xung đột, mâu thuẫn, hành vi tiêu cực hay đơn thư khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai; tạo môi trường pháp lý lành mạnh để phù hợp với những biến chuyển nhanh chóng của thị trường bất động sản nhất là đối với loại đất ở tại các vùng nông thôn, tránh thất thoát, lãng phí tài nguyên đất.

Quan điểm của ông Nguyễn Quốc Nam, ở xã Quân Chu, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) thì: Đất đai là tư liệu sản xuất, là sinh kế quan trọng của người dân, do đó chính sách đất đai giữ vai trò quan trọng trong việc giải quyết đói nghèo ở các vùng dân tộc thiểu số, nếu pháp luật về đất đai mà tồn tại nhiều bất cập sẽ ắt trở thành nguyên nhân gây ra sự bất ổn.

“Nghị quyết 24/ NQ-TW năm 2003 về công tác dân tộc đã thể hiện rõ chủ trương định hướng và những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực miền núi, trong đó có vấn đề giải quyết đất ở, đất sản xuất… Các chính sách, điều luật, quy định đã tạo hành lang pháp lý quan trọng giải quyết chính sách về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào miền núi, tuy nhiên những bất cập trong khái niệm đất rừng, đất lâm nghiệp những năm qua đã gây khó khăn trong quá trình sử dụng đất của người dân. Do đó, trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, chúng ta cần phải làm rõ hơn, quy định chi tiết hơn để tháo gỡ những bất cập trên.

Ông Đinh Văn Mão, ở xã Trung Thành, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) cho biết: Thực tế hiện nay cho thấy, việc chuyển loại đất, rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng, trong đó bao gồm việc chuyển đổi giữa các loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) và thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất, rừng…, quyền của người sử dụng đất, của chủ rừng không chưa được thể hiện rõ ràng. Theo Luật Đất đai (Điêu 174) quy định tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất rừng thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, trong khi đó Luật Lâm nghiệp (Điều 79) quy định tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê rừng sản xuất không có quyền chuyển nhượng rừng đối với cả rừng tự nhiên, rừng trồng và không phân biệt trả tiền một lần cho cả thời gian thuê hay trả tiền thuê rừng hàng năm. Luật Đất đai (Điều 179) quy định hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất trong hạn mức có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất rừng, trong khi đó, Luật Lâm nghiệp quy định hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao rừng phòng hộ không được quyền cho thuê rừng, không được chuyển nhượng rừng. Ở đây có sự chồng chéo nhau, nên việc bổ sung, sửa đổi Luật Đất đai cần xem xét để có sự đồng bộ, thống nhất giữa luật với các quy định hiện hành.

 Luật sư Khương Tân Phương, Trưởng Văn phòng luật sư Thuận Nam (Đoàn luật sư TP. Hà Nội).

(Ảnh: Trần Chiến)

Đóng góp ý kiến ở góc độ chuyên gia luật pháp, Luật sư Khương Tân Phương, Trưởng Văn phòng luật sư Thuận Nam (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) kiến nghị:

 Thứ nhất, tôi đề nghị bổ sung nội dung tại khoản 1 Điều 16 quy định về Nhà nước quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất. Hiện nay, Luật Đất đai chưa quy định trường hợp Nhà nước thu hồi đất do thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Từ đó, dẫn đến thiếu cơ sở pháp luật trong việc xác định căn cứ thu hồi và chính sách giải quyết đối với các hộ dân phải di dời tại nhà đất thu hồi theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP để cơ quan chức năng tổ chức thực hiện.

Thứ hai, cần sửa đổi, bổ sung về trình tự, thủ tục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Bởi tại khoản 3 Điều 69 Luật Đất đai hiện hành quy định:

“3. Việc quyết định thu hồi đất, phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được quy định như sau:

a) UBND cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 66 của Luật này quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày…”.

Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay có những dự án thu hồi đất lớn, có nhiều hộ gia đình bị ảnh hưởng nên việc quy định ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày là không thể thực hiện được, thậm chí có nhiều hộ dân không bàn giao đất thì phải có thời gian để đơn vị tổ chức giải phóng mặt bằng tổ chức vận động, thuyết phục, nhằm tránh xảy ra việc thực trạng khiếu kiện về sau.

Thứ ba, tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung về thời điểm xác định giá đất. Tại khoản 3, Điều 108 Luật Đất đai hiện hành quy định: “3. Thời điểm tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là thời điểm Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất”. Đồng thời, tại điểm b, khoản 1, Điều 112 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “1. Việc xác định giá đất phải đảm bảo các nguyên tắc sau đây:… b) Theo thời hạn sử dụng đất;…”

Căn cứ các quy định nêu trên, việc xác định giá đất phải đảm bảo thời điểm xác định giá đất và thời hạn sử dụng đất. Khi xác định giá đất cụ thể, đã gặp khó khăn, vướng mắc trong việc xác định thời điểm để xác định giá đất, nguyên nhân là do ngày ban hành các quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất… và thời hạn sử dụng đất chưa xác định cụ thể (như ngày ban hành quyết định là một ngày, nhưng thời hạn sử dụng đất được tính từ ngày nhà đầu tư được lựa chọn là chủ đầu tư), từ đó dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau.

Ngoài ra, tôi đề xuất bổ sung thời điểm xác định giá đất đối với các trường hợp xác định giá khởi điểm để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất như sau: “Thời điểm xác định giá khởi điểm để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất là thời điểm Nhà nước ban hành quyết định đấu giá quyền sử dụng đất”../.

Trần Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực