Bạo lực gia đình vùng dân tộc thiểu số vẫn còn phổ biến

Thứ ba, 05/12/2023 17:45
(ĐCSVN) – Tình trạng bạo lực gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn còn chịu nhiều bất bình đẳng, không chỉ ngoài xã hội mà còn ở ngay trong gia đình của chính mình.

Bà con các dân tộc thiểu số ở các bản làng vùng sâu vùng xa có trình độ dân trí thấp, nhận thức không đồng đều, từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy. Chị Lò Thị Hiền, dân tộc Thái ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu thường xuyên chịu cảnh bị chồng bảo hành. Mỗi khi say rượu là anh ta thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ, vì thế chị thường xuyên có những thương tích trên người do bị chồng đánh. Tuy nhiên, chị Hiền vẫn phải cam chịu, không dám chia sẻ với người thân, nếu có ai chị thường lảng đi chuyện khác hoặc trả lời là bị ngã hoặc một lý do nào khác. Chị Hiền chia sẻ “Trước đây thì khi gặp bạo lực gia đình, mình cảm thấy rất là khổ, có nhưng hôm đêm hôm khuya khoắt cũng phải chạy trốn chui lủ, nếu không sẽ bị chồng đánh đau”.

Cùng cảnh ngộ với chị Lò Thị Hiền có chị Hoàng Thị Sen, dân tộc Giáy ở Bát Xát tỉnh Lào Cai. Cũng là một người phụ nữ phải cam chịu nhẫn nhịn dù có bị bạo hành. Chồng chị Sen thường lười biếng, không chịu làm ăn, mặc dù khuyên nhủ chồng nhưng anh ta vẫn chứng nào tật ấy, chỉ ăn chơi rồi mắng chửi vợ. Chị tâm sự: “Với tôi, cuộc sống vợ chồng bây giờ cũng chưa hẳn là bạo lực về thể xác, mà đa phần là bạo lực về tinh thần. Nhiều khi tôi rất muốn từ bỏ cuộc sống này nhưng khi nghĩ lại vì con vì cái tôi lại đành lòng sống tiếp”.

Một tiểu phẩm tuyên truyền về bạo lực gia đình do phụ nữ huyện Phong Thổ thực hiện

Ở huyện Trạm Tấu tỉnh Yên Bái, người dân sinh sống chủ yếu ở các bản làng thuộc các xã đặc biệt khó khăn nên trình độ hiểu biết và nhận thức về pháp luật còn thấp. Từ đó, nhiều người cho rằng bố mẹ có quyền mắng và đánh đập con cái, chồng có quyền mắng chửi, đánh vợ. Nhiều phụ nữ cũng không nhận thức được đầy đủ quyền của mình nên không dám đấu tranh mà phải cam chịu bạo hành.

Chị Giàng Thị Sú ở xã Bản Mù kể, “mình thường xuyên phải tránh xa chồng bởi nếu như bị chồng đánh mình không được bức xúc cũng không được cãi lại”.

Một trong những nguyên nhân của bạo lực gia đình ở các dân tộc thiểu số là do khó khăn về kinh tế. Kinh tế khó khăn thường tạo ra các áp lực, căng thẳng, bế tắc đối với các thành viên trong gia đình và sau đó dễ dẫn đến các mâu thuẫn tranh chấp. Nếu không biết cách xử lý phù hợp rất dễ gây ra bạo lực gia đình. Bên cạnh đó là một số nguyên nhân khác như các tệ nạn xã hội, rượu chè, cờ bạc, nghiện hút.

Từ thực tế này, chị Vàng Thị Máy, Chủ tịch Hội Phụ nữ Bản Mù cho biết, bạo lực gia đình còn khá phổ biến ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù số vụ bạo lực gia đình đã giảm nhưng không đáng kể. Đặc biệt, dường như người dân chưa nhận thức được hành vi bạo lực tinh thần nên trong số các vụ bạo lực gia đình, có rất là nhiều là bạo lực tinh thần. Từ đó, Hội phụ nữ xã đã phải có những cách tiếp cận phù hợp để nâng cao nhận thức về vấn đề bạo lực gia đình cho các hội viên phụ nữ.

Bạo lực thể xác, bạo lực tình dục, bạo lực tinh thần là muôn hình muôn vẻ của hành vi bạo lực gia đình mà phụ nữ vùng cao gặp phải, nhưng chị em không muốn chia sẻ bởi ngại phải nói ra, hoặc do muốn hàn gắn, hoặc do thói quen ít chia sẻ ra bên ngoài, hoặc do phong tục tập quán chị em nghĩ rằng mình là phụ nữ thì phải cam chịu... Rõ ràng, vẫn còn tồn tại những suy nghĩ, định kiến giới trong đồng bào dân tộc thiểu số khiến tình trạng bất bình đẳng giới vẫn còn khá phổ biến nơi đây.

Hội thi Phòng chống bạo lực gia đình, mua bán phụ nữ và trẻ em huyện Trạm Tấu với mong muốn giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Bạo lực gia đình từ lâu đã không còn là riêng của mỗi gia đình mà là vấn đề của toàn xã hội, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định xã hội. Do đó, việc phòng chống bạo lực gia đình là trách nhiệm chung của cộng đồng, rất cần sự quan tâm phối hợp của tất cả các cơ quan liên quan và các thành viên trong xã hội.

Việc bảo vệ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ dân tộc thiểu số là rất quan trọng. Để thực hiện vấn đề này, các địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của bà con về cách phòng, chống bạo lực gia đình cũng như cách xử lý các mâu thuẫn trong gia đình; các tình huống có nguy cơ dẫn đến bạo lực gia đình và dấu hiệu, cách nhận biết, ngăn ngừa bạo lực gia đình.

Trong những ngày qua, các hoạt động trong Tháng hành động vì bình đẳng giới, các hoạt động tuyên truyền bình đẳng giới, tập huấn, chia sẻ kiến thức, giao lưu, tuyên truyền lưu động... được triển khai rộng khắp là giải pháp hữu hiệu giải quyết bài toán bất bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, các mô hình như “Địa chỉ tin cậy” của Hội Phụ nữ, “Trách nhiệm của người cha” của Hội Nông dân, các mô hình tư vấn, hỗ trợ bình đẳng giới, hỗ trợ pháp lý... đang góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, trách nhiệm của mỗi người trong xây dựng gia đình hạnh phúc, trang bị những kiến thức phòng chống bạo lực xâm hại phụ nữ trẻ em, giúp đỡ phụ nữ bị bạo lực giới, qua đó góp phần thay đổi nếp nghĩ cách làm, xóa bỏ các định kiến vào khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, xóa bỏ những phong tục tập quán không còn phù hợp./.

TH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực