“Bình đẳng giới sẽ thực chất hơn khi có sự đồng hành của nam giới”

Thứ ba, 28/11/2023 14:55
(ĐCSVN) - Theo đồng chí Nguyễn Văn Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Sa Đéc, sự đồng hành của nam giới trong các phong trào, hoạt động của Hội phụ nữ không chỉ tiếp sức xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, hoạt động hiệu quả, chuyên nghiệp mà còn giúp gắn kết hai giới, thúc đẩy công tác bình đẳng giới ngày càng thực chất.

Chủ tịch Hội LHPN thành phố Sa Đéc Ngô Thúy Hiền trao Giấy chứng nhận Hội viên danh dự cấp thành phố cho các đồng chí: Phạm Văn Chuẩn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Sa Đéc (ngoài cùng bên trái) và Nguyễn Văn Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Sa Đéc (ngoài cùng bên phải).

Việc kết nạp hội viên danh dự là điểm mới đặc biệt trong Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XIII nhằm vận động thu hút nam giới, những người có tiếng nói, tầm ảnh hưởng, có nhiều đóng góp trong xã hội đồng hành cùng các cấp Hội. Liên quan đến nội dung này, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) - một trong những hội viên danh dự có nhiều đóng góp tích cực cho hoạt động Hội Phụ nữ TP Sa Đéc, góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, hướng tới mục tiêu bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

PV: Có ý kiến cho rằng, việc nam giới trở thành hội viên danh dự Hội Phụ nữ là một điều rất ý nghĩa và cần thiết, nhất là đối với một số hoạt động đặc thù của Hội, qua đó góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn trong công tác Hội với cấp ủy, chính quyền. Xin đồng chí cho biết quan điểm về nội dung này?

Đồng chí Nguyễn Văn Thuận: Nam giới được kết nạp vào hội viên danh dự của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XIII là điểm mới đặc biệt ở nhiệm kỳ 2022-2027. Tất nhiên, đó phải là những người có uy tín, tầm ảnh hưởng và có đóng góp tích cực cho phong trào phụ nữ cũng như hoạt động Hội.

Tại TP Sa Đéc nhiều năm qua, nam giới đã đồng hành trong nhiều hoạt động của Hội phụ nữ và có vai trò rất lớn trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động tại cơ sở, đặc biệt với các hoạt động đặc thù như vận động, tuyên truyền thực hiện bình đẳng giới; các hoạt động thiện nguyện; một số hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; phong trào xây dựng nông thôn mới... TP Sa Đéc cùng với TP Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh cũng là 3/12 huyện, thành phố của tỉnh Đồng Tháp đã phát triển được 07 hội viên danh dự là nam giới, đồng thời cũng là những cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, Ban vì sự tiến bộ Phụ nữ và những người có uy tín tại cộng đồng dân cư trên địa bàn.

Có thể khẳng định, nam giới khi trở thành hội viên danh dự Hội phụ nữ sẽ có điều kiện và lý do để tìm hiểu sâu hơn, kỹ hơn về các nhiệm vụ của Hội, từ đó có tiếng nói giúp tháo gỡ nhiều khó khăn trong công tác Hội với cấp ủy, chính quyền, đồng thời tiếp sức để phong trào phụ nữ và hoạt động Hội tại địa phương ngày càng hoạt động có chiều sâu, hiệu quả. Qua các hoạt động và sự tham gia của nam giới trong tổ chức Hội, phụ nữ cũng sẽ được động viên, chia sẻ nhiều hơn trong công tác xã hội cũng như trong công việc gia đình như nội trợ, chăm sóc và nuôi dạy con cái, có thời gian chăm sóc bản thân, có nhiều cơ hội để phát huy năng lực, cống hiến cho sự nghiệp, thể hiện vai trò, tiếng nói trong nhiều lĩnh vực… góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của mỗi gia đình.

 Đồng chí Nguyễn Văn Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Sa Đéc (ngoài cùng bên phải) là một trong những hội viên danh dự có nhiều đóng góp tích cực cho hoạt động Hội Phụ nữ TP Sa Đéc.

PV: Thực tế cho thấy, sự đồng hành của nam giới thời gian qua đã góp phần hiệu quả trong triển khai hoạt động của các cấp Hội phụ nữ, đặc biệt là thúc đẩy công tác bình đẳng giới. Vậy đồng chí đánh giá như thế nào về thực trạng bình đẳng giới ở TP Sa Đéc hiện nay?

Đồng chí Nguyễn Văn Thuận: Hội LHPN Việt Nam là tổ chức chính trị, xã hội có đặc thù về giới. Do đó, Hội cũng cần các thành viên có thể là nam giới để đồng hành, góp sức trong các phong trào, hoạt động của Hội, đặc biệt là trong công tác bình đẳng giới. Việc nam giới trở thành hội viên danh dự sẽ gắn trách nhiệm của họ với thực hiện bình đẳng giới - vì sự tiến bộ phụ nữ trên địa bàn thành phố. Sự tham gia của nam giới sẽ giúp các hoạt động Hội thêm lan tỏa, không chỉ gắn kết hai giới trong nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong xã hội hiện đại mà còn giúp nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ. Nói cách khác, những hoạt động của Hội khi có sự tham gia của nam giới sẽ giúp thực hiện công tác bình đẳng giới hiệu quả và thực chất hơn. Điển hình như, những hoạt động tuyên truyền, vận động về bình đẳng giới, về phòng, chống bạo lực gia đình rất cần sự tham gia của nam giới. Từ đó, giúp xóa bỏ một số tư tưởng, thành kiến lạc hậu như trọng nam khinh nữ; vấn đề xâm hại, quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái…

Thành phố Sa Đéc hiện có dân số khoảng trên 106 nghìn người, trong đó nam là gần 52 nghìn người (chiếm tỷ lệ 48,84%), nữ có trên 54 nghìn người (chiếm 51,16%). Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế, xã hội, công tác Bình đẳng giới ngày càng được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài của Thành phố. Phụ nữ thành phố Sa Đéc ngày nay đã dần khẳng định được vai trò và vị thế của mình trên nhiều lĩnh vực như: Tham gia vào bộ máy quản lý nhà nước, làm chủ doanh nghiệp, giữ vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế của gia đình và xã hội, giữ vai trò nòng cốt trong việc xây dựng gia đình no ấm hạnh phúc… Đặc biệt có những lĩnh vực mà trước đây chỉ dành cho nam giới, thì ngày nay phụ nữ cũng làm được và làm tốt.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc như định kiến giới vẫn còn tồn tại trong gia đình và xã hội, vẫn còn xảy ra các tình trạng như bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục trẻ em gái, không chú trọng đào tạo, tuyển dụng lao động nữ ở các doanh nghiệp,... Ngoài ra, trình độ, nhận thức của phụ nữ trên địa bàn còn chưa đồng đều, một số phụ nữ, nhất là phụ nữ ở vùng nông thôn  còn hạn chế về kiến thức, kinh nghiệm, còn tự ti, chưa mạnh dạn thể hiện chính kiến, năng lực của mình. Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ cấp Thành phố và cấp xã hoạt động còn hạn chế, chưa rõ nét, chưa có mạng lưới cộng tác viên ở cấp xã thực hiện nhiệm vụ bình đẳng giới.

Thời gian qua, nam giới đã đồng hành trong nhiều hoạt động của các cấp Hội phụ nữ tỉnh Đồng Tháp và có vai trò rất lớn trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội tại cơ sở.

PV: Xin đồng chí cho biết, việc thi hành Luật Bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn thành phố đã được thực hiện như thế nào, nội dung nào đạt kết quả khả quan nhất?

Đồng chí Nguyễn Văn Thuận: Thành phố Sa Đéc đã ban hành các Kế hoạch số 40/KH-UBND ngày 18/02/2022 của UBND Thành phố về thực hiện Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030; Kế hoạch số 248/KH-UBND ngày 10/11/2022 của UBND Thành phố về thực hiện “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” năm 2022 với mục tiêu triển khai hiệu quả công tác truyền thông về bình đẳng giới; tạo chuyển biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện bình đẳng giới; thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thành phố thường xuyên quan tâm những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ. Nhiều hình thức tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người dân được thực hiện đồng bộ, từ đó giúp cho người dân tiếp cận và thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các chính sách liên quan đến phụ nữ.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác phổ biến pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho phụ nữ và trẻ em. Trong xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và địa phương đều có quan tâm, chú trọng đến vấn đề bình đẳng giới.

Thành phố cũng đã kiện toàn Ban vì sự tiến bộ phụ nữ Thành phố và ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động của Ban và phân công nhiệm vụ của thành viên Ban vì sự tiến bộ phụ nữ thành phố Sa Đéc, từ đó nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới; tiếp tục tập trung vào các hoạt động thông tin, truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới. Công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực thực hiện đối với đội ngũ làm công tác bình đẳng giới luôn được chú trọng, từng bước đi vào hoạt động hiệu quả, kỹ năng hoạt động bình đẳng giới được nâng lên rõ rệt.

Có thể điểm qua một số kết quả khả quan đạt được trong thi hành Luật Bình đẳng giới như: Nhận thức về bình đẳng giới của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các cấp có sự chuyển biến rõ rệt, đặc biệt vai trò của nữ giới trong gia đình và ngoài xã hội ngày càng được đánh giá cao. Mỗi năm TP giải quyết việc làm cho hơn 3.500 lao động trong đó có khoảng 1.600 là lao động nữ, vượt 100% kế hoạch hằng năm. Việc cải thiện và nâng cao sức khỏe cho phụ nữ, trẻ em gái không ngừng được thực hiện và có nhiều chuyển biến tích cực; 100% chị em phụ nữ khi mang thai đều được truyền thông, vận động chăm sóc sức khỏe sinh sản ban đầu; 100% chị em phụ nữ được tiếp cận với các dịch vụ y tế ở các tuyến. Số lượng cán bộ nữ tham gia lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền ngày càng tăng, thể hiện sự bình đẳng giới, vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định, phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội nhiều hơn, chăm lo lợi ích chính đáng, hợp pháp của phụ nữ.

Trong thời gian tới, để triển khai việc kết nạp hội viên danh dự nói chung, hội viên danh dự là nam giới nói riêng, các cấp Hội trong tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn để trở thành hội viên danh dự đến đông đảo hội viên và nhân dân.  

PV: Với vai trò lãnh đạo cấp ủy địa phương, cũng là Hội viên danh dự của Hội Phụ nữ TP Sa Đéc, xin đồng chí cho biết địa phương sẽ triển khai những hoạt động gì để thúc đẩy công tác bình đẳng giới trên địa bàn?

Đồng chí Nguyễn Văn Thuận: Để tiếp tục thúc đẩy công tác bình đẳng giới trên địa bàn, thành phố đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp, trong đó chú trọng nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, địa phương trong thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; bố trí, phân công công tác đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đúng quy định về bình đẳng giới.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục về các chính sách an sinh xã hội, bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, chú trọng công tác phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em. Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho phụ nữ và trẻ em, các thành viên gia đình, người làm công tác bình đẳng giới và trẻ em.

Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới, tổ chức các hoạt động ý nghĩa, thiết thực, tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên, phụ nữ có điều kiện tiếp cận các kiến thức mới, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động của đời sống xã hội. Thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm là một trong những mục tiêu góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống của các gia đình, nhất là đối với lao động nữ.

Tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình các Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, bảo vệ môi trường phát triển bền vững, hoàn thiện tiêu chuẩn xét và công nhận gia đình văn hóa, trong đó có đề cập đến tiêu chí về bình đẳng giới trong gia đình.

PV:  Trân trọng cảm ơn đồng chí!

 

Phương Nghi (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực