|
Ông Phạm Hữu Quân |
Ông Phạm Hữu Quân, ở Thái Thụy, Thái Bình ý kiến: Như tôi được biết, hiện nay giá nhà ở Hà Nội và các thành phố lớn đã tăng vượt xa khả năng kinh tế của đa số người dân, khi muốn mua một căn nhà để ở, họ thường phải trả góp nhiều năm mới hết nợ. Có những trường hợp người lao động ở thành phố có mức thu nhập 15 - 20 triệu đồng/tháng, thậm chí cao hơn cũng không dám nghĩ tới việc mua nhà. Do đó, việc đánh thuế bất động sản thứ 2 sẽ dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế và khiến giá nhà tiếp tục tăng cao, việc mua nhà ở tại các thành phố lớn sẽ càng khó khăn hơn với người dân, nhất là những người lao động có thu nhập trung bình và thấp, khiến những chính sách của nhà nước về nhà ở xã hội cho người dân không tối ưu hiệu quả.
“Công cụ thuế nó có tính 2 mặt, tùy từng thị trường cụ thể mà công cụ này sẽ tác động tốt hoặc cản trở tới sự phát triển của thị trường đó. Do đó, phải sử dụng công cụ thuế để kích thích thị trường phát triển minh bạch, đúng đắn, chứ không nên trở thành một rào cản đối với sự phát triển của thị trường bất động sản. Theo quan điểm của tôi, việc đánh thuế bất động sản chỉ là một trong nhiều biện pháp giúp cho thị trường bất động sản phát triển minh bạch và bền vững, chứ không hề giúp cho người dân nhất là người có thu nhập thấp dễ dàng tiếp cận mua bất động sản để sử dụng. Có chăng, việc cần làm là cơ quan quản lý cần đẩy mạnh quá trình số hóa và xây dựng kho cơ sở dữ liệu về đất đai cũng như dữ liệu về giá trị tài sản là bất động sản để tăng cường giải pháp quản lý thị trường bất động sản” – ông Quân ý kiến.
Bà Nguyễn Thị Dung, ở Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết: Hiện nay, thu nhập của không ít người dân vẫn ở mức thấp. Không ít người tích góp cả đời mới mua được căn nhà nhỏ, việc đánh thuế bất động sản theo đề xuất của Bộ Xây dựng càng khiến cho người mua nhà thêm gánh nặng kinh tế. Cạnh đó, trong suốt thời gian dài vừa qua, thị trường bất động sản đã liên tiếp gặp những những cú sốc. Đầu tiên là dịch bệnh, chính trị thế giới bất ổn, rồi tới chính sách siết chặt tín dụng những năm 2022 của nhà nước, và sau đó là một số vụ việc tiêu cực liên quan lĩnh vực bất động sản. Bà Dung nhấn mạnh "Sau nhiều nỗ lực, thị trường bất động sản đang bước đầu phục hồi nhưng vẫn còn rất khó khăn. Vấn đề quan trọng nhất lúc này là vực dậy thị trường bất động sản, tránh mọi cú sốc hay rào cản mới như việc ra thêm một loại thuế mới".
Bàn về giá nhà đất luôn cao, bà Dung cho rằng căn nguyên ở đây là vấn đề của cung cầu, thực tế hiện nay nhu cầu về nhà ở của người dân ngày càng tăng cao, nhưng nguồn cung thì hạn chế, hoặc sản phẩm ít phong phú nên người có nhu cầu thực không tiếp cận được. Vì lẽ đó, dù có đánh thuế cao hay thấp thì giá bất động sản vẫn sẽ tăng như một tất yếu. Không đủ nguồn cung cho nhu cầu của thị trường thì người mua cũng sẵn sàng chấp nhận mức thuế được đưa ra. Thậm chí nếu càng đánh thuế, giá bất động sản càng tăng. Do đó, thuế không thể giải quyết được gốc rễ của vấn đề.
|
Bà Nguyễn Thị Dung |
Mặt khác, việc đánh thuế như đề xuất không chỉ ảnh hưởng đến những người đang có nhu cầu sở hữu nhà, mà ngay cả những người đi thuê nhà cũng có thể bị tác động xấu, trong đó rất nhiều người là những sinh viên, lao động tự do, công nhân… Ở góc độ này người dân chúng tôi nghĩ Bộ Xây dựng cần tính toán bởi nếu một mặt ta hỗ trợ người dân lao động bằng các chính sách, mặt khác ta lại khiến giá thuê nhà tăng cao thì thực tế đã triệt tiêu hiệu quả của các chính sách an sinh xã hội hiện tại. Cần tránh tình trạng thuế chồng thuế, để gánh nặng không dồn tiếp lên vai người lao động nữa. Bất động sản không chỉ là nơi để ở mà còn là đầu vào của các hoạt động kinh tế. “Do vậy, việc đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất thời điểm này là chưa phù hợp, cần xem xét lại một cách kỹ lưỡng, toàn diện” - bà Dung nói.
