|
Học sinh lớp 1 ở huyện, thị xã ngoại thành thuộc Hà Nội trở lại trường. (Ảnh T Thảo). |
Chia sẻ về vấn đề trên, thầy Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội), cho hay: Trước khi đón học sinh trở lại, các trường đã dự buổi tập huấn do liên sở GD&ĐT và Y tế tổ chức, trong đó hướng dẫn biện pháp xử lý khi có ca nghi mắc COVID-19 ở trường.
Cụ thể, học sinh có biểu hiện ốm, ho, sốt được mời xuống phòng y tế để test nhanh. Nếu kết quả dương tính, em đó chuyển tới phòng cách ly. Trường báo y tế phường, mời phụ huynh đến đưa học sinh về để thực hiện cách ly, báo cáo địa phương, tiếp tục theo dõi sức khỏe, xét nghiệm PCR.
Trường xác định những em tiếp xúc gần hoặc có biểu hiện nghi mắc, thực hiện các bước tương tự, khử khuẩn phòng học. Đồng thời, những em này sẽ chuyển sang học trực tuyến.
Đối với những học sinh là F1 sẽ nghỉ học 7 ngày nếu đã tiêm đủ 2 mũi, 14 ngày nếu chưa tiêm. Sau đó, các em xét nghiệm và trở lại trường nếu kết quả âm tính. Trường hợp cần cho cả lớp nghỉ học, trường sẽ báo cáo, xin ý kiến từ ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, tại TP.HCM, Phó giám đốc sở GD&ĐT Dương Trí Dũng cho hay: Mỗi cơ sở giáo dục ở bất kỳ cấp học nào, khi mở cửa trở lại đều phải có kế hoạch ứng phó với các diễn biến, tình huống phát sinh liên quan đến dịch bệnh trong quá trình dạy học để chuyển đổi trạng thái một cách phù hợp.
“Hiện nay, các bước xử lý khi trường học có F0, F1 đều thực hiện như văn bản hướng dẫn của Sở Y tế TP.HCM từ đầu tháng 12/2021. Đối tượng học sinh đã tiêm đủ vaccine COVID-19 xử lý ra sao, chưa tiêm xử lý thế nào đều thực hiện đúng như hướng dẫn”, ông Dũng nói.
Theo hướng dẫn, việc xử lý trường hợp phát hiện học sinh mắc COVID-19 tại trường gồm 4 bước như sau:
Bước 1: Giáo viên thông báo kết quả dương tính cho trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch, tổ an toàn COVID-19 của cơ sở giáo dục và phụ huynh học sinh. F0 được tạm thời cách ly.
Bước 2: Ban chỉ đạo phòng chống dịch, tổ an toàn COVID-19 của cơ sở giáo dục phối hợp trạm y tế địa phương đánh giá tình trạng sức khỏe của F0 để có hướng xử lý tiếp theo.
Bước 3: Nhà trường tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh khử khuẩn lớp học và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp (F1) bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên (mẫu gộp không quá 3 người). Các lớp học khác hoạt động bình thường.
Bước 4: Ban chỉ đạo phòng chống dịch, tổ an toàn COVID-19 của cơ sở giáo dục phối hợp với trạm y tế địa phương cùng theo dõi F1 là những học sinh cùng lớp, giáo viên của F0 và đã có kết quả xét nghiệm âm tính.
Riêng đối với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ, nếu có một ca dương tính với SARS-CoV-2, toàn bộ học sinh trong cùng lớp (F1) phải cách ly tại nhà theo quy định.
Sở Y tế TP.HCM lưu ý nếu trong cùng một ngày phát hiện từ 2 trường hợp F0 trở lên ở 2 lớp học khác nhau, nhà trường cần tổ chức ngay việc xét nghiệm tầm soát.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc sở GD&ĐT cho biết, Bộ Y tế đã có định nghĩa mới về đối tượng F1 và cách xác định F1 nên sở giáo dục lưu ý các đơn vị phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương để xác định ca mắc bệnh, ca tiếp xúc gần một cách chính xác, trên tinh thần “khoanh vùng nhanh nhất, nhỏ nhất, ít ảnh hưởng nhất và chỉ đơn vị y tế mới xác định ai là F0, F1 và quyết định biện pháp điều trị, cách ly”, ông Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Dương Trí Dũng, ngành giáo dục TP.HCM không yêu cầu phụ huynh đưa ra kết quả xét nghiệm âm tính của con trước khi đến trường. Ngành chỉ yêu cầu phụ huynh phối hợp chặt chẽ với nhà trường, thông báo trung thực tình hình sức khỏe của học sinh, biểu hiện nghi nhiễm hoặc tình hình dịch tễ của gia đình.
Tương tự, tại Hà Nội, phụ huynh không cần xét nghiệm nhanh cho con trước khi đến lớp. Các trường chỉ hướng dẫn cha mẹ học sinh đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe của con. Nếu trẻ có biểu hiện ho, sốt, khó thở, phụ huynh không đưa con đến lớp./.