Một số kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền bình đẳng giới
Thời gian qua, công tác tuyên truyền bình đẳng giới luôn được các địa phương chú trọng với các hình thức đa dạng, phong phú thông qua các hội nghị, hội thảo, sản xuất các sản phẩm, chương trình truyền thông. Ở tỉnh Thanh Hóa, để triển khai có hiệu quả công tác truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, trong 6 tháng đầu năm 2023 tỉnh đã tổ chức 12 lớp truyền thông gắn tập huấn trang bị kiến thức về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; 03 lớp truyền thông dành cho đối tượng học sinh THPT; thực hiện mô hình “Truyền thông, tư vấn về bình đẳng giới cho thanh niên” tại các huyện Hà Trung, Hậu Lộc, Lang Chánh. Tỉnh cũng biên soạn, phát hành bản tin tư pháp cấp phát cho UBND của 559 xã, phường; phát hành tờ gấp pháp luật có lồng ghép vấn đề về bình đẳng giới để cấp phát miễn phí cho người dân nhằm tuyên truyền chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; biên soạn và cấp phát 2.000 tờ gấp pháp luật về các quy định về trợ giúp pháp lý, trong đó đã lồng ghép giới thiệu các quy định của pháp luật về bình đẳng giới, quyền được bảo vệ của nạn nhân khi bị bạo lực giới…; tổ chức 243 sự kiện truyền thông về bình đẳng giới, định kiến giới, phòng chống bạo lực gia đình, xóa bỏ định kiến giới, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sức khỏe sinh sản, vấn đề về giới và xây dựng môi trường sống an toàn cho hơn 35.000 hội viên phụ nữ, nhân dân và trẻ em…
|
Tuyên truyền bằng hình thức hấp dẫn, dễ hiểu, dễ nhớ về bình đẳng giới |
Ở tỉnh Sơn La, trong 6 tháng đầu năm tỉnh đã tổ chức được 4.350 cuộc tuyên truyền pháp luật với tổng số 247.950 lượt người nghe, trong đó có nội dung liên quan đến công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Các hoạt động truyền thông rộng khắp, trong đó chú trọng đến đối tượng là phụ nữ, trẻ em gái; học sinh các trường dân tộc nội trú, bán trú; hàng nghìn tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền bình đẳng giới được phát nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới (BĐG) cho người dân, cơ quan, tổ chức.
Đặc biệt, trong nửa tháng đầu triển khai Tháng hành động quốc gia vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023, công tác tuyên truyền được triển khai rầm rộ từ trung ương đến địa phương, từ tỉnh, thành phố đến xã, phường; từ đồng bằng đến miền núi, vùng sâu, vùng xa... tạo được điểm nhấn, thu hút đông đảo nhân dân quan tâm hưởng ứng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các địa phương, việc tuyên truyền công tác bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, bất cập; dù có nhiều cố gắng nhưng hiệu quả chưa được như mong đợi. Nguyên nhân là do đối tượng đồng bào DTTS là đối tượng đặc thù, do đời sống có nhiều khó khăn, việc tiếp cận với các dịch vụ nâng cao dân trí hạn chế; hạn chế về trình độ học vấn; phong tục, quan niệm cũng có nhiều điểm lạc hậu. Hơn nữa, quan niệm bình đẳng giới với người dân tộc thiểu số vẫn còn khá mới, do đàn ông được giao quá nhiều quyền lực, trọng trách. Các buổi truyền thông bình đẳng giới có rất ít đàn ông tham gia. Do đó, việc tuyên truyền đối tượng này cũng phải chú trọng vào đặc điểm, phong tục tập quán, nếp nghĩ, nếp sống, thói quen....
Đẩy mạnh truyền thông qua những hình thức hiện đại, hiệu quả
Theo đại diện Vụ bình đẳng giới - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, truyền thông về bình đẳng giới nhằm đạt được sự thay đổi về kiến thức, thái độ và hành vi liên quan đến bình đẳng giới cho các đối tượng là nam và nữ người DTTS. Tùy theo chủ đề và nội dung truyền thông, có thể phân tách riêng người tham gia là nam và nữ để việc tiếp thu thông tin hiệu quả hơn. Tuy nhiên, khuyến khích tất cả các buổi truyền thông nên có sự tham gia của cả nam và nữ người DTTS.
Còn theo các chuyên gia về truyền thông, khi tuyên truyền bình đẳng giới, cần lựa chọn vấn đề giới hoặc định kiến giới/khuôn mẫu giới nổi bật và then chốt nhất tại địa phương để tạo sự thay đổi: Đúng đối tượng - Đúng thông điệp - Đúng kênh truyền thông. Đặc biệt, cần nhắc đi nhắc lại nội dung truyền thông/thông điệp; những thông điệp đưa ra cần hấp dẫn cả về nội dung và hình ảnh tạo thành điểm nhấn, điểm nhớ để bà con dễ dàng ghi nhớ và tiếp thu.
Ngoài ra, cần đa dạng hóa hình thức/kênh truyền thông để người được truyền thông dễ dàng tiếp cận, người truyền thông có thể lựa chọn hình thức truyền thông phù hợp. Có thể kết hợp các hình thức truyền thông đa dạng để truyền tải thông tin đến đối tượng được truyền thông như thông qua tài liệu, ấn phẩm in, loa phát thanh, đài truyền hình, đài truyền thanh; các website, mạng xã hội; Lồng ghép trong các cuộc họp thôn/bản. Tùy theo điều kiện thực tế ở từng địa phương, cán bộ phụ trách truyền thông có thể lựa chọn hình thức phù hợp dự trên nguyên tắc người được truyền thông có thể dễ dàng tiếp cận các thông điệp đưa ra.
Nâng cao hiệu quả truyền thông qua nền tảng số
Hiện nay, thực hiện Chiến lược chuyển đổi số của Chính phủ, các cơ quan nhà nước và các đơn vị làm công tác thông tin, truyền thông đã không ngừng tiến hành chuyển đổi số, mở rộng các kênh thông tin trên nền tảng internet. Với đặc điểm thông tin nhanh chóng, thuận tiện, dễ tiếp cận và hấp dẫn hơn so với cách thức tuyên truyền truyền thống và phù hợp với các tầng lớp nhân dân, kể cả người dân vùng sâu, vùng xa. Khi truyền thông các nội dung về bình đẳng giới và các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đơn vị chủ trì hoạt động truyền thông có thể sử dụng một số kênh truyền thông phù hợp trên nền tảng số như Facebook, zalo, Youtube. Thông qua mạng xã hội, các thông tin về bình đẳng giới và các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS có thể được truyền tải đến cho người dân thông qua một số hình thức như: các tin bài ngắn tuyên truyền về bình đẳng giới; các video, clip tiểu phẩm có chủ đề về bình đẳng giới hoặc mang thông điệp truyền thông về những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em gái; các đường dẫn kết nối thông tin được đăng tải bởi các cơ quan đơn vị khác nhau nhằm tạo nguồn tham khảo thông tin.
Các thông điệp truyền thông bình đẳng giới trên các mạng xã hội cần ngắn, gọn, dễ hiểu, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hình ảnh, video sinh động, bắt mắt.
Nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân trong sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội như: phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội; khuyến khích nhân dân đưa thông tin tích cực, những việc làm tốt về bình đẳng giới trong xã hội; không chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng.
Nâng cao hiệu quả truyền thông tại cộng đồng
|
Trường học là một kênh hữu hiệu để tuyên truyền bình đẳng giới |
Với đặc thù đa phần đồng bào DTTS có hạn chế về trình độ học vấn nên việc sử dụng các hình thức truyền thông trực tiếp vẫn là một giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao nhận thức và cung cấp thông tin cho đồng bào DTTS về BĐG và các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, để có thể phát huy hiệu quả của kênh truyền thông trực tiếp cho người dân trong cộng đồng, các đơn vị, tổ chức khi thực hiện truyền thông có thể lựa chọn một số hình thức phù hợp sau đây:
Lồng ghép trong các buổi họp thôn bản hoặc các cuộc họp thành viên định kỳ của các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở (Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh…). Việc lồng ghép cần chú trọng phương pháp truyền thông theo hướng tăng cường tương tác và thảo luận giữa những người tham gia truyền thông, hạn chế hình thức truyền thông một chiều.
Truyền thông qua hình thức thông tin cổ động: Xây dựng cụm thông tin cổ động gồm khẩu hiệu, tranh cổ động ở những vị trí trung tâm cụm xã, khu dân cư, hoặc các nút giao thông;niêm yết bản tin, dán tranh cổ động, khẩu hiệu có nội dung liên quan về bình đẳng giới được cập nhật và thay đổi thường xuyên, phù hợp với đối tượng tuyên truyền, đảm bảo tính hấp dẫn và thu hút sự quan tâm, chú ý của cộng đồng.
Truyền thông qua hình thức văn nghệ quần chúng: Bám sát đối tượng, nội dung, yêu cầu công tác truyền thông về bình đẳng giới trên địa bàn, xây dựng các tiết mục văn nghệ: ca múa nhạc, tiểu phẩm, kịch ngắn, ngâm thơ, kể chuyện... để biểu diễn lồng ghép với các nội dung khác trong các chương trình văn nghệ quần chúng tại thôn, bản, xã, phường, đơn vị cơ quan, trường học, các câu lạc bộ. Nêu gương người tốt việc; cổ vũ, động viên cộng đồng thúc đẩy bình đẳng giới.
Truyền thông qua hình thức văn hóa đọc; truyền thông trong trường học; truyền thông qua hình thức sinh hoạt Câu lạc bộ, tổ truyền thông cộng đồng về bình đẳng giới...
Tuy nhiên, điều quan trọng nữa là trong tuyên truyền cộng đồng, cần lưu ý đến phong tục, tập quán, thói quen, phong cách sống và quan niệm của mỗi dân tộc để có nội dung tuyên truyền phù hợp, có như vậy hiệu quả truyền thông mới đạt được như mong muốn.