Làm kinh tế giỏi sẽ phát huy vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội

Thứ năm, 23/11/2023 16:57
(ĐCSVN) - Nếu phụ nữ dân tộc thiểu số mạnh dạn làm kinh tế, tự họ sẽ có những thay đổi trong nhận thức về bình đẳng giới; khám phá ra khả năng vô hạn của bản thân cũng như vai trò và quyền của mình trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Chị Bùi Thị Ngọc, dân tộc Mường, sinh năm 1982, hiện là Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân - một xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Còn trẻ, năng động và có nhãn quan, chị Ngọc đã nhìn ra lợi thế của Tiến Xuân là có địa hình chạy dọc theo các triền đồi, trục đường Tỉnh lộ 446, Đại lộ Thăng Long kéo dài đi Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Xã có nguồn nhân lực dồi dào, thuận lợi cho việc xây dựng các mô hình kinh tế.

Trên cương vị là Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, chị Ngọc gương mẫu thực hiện các mô hình phát triển kinh tế. Gia đình chị đã đầu tư chăn nuôi với quy mô hằng năm xuất ra thị trường từ 7.000 - 10.000 con gà thương phẩm.

Mô hình chăn nuôi gà thả đồi quy mô gần 1 vạn con/năm của gia đình chị Ngọc 

Gia đình chị còn mạnh dạn nâng cao chất lượng sản phẩm bằng mô hình nuôi gà trống thiến đem lại giá trị kinh tế cao và đang hoàn thiện thủ tục đăng ký thương hiệu sản phẩm OCOP. Dự kiến, dịp Tết Nguyên đán 2024, gia đình chị sẽ cung cấp ra thị trường 1.000 con gà trống thiến và 3.000 con gà thương phẩm sạch.

Bên cạnh chăn nuôi gà thả đồi, gia đình chị Ngọc còn thực hiện mô hình chăn nuôi lợn rừng và nuôi dê theo hướng thực phẩm sạch; trồng 4ha rừng và trồng 1,5ha ngô phục vụ chăn nuôi gà; tận dụng cây ngô, cỏ sữa phụ phẩm nông nghiệp ủ men làm thức ăn cho vật nuôi.

Giờ đây, chị Ngọc đã được tín nhiệm bầu chọn làm Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi gà thả đồi của phụ nữ xã Tiến Xuân với 15 thành viên tham gia. Tổ hợp tác là nơi để các chị chia sẻ ước mơ, kinh nghiệm và cùng nhau tìm ra các giải pháp nhằm hiện thực hoá quyết tâm phát triển kinh tế gia đình dựa trên khả năng của phụ nữ và tiềm năng của địa phương.

Theo các chuyên gia về giới, những mô hình hợp tác xã/tổ hợp tác do phụ nữ quản lý/điều hành như Tổ hợp tác chăn nuôi gà thả đồi của phụ nữ xã Tiến Xuân có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cho phụ nữ về vai trò, vị trí của kinh tế tập thể, cũng như vai trò, vị trí, khả năng của phụ nữ nói chung, phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng trong phát triển kinh tế gia đình.

Nhằm hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, cơ quan công tác dân tộc và Hội Phụ nữ các cấp có vai trò tư vấn, hỗ trợ thành lập và vận hành hoạt động của mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở địa phương theo hướng liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, khôi phục phát huy nghề truyền thống và tài nguyên bản địa, tạo việc làm cho lao động nữ; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác.

Hiện nay, trên địa bàn 14 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Hà Nội, các cơ quan chức năng đã hỗ trợ thành lập 01 HTX  nông sản an toàn gồm 7 thành viên, 01 tổ hợp tác với 30 thành viên, 3 tổ liên kết với 42 thành viên do phụ nữ dân tộc thiểu số quản lý, điều hành.

Riêng Hội Phụ nữ đã tín chấp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng giúp hội viên vay vốn, tính đến 31/7/2023, tại 14 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, dư nợ Ngân hàng Chính sách Xã hội đạt trên 180 tỷ đồng (3.845 người vay); dư nợ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gần 75 tỷ đồng (758 người vay). 19 phụ nữ dân tộc thiểu số được hỗ trợ khởi nghiệp; trong đó có 06 ý tưởng tham gia dự thi cấp Thành phố thì có tới 03 ý tưởng đạt giải.

Một số dự án đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp phụ nữ dân tộc thiểu số nâng cao quyền năng kinh tế như: Dự án Phát triển chăn nuôi bò sữa tại 3 xã Tản Lĩnh, Yên Bài, Vân Hòa, huyện Ba Vì, triển khai từ tháng 7/2019 - 7/2022 với nguồn vốn gốc là 2 tỷ đồng.

Trong chu kỳ thực hiện, Dự án đã giải ngân vốn 25 đợt cho 244 lượt hộ gia đình phát triển chăn nuôi bò sữa, phát 112 con bò sữa, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ vay. Nhờ đó, đã có 3 hộ thoát nghèo, 15 hộ thoát cận nghèo, 164 hộ khó khăn nâng cao được mức sống.

Hay Dự án “Cộng đồng thực hành phương pháp nông nghiệp tương hợp năng lượng” đã hỗ trợ 3 xã Khánh Thượng, Minh Quang, Yên Bài, huyện Ba Vì phát triển rừng và tạo sinh kế dưới tán rừng cho gia đình hội viên phụ nữ. Dự án đã tập huấn 6 cuộc về phương pháp phát triển kinh tế nông nghiệp tương hợp năng lượng và kỹ năng chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho 200 hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số; hỗ trợ 22.000 cây giống nghệ, sả, xạ đen, trám đen cho 9 hộ gia đình hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số làm điểm…

Trở lại với gia đình chị Bùi Thị Ngọc ở xã Tiến Xuân. Từ mô hình phát triển kinh tế tổng hợp chăn nuôi gà thả đồi, nuôi lợn, dê, trồng rừng, trồng ngô, gia đình chị đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 - 6 lao động, thu nhập 6 - 7 triệu đồng/tháng. Hàng năm, trừ chi phí, gia đình chị Ngọc thu về lợi nhuận 400 triệu đồng.

Gia đình hạnh phúc của chị Ngọc 

Như chị chia sẻ, mức thu nhập đáng kể đó không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, mà còn khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình. Đã không còn định kiến rằng công việc làm ăn là của đàn ông, phụ nữ chỉ nên quanh quẩn dọn nhà và nuôi con như trước đây. Hiện nay, các quyết định đầu tư sản xuất kinh doanh trong nhà đều có tiếng nói của chị, rồi cả gia đình cùng nhau bàn bạc quyết định.

Khi đã thống nhất trong gia đình về những thuận lợi và cả những khó khăn, thách thức trong sản xuất kinh doanh, các thành viên trong gia đình sẽ có trách nhiệm đoàn kết, đồng lòng, yêu thương, chia sẻ cùng nhau cả việc làm ăn lẫn công việc nhà. Đó chính là tiền đề vững chắc để xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc - chị Ngọc nói.

Từ câu chuyện làm kinh tế gia đình của người phụ nữ dân tộc Mường - chị Bùi Thị Ngọc cho thấy, nếu phụ nữ dân tộc thiểu số mạnh dạn vượt qua định kiến để làm kinh tế, tự họ sẽ có những thay đổi trong nhận thức về bình đẳng giới; khám phá ra khả năng vô hạn của bản thân cũng như vai trò và quyền của mình được tham gia phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho mình và cho gia đình.

Khi khám phá ra năng lực tiềm tàng của bản thân, chị em trở nên tự tin hơn, tiếng nói trong gia đình và ngoài cộng đồng được coi trọng. Quan trọng nữa là các chị sẽ có ảnh hưởng tích cực đến con cái thông qua việc cho con những bài học, những minh chứng thực tế về vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình và trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Đó cũng là cách để nhận thức về bình đẳng giới lan toả và được thực hành trong thế hệ trẻ - những hạt nhân của các gia đình nhỏ sau này, đồng thời cũng là những chủ nhân tương lai của đất nước.

Bài, ảnh: Minh Trang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực