Bước tiến trong bình đẳng giới
Số liệu do Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hậu giang cung cấp, tỷ lệ nữ trí thức Hậu Giang đảm vị trí, trọng trách trong các cơ quan Ðảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể và đáng khích lệ, đạt trên 25%. Nhiệm kỳ 2020-2025, có 14,5% cán bộ nữ trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, có 23,54% cán bộ nữ trong Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, có 23,79% cán bộ nữ trong Ban Chấp hành Đảng bộ cơ sở.
Cụ thể, tổng số cán bộ là nữ lãnh đạo, quản lý các cấp, giữ chức vụ từ phó trưởng phòng trở lên là 364 người, trong đó có 03 nữ tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy; 01 nữ giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh và 01 nữ giữ chức vụ Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Hậu Giang; 153 nữ cán bộ lãnh đạo quản lý cấp tỉnh; 211 nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện và tương đương.
|
Hậu Giang tổ chức Tọa đàm nhằm xây dựng phát triển đội ngũ cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong giai đoạn mới. |
Theo nhận định, bộ phận nữ trí thức tham gia công tác lãnh đạo, quản lý, dù chiếm tỷ lệ chưa cao, nhưng đã phát huy tốt vai trò và khả năng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nữ trí thức Hậu Giang đã và đang đóng góp tích cực vào việc hoạch định và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Tỉnh.
Mặc dù vậy, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo trong cấp ủy, chính quyền ở một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa đồng đều. Cơ chế, chính sách tạo nguồn, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ còn thiếu tính đột phá, hạn chế cơ hội thăng tiến và đóng góp của phụ nữ. Bên cạnh đó, biên chế và chức danh lãnh đạo của từng ngành, từng cấp còn hạn chế, do đó việc tuyển chọn, luân chuyển, bố trí cán bộ nữ, gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, mặc dù tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương đạt 35% (tăng 1,5% so với năm 2021). Tỷ lệ nữ làm giám đốc, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt 29% (tăng 0,71% so với năm 2021), nhưng con số này vẫn chưa phải là mục tiêu mà tỉnh hướng tới.
Có được kết quả trên, theo đồng chí Nguyễn Minh Thương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, những năm qua, tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện trong công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh chủ trì phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ kế hoạch đề ra, nhất là quan tâm những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em gái. Tỉnh cũng đã lồng ghép các chỉ tiêu về bình đẳng giới vào các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các sở, ban, ngành, địa phương. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ được quan tâm, góp phần nâng cao hiệu quả trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò của người phụ nữ trong gia đình, ngoài xã hội; thúc đẩy các giải pháp tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia học tập, lao động.
Tuy nhiên, những con số trên chưa đạt các mục tiêu theo tiến trình đề ra: đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ; tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương đạt 50% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030; tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030; giảm số giờ làm việc nhà của phụ nữ... đòi hỏi có sự quyết liệt thực hiện của mọi cấp, mọi ngành và sự nỗ lực của mỗi cá nhân, giúp phụ nữ bình đẳng hơn trong tiếp cận công việc và phát triển bản thân.
Tăng tỷ lệ nữ giới là lãnh đạo chủ chốt
Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị được xem là một trong những nội dung quan trọng, then chốt, tạo cơ hội cho phụ nữ được nói tiếng nói đại diện cho giới mình, được phát huy trình độ năng lực, kinh nghiệm, thể hiện quan điểm trong quyết định các chính sách về các lĩnh vực khác nhau của quốc gia. Thông qua đó, góp phần tạo nên nền tảng vững chắc cho việc thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
|
Trang bị tủ sách pháp luật cho phụ nữ huyện Long Mỹ. |
Việc tăng tỷ lệ phụ nữ trí thức tham gia hiệu quả vào các hoạt động chính trị cả nước nói chung, tỉnh Hậu Giang nói riêng không dễ, bởi nó còn liên quan quan niệm “nam trưởng, nữ phó” vẫn còn tồn tại trong nhiều tổ chức, là rào cản đối với phụ nữ trong bồi dưỡng, quy hoạch và bổ nhiệm, đặc biệt là trong bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu. Ngoài ra, thách thức lớn nhất đối với cán bộ nữ là gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa trách nhiệm gia đình và mục tiêu phát triển sự nghiệp...
Phấn đấu thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, đồng chí Trần Văn Huyến - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, nhất là cán bộ lãnh đạo, thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị; quan tâm thực hiện các giải pháp nâng cao nhận thức của phụ nữ về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ. Phấn đấu thực hiện công tác quy hoạch đúng theo yêu cầu, quy định, đảm bảo tỷ lệ nữ. Mỗi địa phương, ban, ngành cần có biện pháp cụ thể trong việc tạo nguồn quy hoạch, đào tạo, sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ nữ; có chế độ, chính sách đối với cán bộ nữ phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Ngoài ra, cần quan tâm và có biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới; tạo điều kiện bồi dưỡng, giáo dục, định hướng phấn đấu cho nữ thanh niên trong các tổ chức đoàn, hội, các cơ sở giáo dục - đào tạo để xác định rõ động cơ phấn đấu vào Đảng để trong thời gian tới không bị thiếu nguồn cán bộ lãnh đạo nữ.
Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong tỉnh phải thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, công tác tư tưởng, nâng cao trình độ, năng lực của phụ nữ, nhất là nhóm phụ nữ thanh niên, trí thức; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ nhóm phụ nữ yếu thế để đẩy mạnh phong trào phụ nữ khởi nghiệp, phát động mạnh mẽ phong trào thi đua xây dựng người phụ nữ thời đại mới... giúp phụ nữ khẳng định vai trò, khả năng, sức sáng tạo của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thích ứng và hội nhập trong xu thế phát triển chung.
Bản thân cán bộ nữ phải tự khẳng định mình, nỗ lực hơn để hoàn thiện bản thân, trở thành người phụ nữ có tri thức, có văn hóa, có kỹ năng sống tự lập, biết đối mặt với áp lực và vươn lên mọi khó khăn thử thách; năng động, sáng tạo nhằm xóa bỏ những định kiến về giới không chỉ xã hội, của gia đình, của nam giới đối với nữ giới mà còn chính bản thân phụ nữ; góp phần thúc đẩy mục tiêu bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Tỉnh Hậu Giang có 7.585 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với 30.529 người, chiếm tỷ lệ 3,9%. Đồng bào các DTTS trong tỉnh sống xen kẻ nhau là chủ yếu, phần lớn bà con sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, một bộ phận nhỏ sống ở thành thị.
Trong công tác cán bộ, tỉnh Hậu Giang phấn đấu đảm bảo tỷ lệ, cơ cấu hợp lý cán bộ người dân tộc thiểu số; ở các vị trí chủ chốt, nhất thiết phải có cán bộ là người dân tộc thiểu số; ở các xã vùng dân tộc thiểu số, 100% cán bộ, công chức cấp xã được đào tạo, trong đó 70% có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên.
|
T. Huyền