Bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa, gia đình và thể thao là mục tiêu thứ 5, 6 trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020. Theo đó, để góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động về bình đẳng giới, các cấp Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá đã khuyến khích các tầng lớp phụ nữ và Nhân dân tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Đặc biệt những hoạt động này được lồng ghép những nội dung cơ bản, kiến thức kỹ năng về công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, vì sự tiến bộ của phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
|
Các chủ đề tuyên truyền được lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn ghệ giúp cho chị em phụ nữ và cộng đồng nhận biết các hành vi bạo lực gia đình và biện pháp phòng ngừa. |
Các chủ đề tuyên truyền được lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn ghệ giúp cho chị em phụ nữ và cộng đồng nhận biết các hành vi bạo lực gia đình; các giải pháp phòng chống bạo lực gia đình, cách thức xử lý tình huống, giải đáp những vướng mắc, khó khăn xoay quanh nội dung bình đẳng giới và quyền năng của phụ nữ. Từ những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, chị em hội viên phụ nữ có thêm kiến thức, cũng như các kỹ năng tuyên truyền về công tác bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình, cách xử lý các tình huống mẫu thuẫn nảy sinh ngay trong gia đình mình.
Nhìn chung, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được các cấp Hội phụ nữ Thanh Hóa hưởng ứng tích cực và đang từng bước phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thiết thực của người dân, cũng như bảo đảm bình đẳng giới trong việc tiếp cận và thụ hưởng nhu cầu văn hóa, thể thao giữa nam và nữ; góp phần chuyển biến tích cực trong đời sống cộng đồng, thay đổi nếp nghĩ và “tư tưởng trọng nam khinh nữ" vẫn còn tồn tại trong đời sống xã hội, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo đó, các mô hình phong trào “Mỗi phụ nữ chọn cho mình một môn thể thao thích hợp để luyện tập hằng ngày” và “Mỗi cơ sở Hội duy trì một hình thức văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao” ở Thanh Hóa ngày càng nở rộ: Tại huyện Quảng Xương, 188 chi hội phụ nữ trên địa bàn đã thành lập và duy trì hoạt động có hiệu quả các câu lạc bộ (CLB), loại hình văn nghệ - thể thao. Trong năm 2022, phong trào luyện tập nhảy dân vũ thể thao được cán bộ, hội viên phụ nữ trong huyện đón nhận và tập luyện hăng say, tạo sức lan tỏa, thu hút đông đảo phụ nữ và Nhân dân tham gia.
|
Các chị em phụ nữ tham gia biểu diễn văn nghệ. |
Với phương châm người biết dạy người chưa biết, hướng dẫn nhau từng động tác sao cho nhảy thật đều, thật đẹp và để mọi người cùng rèn luyện sức khỏe. Từ khi có CLB dân vũ, nhóm dân vũ, đời sống tinh thần của cán bộ, hội viên phụ nữ trong các chi hội được cải thiện rõ rệt. Năm 2022 và 2023, Hội LHPN huyện đã tổ chức Hội thi trực tuyến hát ru, hát dân ca và nhảy dân vũ, thu hút đông đảo nữ công nhân viên chức, phụ nữ trung niên, phụ nữ cao tuổi, nữ tiểu thương... tham gia. Hội thi đã lan tỏa tinh thần rèn luyện sức khỏe, đồng thời lồng ghép các chủ đề tuyên truyền về bình đẳng giới; quảng bá giới thiệu các di tích, danh thắng, điểm du lịch nổi tiếng của địa phương qua các video, clip dự thi.
Tại nhà văn hóa phố 8 phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa) vào 20 giờ mỗi ngày có khá đông hội viên phụ nữ tập trung để luyện tập văn nghệ. Ai nấy đều vui vẻ, hăng say tập các bài hát, cùng nhau múa... Bà Nguyễn Thị Xuân cho biết: “Chúng tôi luyện tập thành thói quen. Buổi chiều ai rảnh thì tham gia chơi bóng chuyền. Còn buổi tối duy trì cố định tập hát, múa, nhảy dân vũ nên tất cả đội văn nghệ đều phải có mặt. Với 1 tiếng bên nhau luyện tập thường xuyên nên chúng tôi nhớ nhanh từng động tác, bước chân lên xuống nhịp nhàng. Thi thoảng có người tập sai động tác, chị em chỉ dẫn cho nhau đúng nhịp, động tác mềm mại... không khí luyện tập rất vui và đoàn kết”.
Tại xã Nhi Sơn (Mường Lát), được chứng kiến buổi luyện tập của CLB “Phụ nữ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông”, ngắm nhìn những bộ trang phục sặc sỡ sắc màu và những bước nhảy nhịp nhàng, khỏe khoắn theo điệu nhạc mới thấy được tinh thần văn hóa - văn nghệ của phụ nữ vùng cao đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ở vùng miền núi do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng mỗi chi hội đều xây dựng một mô hình hoạt động cụ thể về kinh tế, văn hóa - thể thao... để tập hợp hội viên tham gia sinh hoạt.
Chủ tịch Hội LHPN xã Nhi Sơn, Thao Thị Mè cho biết: Thành viên tham gia CLB có đủ lứa tuổi, đều là những người yêu văn hóa - văn nghệ, thường xuyên luyện tập bài hát truyền thống của người Mông và các bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương... để biểu diễn trong các dịp lễ, tết, sự kiện quan trọng. Qua đó, góp phần gìn giữ, phát triển bản sắc văn hóa, phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
|
Các chủ đề tuyên truyền được lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn ghệ giúp cho chị em phụ nữ và cộng đồng nhận biết các hành vi bạo lực gia đình và biện pháp phòng ngừa. |
Thực hiện nghị quyết Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc nhiệm kỳ 2022-2027 và Đại hội Đại biểu phụ nữ tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2021-2026, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các cấp hội LHPN trong tỉnh cụ thể hóa thành phong trào. Những năm trước, các mô hình, phong trào thể dục - thể thao trong hội viên, phụ nữ chỉ tập trung vào các môn truyền thống như: cầu lông, kéo co, dưỡng sinh, văn nghệ... Cùng với sự phát triển, nhu cầu về đời sống tinh thần của chị em phụ nữ ngày một đa dạng hơn, nhiều loại hình văn hóa - thể thao đã được hội viên, phụ nữ các chi hội duy trì hoạt động làm phong phú thêm đời sống tinh thần.
Trong nhiệm kỳ các cấp hội đã mở rộng, xây dựng các mô hình như: CLB bóng chuyền hơi, CLB rumba, CLB dân vũ thể thao, Yoga, Aerobic... nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho phụ nữ, xây dựng hình ảnh phụ nữ Việt Nam thời đại mới có sức khỏe để thực hiện tốt trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước, thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
|
Một tiết mục dân vũ thể thao của chị em phụ nữ huyện Hậu Lộc. |
Để phong trào văn hóa - thể thao được duy trì và phát triển, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh thường xuyên tổ chức giao lưu, sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích, nhân rộng các mô hình, CLB hoạt động có hiệu quả. Trong đó, năm 2022 và 2023, Hội LHPN tỉnh tổ chức Hội thi trực tuyến “Hát ru, hát dân ca và dân vũ thể thao”; tổ chức đồng diễn dân vũ thể thao tại 3.144 điểm trên địa bàn tỉnh thu hút 180.000 cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia; tham gia Hội thi dân vũ và thể thao toàn quốc đoạt giải ba. Nhiều địa phương, đơn vị có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả để phát triển phong trào, lan tỏa mô hình lồng ghép bình đẳng giới với các hoạt động văn hóa, thể thao.
Không chỉ rèn luyện sức khỏe, thể chất cho chị em phụ nữ mà còn nâng cao nhận thức, hiểu biết về các quyền năng của phụ nữ, Hội LHPN Thanh Hóa đã sáng tạo, lồng ghép các chủ đề tuyên truyền về bình đẳng giới gắn với các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao nhằm hưởng ứng phong trào “Mỗi phụ nữ chọn cho mình một môn thể thao thích hợp để luyện tập hằng ngày” và “Mỗi cơ sở Hội duy trì một hình thức văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động.
Theo đó, việc triển khai sâu rộng các hoạt động văn hóa - thể thao của hội LHPN các cấp đã giúp cán bộ, hội viên hình thành thói quen, nhu cầu được luyện tập, nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần, sống tích cực, năng động hơn. Đối với tổ chức hội, đây cũng là một trong những hình thức hiệu quả thu hút, tập hợp hội viên tham gia sinh hoạt, tuyên truyền các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em./.