Ông Vũ Văn Khư, ở thị trấn Ba Sao, Kim Bảng (Hà Nam) phân trần: Tôi còn nhớ, cách đây khoảng 7 năm, có đề xuất tương tự cũng được đưa ra đã khiến người dân băn khoăn, nhất là với người chưa sở hữu nhà. Vì thực tế, mức thuế tăng có thể khiến giá nhà tăng cao, người dân vốn đã không có nhiều điều kiện tiếp cận nhà ở sẽ lại càng khó khăn, gánh nặng kinh tế ngày càng áp lực, họ sẽ phải “co” lại trong chi tiêu, từ đó thị trường tiêu dùng sẽ bị suy giảm, gây ra hệ lụy về việc làm và cả nền kinh tế. Có thể thấy khi áp thuế, chúng ta thu được một khoản nhỏ nhưng lại mất phần lớn. Đây là việc cần tính toán kĩ, dựa trên dữ liệu thật, chứ không chỉ đề xuất theo kiểu phán đoán ước lượng, rất khó tạo sự đồng thuận của xã hội.
Ông Khư cũng cho biết, nếu muốn đánh thuế tài sản trước mắt cần phải kiểm soát được giao dịch bất động sản. Thực tế đến nay vẫn còn tình trạng sang tay nhà đất không qua ngân hàng, sàn giao dịch bất động sản, chưa kể tới việc xác định chính xác bất động sản thuộc sở hữu của ai vẫn chưa được giải quyết do chưa đầy đủ cơ sở dữ liệu và hiện tượng nhờ người đứng tên tài sản vẫn còn tồn tại, khiến việc đánh thuế tài sản vô cùng khó khăn vì không thể chứng minh được ai đó có bao nhiêu tài sản để đánh thuế. Khi không thể biết được một người có bao nhiêu bất động sản, việc đánh thuế chỉ làm méo mó thị trường bất động sản, khiến nhà đất khan hiếm hàng hơn và người có thu nhập trung bình, dưới trung bình khó có cơ hội mua được nhà ở...
|
Ông Vũ Văn Khư |
Vẫn theo ông Khư, chúng ta phải lưu ý làm rõ và quy định rành mạch giữa trường hợp có nhiều bất động sản để đầu tư và những trường hợp mua gom, sở hữu nhiều bất động sản để đầu cơ, gây lũng đoạn thị trường để kiếm lời. Khi đã tách bạch được, cần có chính sách áp thuế mạnh tay với giới đầu cơ, bởi hành vi của họ gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Còn những người mua nhà thứ 2, thứ 3 hoặc nhiều hơn nhưng sử dụng đúng mục đích như đầu tư xây trường học tư thục, trường mầm non, bệnh viện - cơ sở y tế tư nhân, xây nhà cho công nhân, học sinh thuê trọ, hoặc đơn thuần là việc mua thêm nhà đất cho con cái tách hộ ở riêng... tức không gây ảnh hưởng mà còn tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội, là hành vi tích cực, cần được khuyến khích, tạo điều kiện.
“Bất động sản là một lĩnh vực rất phức tạp, nên khi đánh thuế cần xem xét một cách toàn diện, thận trọng, theo từng trường hợp cụ thể, tránh đưa ra những chính sách thuế xa rời thực tế làm người dân thất vọng, và không đáp ứng được mong đợi ban đầu của nhà hoạch định chính sách” - ông Khư nêu quan điểm.
Đồng ý kiến với ông Vũ Văn Khư, anh Lương Việt Hùng, ở thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái cho rằng, việc áp thuế cao lên người sở hữu nhiều tài sản bất động sản nhằm mục đích đầu cơ sẽ góp phần tạo sự công bằng hơn trong xã hội. Những người có khả năng tích lũy nhiều tài sản nhưng không phải đầu tư, mà chỉ phục vụ việc mua đi bán lại kiếm lời, tức không có ích gì cho kinh tế - xã hội, chúng ta phải có chế tài thuế mạnh tay để họ có trách nhiệm đóng góp cho xã hội. Đồng thời chính sách này sẽ giúp hạn chế đáng kể tình trạng đầu cơ bất động sản lũng đoạn hiện nay.
|
Anh Lương Việt Hùng |
“Đánh thuế người sở hữu nhiều bất động sản nhưng không đầu tư, sẽ mang lại rất nhiều lợi ích như chống nạn đầu cơ thổi giá, chống bong bóng bất động sản, chống lãng phí đất đai nhà ở, bất động sản phát triển thực chất trúng đúng nhu cầu; các nhà đầu cơ thay vì bỏ tiền xây các khu nhà, khu đô thị rồi bỏ hoang thì họ có thể mua trái phiếu Chính phủ, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước... Tuy nhiên lộ trình áp dụng việc đánh thuế cũng cần có sự cân nhắc, tránh gây sốc cho thị trường bất động sản. Và một trong các việc đặt ra cần giải quyết ngay lúc này đó là Bộ Xây dựng cần đưa ra giải pháp căn chỉnh lại cán cân cung cầu về bất động sản, các dự án về nhà ở đang tắc nghẽn cần phải tháo gỡ, các dự án mới cần được khởi động trở lại, làm phong phú thêm phân khúc, sản phẩm bất động sản, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận đất đai, nhà ở thuận lợi hơn...” - anh Hùng ý kiến.