Ở tuổi 53 nhưng cô Lý Thị Lam mới có 22 năm gắn bó với nghề dạy học. "Ngoài 30 tôi mới vào nghề dù ước mơ được trở thành cô giáo nhen nhóm từ khi còn rất nhỏ. Ngày ấy, hình ảnh các thầy, các cô vượt chặng đường dài, băng rừng, lội suối lấm lem bùn đất để vào tận bản dạy chữ, dỗ dành những cô bé, cậu bé người Nùng chúng tôi khó quên lắm! Những cuốn vở, chiếc bút hay những chiếc kẹo, ánh nhìn trìu mến thầy cô trao đã khiến những đứa trẻ miền núi như chúng tôi không bỏ dở việc học mà chăm chỉ đến trường hơn. Chính các thầy, các cô đã thôi thúc đứa trẻ như tôi phải tiếp tục học để tiếp bước thầy cô dạy học tại các bản làng, vùng quê xa xôi", cô Lý Thị Lam nói.
|
Cô giáo Lý Thị Lam |
Vậy nhưng ước mơ của cô Lam cũng không dễ thành hiện thực. "Với một gia đình dân tộc thiểu số có 8 người con, kinh tế quá khó khăn như gia đình tôi thì việc học hành có thời điểm trở nên khá xa vời. Làm sao để giúp các thành viên trong gia đình ấm cái bụng là bài toán tôi phải phụ cùng cha mẹ giải quyết trước. Khi các em lớn hơn, điều kiện gia đình cũng bớt chật vật hơn tôi mới dám thực hiện ước mơ của riêng mình dù khi đó không ít lời can ngăn chẳng hạn như: đàn bà, con gái học hành, bằng cấp làm gì nhiều; nên dành thời gian lo cho gia đình hơn là đi tìm kiếm tấm bằng cao đẳng, đại học...", cô Lam nhớ lại.
Thế rồi vượt qua những định kiến khi đó, ở tuổi ngoài 30, cô Lam đã có được tấm bằng tốt nghiệp ngành Sư phạm Ngữ văn - Lịch sử (Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên) và chính thức trở thành giáo viên của huyện miền núi Na Rì.
"Khi mới đi dạy, cũng như những học trò của mình, tôi cũng đi bộ tới trường. Có những hôm ôm bụng đói lội suối, băng rừng để tới trường, có hôm trời mưa, rét căm căm hay bước đi dưới ánh nắng như thiêu đốt, nghĩ đến những ánh mắt trong veo của học trò, nhớ đến những người thầy, người cô của mình ngày xưa tôi lại có thêm động lực trên hành trình "gieo chữ” trên non cao", cô giáo Lam nhớ lại.
Là giáo viên môn Ngữ văn - Lịch sử, cô giáo Lam không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn khơi gợi trong học trò tình yêu quê hương, tự hào về lịch sử văn hóa dân tộc mình, khuyến khích, động viên học trò tới lớp, tới trường, chinh phục những đỉnh cao tri thức.
"Trong mỗi tiết học, tôi luôn cố gắng lồng ghép các câu chuyện truyền cảm hứng về những tấm gương nỗ lực học tập, vượt khó để các em hiểu rằng, muốn có tương lai tốt đẹp thì chỉ có con đường học tập.
|
Cô giáo Lý Thị Lam được vinh danh trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023 |
Đặc biệt, nhiều năm liền là giáo viên chủ nhiệm, tôi không chỉ cố gắng làm tốt công việc chuyên môn mà còn như người mẹ thứ 2 của các em. Hoàn cảnh của từng học trò tôi đều nắm rõ. Học trò có nguy cơ bỏ học hay có ý định lấy chồng sớm, tảo hôn... tôi đều tìm cách nói chuyện riêng, tìm đến nhà hoặc gặp người có ảnh hưởng với các em để phân tích giúp các em có quyết định sáng suốt.
Tình trạng này giờ đây đã không còn phổ biến nhưng tôi lại đối mặt với những thử thức mới. Không ít học trò của tôi đang tuổi lớn mà bố mẹ lại đi làm ăn xa, các con ở nhà với ông bà rất dễ chểnh mảng học hành hoặc tiếp xúc với bạn xấu nếu các con không tự giác, không có sự kèm cặp, nhắc nhở từ người lớn. Do đó, tôi phải sắp xếp công việc để trò chuyện cùng các con, uốn nắn, dạy bảo các con về kỹ năng sống, bổ sung cho các con kiến thức chăm sóc bản thân, sức khỏe sinh sản vị thành niên rồi cách sử dụng mạng xã hội sao cho an toàn, hữu ích, phục vụ cho việc học tập, không bị đối tượng xấu lợi dụng, trở thành nạn nhân của bạo lực, buôn bán người...", cô Lam chia sẻ.
Là một trong 19 giáo viên người dân tộc thiểu số được vinh danh trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023, cô Lý Thị Lam, cũng là giáo viên lớn tuổi nhất trong tổng số 58 thầy, cô được tuyên dương. Chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, Tập đoàn Thiên Long tổ chức tuyên dương 58 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu đang công tác ở các trường học tại những xã khó khăn khu vực I, khu vực II, khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giai đoạn 2021 - 2025. Đây là những cá nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vận động học trò không bỏ học, kết hôn sớm hay kiên trì vận động phụ huynh và các em xóa bỏ định kiến giới... |