Ngày 5/12, theo thông tin từ Hội LHPN tỉnh Quảng Trị, nhằm kịp thời nắm bắt những khó khăn, kiến nghị phản ánh của phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo Hội LHPN cấp xã tổ chức đối thoại chính sách cho khoảng 1000 lượt đại biểu ở xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, trong thời gian từ 25/11 đến ngày 5/12, Hội LHPN tỉnh đã hướng dẫn, chỉ đạo Hội LHPN cấp xã tổ chức 10 buổi đối thoại chính sách tại 10 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu trên địa bàn tỉnh. Bình quân mỗi buổi đối thoại thu hút khoảng 90-100 đại biểu tham gia.
|
Một buổi đối thoại với người dân về chính sách hỗ trợ khởi sự, khởi nghiệ do Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Trị tổ chức - Ảnh minh hoa: Huyền Trang |
Tại các buổi đối thoại có sự tham gia của lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền, Hội LHPN, các ban, ngành đoàn thể cấp xã; công an xã, bí thư chi bộ thôn, bản, cán bộ, hội viên, phụ nữ thôn, bản, người dân trong cộng đồng...
Tại buổi đối thoại, các đại biểu đã được nghe, trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến, công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, ma túy, tệ nạn xã hội; các chế độ chính sách hỗ trợ giảm nghèo cho phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số (về nhà ở, vay vốn, đào tạo nghề, việc làm, chăm sóc sức khỏe, chế độ bảo trợ cho trẻ em...); tình trạng kết hôn hai bên biên giới và giải quyết việc làm cho hội viên phụ nữ trên địa bàn xã. Đặc biệt, trao đổi, hướng dẫn chính sách về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình và một số vấn đề cấp thiết trong gia đình đồng bào dân tộc thiểu số.
Được sự hướng dẫn kỹ càng của Hội LHPN tỉnh từ nội dung đối thoại, chương trình kịch bản, công tác tổ chức, thành phần tham dự, bố trí địa điểm, các điều kiện về hậu cần phục vụ... nên các hội nghị đối thoại chính sách cấp xã, cụm xã dưới sự chủ trì của hội LHPN xã diễn ra thành công tốt đẹp, đảm bảo kế hoạch đề ra.
|
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Trị Trần Thị Thúy Nga phát biểu tại buổi làm việc tại xã Ba Nang, huyện ĐaKrông - Ảnh: Phương Thiện |
Trao đổi về nội dung này, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Thúy Nga cho biết: Đối thoại và tuyên truyền chính sách là một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hoạt động này nhằm giúp cán bộ, hội viên, phụ nữ DTTS có điều kiện được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đảm bảo tiếng nói, sự tham gia thực chất của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Liên quan đến đối thoại, các giải đáp về những vấn đề đặt ra của phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số, hướng dẫn tận tình để phụ nữ, trẻ em thực hiện đúng các quy định, đồng thời, tiếp thu, ghi nhận những kiến nghị, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền và trả lời bằng văn bản thông qua UBND các xã nơi tổ chức đối thoại. Quá trình đối thoại được thực hiện với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, cầu thị, tôn trọng, lắng nghe, ghi nhận các ý kiến của cán bộ, hội viên, phụ nữ, tạo tâm lý thoải mái để người tham dự trình bày đầy đủ các ý kiến.
Hội nghị đối thoại chính sách cấp xã, cụm thôn bản được tổ chức đối thoại trực tiếp, dưới sự chủ trì của hội LHPN cấp xã và cấp ủy, chính quyền địa phương, với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể cấp xã, đại diện cộng đồng dân cư… Thông qua hoạt động đối thoại, giúp cấp ủy, chính quyền, các ngành có liên quan và tổ chức hội kịp thời nắm bắt những khó khăn, kiến nghị phản ánh của phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số về cơ chế, chính sách, chế độ còn bất cập để định hướng chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới./.