Xử nghiêm những trường hợp vi phạm nồng độ cồn để siết chặt kỷ cương

Thứ sáu, 13/10/2023 16:13
(ĐCSVN) - Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng và lãnh đạo Bộ Công an, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông, trong đó có nồng độ cồn. Chủ trương này nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân.

Nhân dân đồng tình ủng hộ

Anh Vũ Trọng Văn, ở xã Gia Lương, huyện Gia Lộc (Hải Dương) cho biết: Quá trình theo dõi tôi thấy việc xử lý quyết liệt nồng độ cồn thời gian qua được các cấp, các ngành và nhân dân đánh giá rất cao. Việc giải quyết nồng độ cồn không chỉ góp phần đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), hạn chế tai nạn mà còn giúp phòng ngừa những hành vi phạm tội bột phát do uống rượu như giết người, cố ý gây thương tích và vi phạm pháp luật khác…Cạnh đó, còn có tác dụng bảo vệ, củng cố thể lực, trí lực cho nhân dân, xây dựng đời sống văn hoá trong từng gia đình, cộng đồng dân cư. Với những lợi ích thiết thực như trên, việc tăng cường xử lý nghiêm hành vi vi phạm nồng độ cồn được nhân dân rất đồng tình ủng hộ.

Theo anh Vũ Trọng Văn, việc tăng cường xử lý nghiêm hành vi vi phạm nồng độ cồn được nhân dân rất đồng tình ủng hộ. (Ảnh: Kim Chiến)

Như chúng ta đã biết, cùng với ma túy, tốc độ và quá khổ quá tải thì vi phạm nồng độ cồn là một trong 3 nguyên chính gây ra tai nạn giao thông (TNGT). Chính vì vậy, trong năm 2022, đặc biệt là từ đầu năm 2023 đến nay, nhân dân ghi nhận việc lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) trong cả nước đã tập trung kiên quyết, xử lý rốt ráo những vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến TNGT, trong đó tập trung xử lý vi phạm về nồng độ cồn và ma tuý đối với người lái xe. Từ những kết quả và chuyển biến tích cực bước đầu về tình hình trật tự ATGT cho thấy “chiến dịch xử lý nồng độ cồn" của chúng ta thực sự tạo được những dấu ấn, có tác động tích cực đến đời sống xã hội.

Anh Văn dẫn chứng: Nếu để ý diễn biến tình hình giao thông trong nước, chúng ta sẽ thấy TNGT liên quan đến vi phạm nồng độ cồn, ma tuý đã giảm rõ rệt; đặc biệt, đã hạn chế những tai nạn liên hoàn, xe điên, mất lái do sử dụng rượu bia. Ngay tại các cơ sở y tế, khoa cấp cứu các bệnh viện cũng xác định đã giảm rõ rệt số nạn nhân TNGT liên quan đến nồng độ cồn. Ngoài ra, đánh nhau, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng ở trên đường phố có nguyên nhân xuất phát từ nồng độ cồn cũng đã giảm.

Anh Văn nêu quan điểm: “Có thể khẳng định, hiệu quả của xử lý nghiêm nồng độ cồn không chỉ góp phần giúp người dân sống trong bình yên, an toàn, bớt đi nỗi lo mỗi khi ra đường, mà còn giúp các gia đình sống hạnh phúc hơn, xóm làng bình yên hơn...”.

Cũng như anh Văn, nhiều ý kiến khác của người dân mong muốn lực lượng chức năng tiếp tục duy trì nghiêm việc kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn để hạn chế, ngăn chặn hiệu quả TNGT và góp phần đảm bảo an toàn cho xã hội.

“Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”

Ông Trương Quang Mão, quân nhân hưu trí ở xã Minh Lương, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) cho biết: Phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong xử lý vi phạm nồng độ cồn của Bộ Công an được người dân chúng tôi đánh giá rất cao. Lực lượng CSGT đã tập trung xử lý rất quyết liệt các vi phạm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; của lãnh đạo Bộ Công an, đó là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong xử lý vi phạm và kiên quyết xử lý vi phạm, trong đó có vi phạm nồng độ cồn để tạo thói quen người tham gia giao thông là “đã uống rượu bia thì không lái xe”.

Công tác đảm bảo trật tự ATGT ở nước ta thời gian qua có thể nói ví von như việc bác sỹ đã “bắt” được đúng bệnh của bệnh nhân. Đối với công tác này, “bắt” đúng bệnh cũng đã là việc khó, nhưng “kê thang, bốc thuốc” trị bệnh cũng không đơn giản. Tuy nhiên, lực lượng chức năng thực thi pháp luật đã nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai hiệu quả nhiệm vụ, đưa ra mục tiêu lập lại trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông đối với cả người tham gia giao thông và lực lượng thực thi công vụ, từng bước tạo dựng được ý thức, thói quen và xây dựng văn hoá tích cực cho người tham gia giao thông.

“Ngoài ra, tôi thấy việc xử phạt nghiêm minh vi phạm nồng độ cồn không chỉ tác động tích cực đến tình hình giao thông mà còn tăng nguồn thu nộp ngân sách. Và qua đó tăng tính răn đe của luật pháp, nâng cao ý thức chấp hành luật cho người điều khiển phương tiện trên đường” – ông Mão nhận định.

