Ý kiến về việc ghi “nơi sinh” thay “quê quán” trên giấy tờ tùy thân

Thứ hai, 31/10/2022 14:39
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Trong họp báo thường kỳ quý III năm 2022 để thông tin về tình hình hoạt động của ngành Tư pháp, đại diện Bộ Tư pháp cho biết đang lấy ý kiến về việc ghi “nơi sinh” thay “quê quán” trên giấy tờ tùy thân. Chúng tôi ghi nhận một số ý kiến từ dư luận về vấn đề này.

Gần đây, nhiều ý kiến trong dư luận cho rằng, việc ghi "nguyên quán", "quê quán" hay "nơi sinh" trên nhiều loại giấy tờ tùy thân khiến phát sinh không ít rắc rối. Chẳng hạn, có trường hợp anh em ruột nhưng quê quán ghi trên giấy tờ lại khác nhau. Từ những bất cập thực tiễn, đã có nhiều ý kiến đề xuất không cần ghi "nguyên quán", "quê quán" mà chỉ ghi "nơi sinh" trên các giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, giấy khai sinh…

Ông Trần Quốc Việt, ở phường Chùa Hang, thành phố Thái Nguyên cho biết: Tôi thấy việc ghi “nơi sinh” thay cho “quê quán” và “nguyên quán” trên giấy tờ tùy thân là việc làm cần thiết, bởi nó góp phần đơn giản hóa cũng như tăng sự nhất quán thông tin cá nhân trong các loại giấy tờ nói chung và giấy tờ tùy thân nói riêng.

Ông Trần Quốc Việt, ở phường Chùa Hang, thành phố Thái Nguyên. (Ảnh: Kim Chiến) 

Cạnh đó, việc thống nhất bằng nội dung “nơi sinh” còn giúp cho các hoạt động giao dịch của người dân có liên quan giấy tờ trở nên đơn giản, hạn chế các rắc rối không đáng có kiểu như nhầm lẫn "nơi sinh" với "quê quán", "nguyên quán". Thẳng thắn mà nói, tôi tin rằng có không ít người trong chúng ta không hiểu rõ hoặc không hiểu hết được khái niệm và ý nghĩa của những cụm từ “nguyên quán” “quê quán”… và đó như là nguồn gốc của các rắc rối mà họ có thể gặp phải trong tương lai. Do đó chúng ta cần phải đơn giản hóa các thông tin rườm rà, dễ gây nhầm lẫn nhằm tạo mọi thuận lợi cho các hoạt động, giao dịch liên quan đến các giấy tờ tùy thân của người dân.

Chị Bùi Thị Như Ngọc, ở tổ 11, thị trấn Yên Bình, tỉnh Yên Bái chia sẻ: Trước đây để khai thông tin về lý lịch vào Đảng, bản thân tôi cũng đã nhầm lẫn giữa mục "quê quán" và "nơi sinh", sau đó phải về quê bố đẻ ở Hà Nam thêm mấy lần để xin xác nhận lại các thông tin trong lý lịch, nỗi vất vả này không biết kêu ai, bởi theo thông lệ thì ai cũng phải khai đầy đủ theo yêu cầu như vậy. Riêng về cụm từ “nguyên quán” không chỉ riêng tôi mà nhiều bạn bè cũng không “cắt nghĩa” được hết, mà tùy theo sự hiểu biết, trình độ, mỗi người hiểu một kiểu…(!)

"Còn nhớ các lần khác, mỗi khi khai thông tin vào các sơ yếu lý lịch tôi cũng thường thấy có thêm mục "quê quán" hay "nguyên quán" rất dễ nhầm lẫn với thông tin "nơi sinh". Chúng ta đang thực hiện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, việc đơn giản hóa thông tin mà vẫn đảm bảo tính hiệu quả, chính xác là việc rất nên làm. Tuy nhiên việc thống nhất ghi thông tin thế nào cho đơn giản, khoa học cũng cần được các bộ, ngành chuyên trách cân nhắc, tránh các rắc rối phát sinh khác có thể gặp phải. Quan điểm cá nhân tôi đồng tình với việc chỉ cần ghi thông tin cơ bản là “nơi sinh” vào giấy tờ tùy thân là đủ. Còn các thông tin chi tiết hơn chúng ta có thể mã hóa rồi đồng bộ trên cơ sở dữ liệu quốc gia, sau đó tích hợp vào các tài khoản thông tin mềm của công dân. Khi cần, bản thân mỗi người dân đều có thể dễ dàng tự truy cứu các thông tin cá nhân liên quan đến mình" - chị Ngọc nói.

Cùng bàn về vấn đề này, luật sư Lê Ngọc Hoàng, Văn phòng Luật sư Long Tâm (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Liên quan đến "nơi sinh", bản thân Luật Hộ tịch trong giấy khai sinh biểu mẫu cũng thể hiện rõ "nơi sinh". "Nơi sinh" liên quan đến nơi cá nhân chào đời. Hiểu rõ hơn thì nơi sinh là địa danh hành chính nơi cá nhân được sinh ra, vì vậy nơi sinh và quê quán là những mục khác nhau được thể hiện trên tờ khai khi đăng ký khai sinh và giấy khai sinh.

 Luật sư Lê Ngọc Hoàng, Văn phòng Luật sư Long Tâm (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội). (Ảnh: Kim Chiến)

Quê của con có thể xác định theo quê của cha hay thỏa thuận của cha mẹ hoặc tập quán và có thể trùng với nơi sinh của cha trên thực tế, song vẫn cần phân biệt hai khái niệm này. “Nơi sinh" cũng là một trong những thông tin cơ bản sẽ kết nối sang cơ sở dữ liệu dân cư của chúng ta hiện nay.

Hiện nay, quê quán được xác định theo khoản 8 Điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014. Cụ thể:

“8. Quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh”.

Còn nguyên quán là cách gọi của nhiều người thay cho quê quán trên thực tế, nguyên quán không được giải thích trong các văn bản pháp luật, song một số giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trước đây có cụm từ “nguyên quán”, ví dụ như CMND theo mẫu 9 số.

"Có một thực tế các khái niệm "quê quán", "nguyên quán", "nơi sinh" rất dễ gây nhầm lẫn cho nhiều người khi khai thông tin thực hiện các thủ tục, giao dịch, để đảm bảo tính cần thiết về nhận diện một công dân, việc ghi thông tin "nơi sinh", bỏ thông tin "quê quán" theo quan điểm của tôi là việc làm cần thiết” - Luật sư Lê Ngọc Hoàng nói./.

Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực