Có thể nêu ra một số vụ việc, gần đây nhất, ngày 13/3/2023, chiếc xe container chở theo 3 cuộn thép nặng hàng chục tấn lưu thông đến Km6+300 tỉnh lộ 419 (thị trấn Liên Quan, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội) thì 1 cuộn thép rơi xuống đường đè trúng ô tô Toyota Corolla Altis đang đỗ trên vỉa hè khiến chiếc xe này bẹp dúm.
Trước đó, ngày 19/11/2022, xe đầu kéo BKS 50LD - 197.01 kéo theo rơ-moóc chở 2 cuộn thép di chuyển trên quốc lộ 1 hướng từ miền Tây đi TP HCM. Khi tới khu vực cầu Bình Điền, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh (TP HCM) tài xế phanh gấp khiến dây xích chằng 2 cuộn thép trên xe bị đứt, làm 2 cuộn thép nặng hàng chục tấn văng khỏi rơ-moóc. Qua cân kiểm tra, tổng trọng lượng của xe và hàng nặng 48.250 kg (không quá tải). Thừa nhận không chằng buộc chắc chắn khi vận chuyển, tài xế Lý Thanh Tâm cam kết sẽ chấp hành nghiêm các quy định.
|
Cuộn thép rơi xuống đường đè trúng ô tô Toyota Corolla Altis đang đỗ trên vỉa hè xảy ra trên địa phận huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội (Ảnh: Mạnh Hiền) |
Đa số bạn đọc bày tỏ lo lắng với văn hóa giao thông và hạ tầng giao thông như hiện nay, việc đi lại tại Việt Nam rất khó tránh khỏi tình huống phải phanh gấp.
"Nhiều địa phương chưa thể bố trí được làn đường dành riêng cho các loại phương tiện chuyên dụng như xe đầu kéo kéo theo rơ moóc, xe chuyên chở các loại hàng hóa siêu cường, siêu trọng... Những cuộn thép tròn nặng hàng chục tấn, hay hàng chục ống cống bê tông, trụ thép thi công cầu, cống… chỉ được chằng buộc sơ sài với các đoạn dây xích, khúc gỗ chặn trên sàn xe… Khi phanh gấp, quán tính của hàng hóa nặng đẩy luôn cabin về trước, nguy hiểm cho cả tài xế và người đi đường", bạn đọc Trần Văn Chuẩn, sống tại huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng chia sẻ.
Theo một cán bộ đội thanh tra giao thông số 1, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, phần lớn các tuyến đường giao thông ở Việt Nam là giao thông hỗn hợp. Trong cuộc sống, mọi thứ đúng là không thể lường hết được. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng phòng luôn tốt hơn là chống, tức là để tránh những hậu quả đáng tiếc, gây thiệt hại cả người và tài sản, thời gian của xã hội thì vấn đề quan trọng là ý thức chấp hành chứ không đơn thuần là chế tài nghiêm khắc.
“Vi phạm thì đình chỉ phương tiện, thu giữ giấy phép lái xe, phạt nặng cả tài xế lẫn chủ phương tiện thì tình trạng này mới hạn chế được”, bạn đọc Lê Công Tiến, sống tại quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng bày tỏ.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Kỹ, đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh cho biết tình trạng nói trên không phải là mới nhưng vẫn liên tục tái diễn, bất chấp quy định pháp luật của cả chủ xe và chủ hàng.
Do vậy, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đơn vị thuê chở hàng, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải ký cam kết không chở hàng quá khổ, quá tải; kiên quyết không ký tiếp hợp đồng lao động với những lái xe có vi phạm về tải trọng. Ngoài ra, lực lượng chức năng cần tăng cường phối hợp, đề cao trách nhiệm trong kiểm tra, sử dụng thiết bị ghi hình để có căn cứ xử phạt các phương tiện vi phạm.
Điều 20 Chương II Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (Luật số: 23/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008) nêu rõ, hàng hóa xếp trên xe phải gọn gàng, chằng buộc chắc chắn, không để rơi vãi dọc đường, không kéo lê hàng hóa trên mặt đường và không cản trở việc điều khiển xe. Khi xếp hàng hóa vượt phía trước và phía sau xe thì ban ngày phải có cờ báo hiệu màu đỏ, ban đêm hoặc khi trời tối phải có đèn đỏ báo hiệu.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Mục 5 Chương II Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Số: 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019) về xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ, cụ thể: Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Vận chuyển hàng trên xe phải chằng buộc mà không chằng buộc hoặc có chằng buộc nhưng không chắc chắn, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 4 Điều này; Điều khiển xe xếp hàng trên nóc buồng lái, xếp hàng làm lệch xe; Không chốt, đóng cố định cửa sau thùng xe khi xe đang chạy.
“Trong khi đó, điểm c khoản 8 Điều 24 và điểm b khoản 9 Mục 5 Chương II Nghị định 100/2019/NĐ-CP nêu rõ trường hợp vận chuyển hàng hóa không chằng buộc an toàn dẫn đến tai nạn giao thông thì bị phạt tiền từ 8 - 12 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng”, luật sư Kỹ phân tích.
Thậm chí, nếu hàng hóa trên xe không chằng buộc cẩn thận rơi xuống đường gây thương tích cho người khác mà tỷ lệ thương tích 1 người từ 61% hoặc 2 người cộng lại 61% trở lên, gây chết người, thiệt hại tài sản trên 100 triệu đồng thì lái xe còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ" theo quy định tại Điều 260 Mục 1 Chương XXI Bộ luật Hình sự năm 2015 (Số: 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cụ thể, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: Không có giấy phép lái xe theo quy định; Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng; Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; Làm chết 02 người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Làm chết 03 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Trước đó, ngày 10/8/2022, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam; các Cục Hàng hải Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam, Đường sắt Việt Nam; các Sở Giao thông Vận tải và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn khi vận chuyển hàng hóa bằng xe ô tô trên đường bộ.
Bộ yêu cầu các cơ quan, đơn vị nêu trên tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, đơn vị xếp dỡ hàng hóa, nhà ga, bến cảng, nhà máy sản xuất tuân thủ nghiêm các quy định về xếp hàng hóa trên xe ô tô. Đặc biệt chú trọng đối với việc xếp, chằng buộc và vận chuyển hàng hóa là thép cuộn tròn trên xe ô tô và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Ở cấp độ quản lý nhà nước chuyên ngành, theo Thông tư 35/2013/TT-BGTVT (Số: 35/2013/TT-BGTVT ngày 21 tháng 10 năm 2013) của Bộ Giao thông vận tải quy định về xếp hàng hóa trên xe ô tô khi tham gia giao thông trên đường, hàng hóa xếp trên xe ô tô khi tham gia giao thông phải dàn đều không xếp lệch về một phía và phải được chằng buộc chắc chắn, bảo đảm không bị xê dịch trong quá trình vận chuyển.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là mỗi loại hàng hóa (ví dụ như sắt cuộn, cột điện tải trọng lớn, ống cống bê tông…) lại có yêu cầu, tiêu chí khác nhau để đảm bảo an toàn trong quá trình chằng buộc và vận chuyển. Việc người lái xe có cách hiểu khác nhau về tiêu chí chằng buộc hàng hóa cụ thể, về trọng lượng, chiều cao hoặc cách thức chèn hoặc yêu cầu xe chuyên dụng cũng chính là nguyên nhân khiến thời gian qua xảy ra các sự cố gây mất an toàn giao thông.
“Do vậy, để giảm thiểu tối đa rủi ro tai nạn giao thông có nguyên nhân từ xe ô tô chở hàng hóa nặng, cồng kềnh, mỗi người dân khi cần có kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông trên cùng một tuyến đường có xe tải cỡ lớn chở hàng nặng, cồng kềnh, không chạy gần các điểm mù bao gồm phía trước, phía sau hoặc bên hông các loại xe chở hàng cồng kềnh; xe đầu kéo, xe container..., đồng thời mỗi tài xế cũng cần nêu cao ý thức trong việc chằng buộc, vận chuyển hàng hoá”, luật sư Kỹ khuyến cáo./.