Có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Là cán bộ hưu trí từng công tác trong ngành Công an, ông Nguyễn Trọng Trí ở thành phố Hòa Bình cho biết: Với quan điểm lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, động lực, nguồn lực trong mọi hành động thì Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã tham mưu cho Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 23 thay thế Chỉ thị số 18 về bảo đảm trật tự ATGT trong tình hình mới. Đây là chỉ thị mới nhất, được Ban Bí thư ban hành ngày 25/5/2023... Việc này cho thấy đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự sâu sát của những người đứng đầu trong công tác đảm bảo ATGT. Do đó việc xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn còn là chủ trương, giải pháp căn cơ nhằm lập lại trật tự kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật giao thông.

"Qua công tác tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm, lực lượng chức năng đã tạo được ý thức rõ rệt của người dân về việc “đã uống rượu bia thì không lái xe” - ông Phạm Hữu Quân cho biết. (Ảnh: Kim Chiến) 

Ông Phạm Hữu Quân, ở Thái Phúc, Thái Thụy (Thái Bình) cho biết: Thời gian qua, đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xuất phát từ nguyên nhân lái xe điều khiển phương tiện sau khi sử dụng đồ uống có nồng độ cồn như bia, rượu... Rất nhiều người vợ đã mất chồng, con mất cha chỉ vì một vài cốc bia, chén rượu. Do đó, tôi rất ủng hộ việc xử phạt thật nặng những người điều khiển phương tiện có hành vi vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Tôi thấy qua công tác tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm, lực lượng thực thi pháp luật đã tạo được ý thức rõ rệt của người dân về việc “đã uống rượu bia thì không lái xe”. Điều này thể hiện rất rõ trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân, thậm chí tác động vào từng bữa cơm gia đình, như trước đây các buổi trưa cánh đàn ông cũng hay tranh thủ “chén chú chén anh”; hay về quê ăn cỗ cưới hỏi, giỗ chạp là y rằng phải uống rượu... thì đến nay vấn nạn này dường như không còn, hoặc còn rất ít. Người được mời chỉ cần từ chối với lí do phải lái xe là không bị làm khó nữa.

“Ngoài ra, chiến dịch xử lý tình trạng uống rượu bia khi lái xe đã giúp những ông chồng hay nhậu nhẹt, do không có men ít về gây gổ vợ con nên cuộc sống gia đình êm ấm hơn; hay các hành vi gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép, cố ý gây thương tích, phạm pháp hình sự liên quan đến đối tượng sử dụng rượu bia cũng giảm, góp phần ổn định tình hình trật tự xã hội” – ông Quân chia sẻ.

“Quá trình dõi theo chiến dịch xử lý nồng độ cồn, chúng ta cũng nên xem xét điều chỉnh ở một mức nồng độ cồn trong giới hạn cho phép để đảm bảo sự khách quan; xét đến các vấn đề cồn tự nhiên cơ thể, hay uống nước ngọt có ga, ăn hoa quả, thổi nồng độ cồn cũng bị lên số đo... có thể vô tình gây khó cho người chấp hành cũng như lực lượng thực thi pháp luật” - ông Phạm Hữu Quân chia sẻ thêm.

Xử nghiêm cán bộ vi phạm để làm gương

Xử nghiêm cán bộ vi phạm để làm gương là ý kiến của ông Nguyễn Văn Kiệm, cán bộ hưu trí ở tổ dân phố Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý (Hà Nam). Theo ông Kiệm, việc siết chặt trật tự kỷ cương trong chấp hành pháp luật của cả người tham gia giao thông và người thực thi pháp luật về giao thông cho thấy tính thượng tôn pháp luật ngày càng cao. Đơn cử thời gian qua, đã có không ít vụ cán bộ vi phạm nồng độ cồn bị xử lý nghiêm, trong đó có cả cán bộ ngành công an, biên phòng, hay cán bộ công tác trong các sở, ngành, địa phương... đang cho thấy không có bất cứ sự ngoại lệ nào, trước pháp luật mọi người đều bình đẳng. Bởi ai cũng biết sự nghiêm minh đó xuất phát từ mục đích cao cả là giữ gìn an toàn tính mạng, sức khoẻ, tài sản cho nhân dân...

“Một số sự vụ còn cho thấy, cán bộ xử lý vi phạm về giao thông không xuê xoa, bỏ qua trong xử lý vi phạm. Cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông còn bị thông báo về cơ quan để có hình thức xử lý. Và gần đây, dường như rất hiếm hình ảnh cán bộ, đảng viên say xỉn, cự cãi, thách thức cán bộ CSGT xử lý vi phạm hoặc gây gổ với người khác khi xảy ra va chạm. Tôi được biết, có những địa phương còn quy định các sở, ngành có cán bộ vi phạm nồng độ cồn, thì người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm. Chúng ta đang thể hiện sự kiên quyết, nghiêm minh của pháp luật trong xử lý nồng độ cồn” – ông Kiệm nói.

Thật vậy! Trong thời gian này, đi đến bất cứ địa phương nào chúng ta dễ dàng được chứng kiến cảnh lực lượng CSGT đang rầm rộ ra quân với quyết tâm, căng sức, tập trung lực lượng để xử lý nghiêm những vi phạm về nồng độ cồn với hy vọng lập lại trật tự kỷ cương, tạo thói quen, hình thành văn hoá đã uống rượu bia thì không lái xe./.

Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực