Theo BHXH Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm tự nguyện đạt và tăng so với cùng kỳ năm 2023 với: khoảng 18,3 triệu người tham gia BHXH, đạt tỷ lệ bao phủ là 39,05% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 1,16 triệu người (tương đương 6,77%) so với cùng kỳ năm 2023; trong đó BHXH tự nguyện là 1,62 triệu người, tăng 202 nghìn người (tương đương 14,25%) so với cùng kỳ năm 2023.
Đặc biệt, ngành đã linh hoạt triển khai nhiều giải pháp phát triển người tham gia BHYT, tăng 1,22 triệu người (tương đương 1,37%) so với cùng kỳ năm 2023.
Về công tác giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT đảm bảo đầy đủ, kịp thời, qua đó đã góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động và nhân dân. Ước trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành BHXH Việt Nam ước giải quyết và chi trả cho gần 8 triệu người hưởng các chế độ BHXH. Phối hợp với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết 442,38 nghìn người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp được lập danh sách chi trả trong tháng.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: TL |
Bên cạnh đó, ngành thực hiện tốt công tác tác giải quyết, chi trả chế độ, đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh BHYT cho người có thẻ BHYT. Ước đến tháng 6/2024, cả nước có khoảng 89,552 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT nội trú và ngoại trú (tăng hơn 6,5 triệu lượt người (tương đương 7,91%) so với cùng kỳ năm 2023); với số tiền giám định, thanh toán hơn 66,92 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHYT, BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan giải quyết khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, thực hiện chính sách BHYT, tạo thuận lợi cho các cơ sở khám chữa bệnh và đảm bảo tốt quyền lợi của người tham gia BHYT theo Luật định.
Công tác quản lý sử dụng quỹ BHXH, BHYT: Việc quản lý và sử dụng các quỹ được thực hiện đảm bảo an toàn, bền vững, hiệu quả, trên tinh thần tối ưu hóa sử dụng quỹ nhưng phải đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT theo quy định.
Theo BHXH Việt Nam, đến hết năm 2023, cả nước đã có trên 93,6 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,35% dân số, vượt 0,15% so với Nghị quyết 01 của Chính phủ, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008, thời điểm chưa có Chỉ thị số 38. Đặc biệt, kết quả phát triển người tham gia BHYT hộ gia đình tăng trưởng rất ấn tượng: từ 3,76 triệu người tham gia (năm 2009) tăng lên thành 24,89 triệu người (năm 2023), gấp 6,6 lần so với năm 2009.
Số lượt người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh BHYT tăng nhanh qua từng năm. Cụ thể nếu như năm 2009 có hơn 88 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT với tổng chi khám chữa bệnh BHYT là hơn 15 nghìn tỷ đồng; Năm 2015 đã tăng lên hơn 130 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT. Đến năm 2020 tiếp tục tăng lên 167 triệu lượt người và đến năm 2023 là 174 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT (tăng 4% so với năm 2020).
Giai đoạn từ năm 2009 - 2023, bình quân lượt khám chữa bệnh BHYT mỗi năm là trên 141 triệu lượt/năm (tăng gần 60%% so với năm 2009), với tổng chi phí khám chữa bệnh bình quân 66,2 nghìn tỷ đồng/năm (tăng 330% so với năm 2009)./.