Sôi nổi các hoạt động vì bình đẳng giới

Thứ sáu, 01/12/2023 12:15
(ĐCSVN) - Các địa phương, đơn vị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương sôi nổi tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới năm 2023.
 Cán bộ, công chức xã Thạnh An tại buổi tuyên truyền lưu động.

Sáng ngày 01/12, UBND xã Thạnh An - Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) tổ chức tuyên truyền lưu động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới năm 2023. Hơn 50 cán bộ thuộc khối hành chính xã và hội viên Hội phụ nữ xã đã tham gia buổi tuyên truyền. Buổi tuyên truyền đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, từ đó đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong công tác đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng, tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.

 Phiên tòa giả định vụ án bạo lực giới tại trường Đại học Bình Dương

*Sáng ngày 1/12, Khoa Luật học - Trường Đại học Bình Dương và Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường Hiệp Thành (TP. Thủ Dầu Một) phối hợp tổ chức thành công buổi Diễn án Giả định xét xử vụ án "Cố ý gây thương tích" - điển hình của một vụ án bạo lực giới - một trong những nguyên nhân gây bất bình đẳng giới vẫn còn hiện hữu trong xã hội.

Buổi diễn án có sự tham dự của Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Mạnh Cường - Cố vấn chuyên môn của câu lạc bộ, đồng chí Nguyễn Thị Như Tâm - Đảng ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường Hiệp Thành; Đoàn Thanh niên, sinh viên nhà trường cùng hơn 50 hội viên Hội Phụ nữ phường.

Tại buổi diễn án, các thành viên của câu lạc bộ đã đảm nhận các vai trò như Thẩm phán chủ tọa, Hội thẩm nhân dân, luật sư, đại diện Viện Kiểm sát, bị cáo và bị hại, để tái hiện lại một phiên xét xử thực tế về bạo lực giới - một vấn đề vẫn còn khá phổ biến trong xã hội. Buổi diễn án mang đến nhiều trải nghiệm bổ ích cho các bạn sinh viên và người xem.

Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Mạnh Cường, mặc dù là phiên tòa giả định nhưng mọi hoạt động diễn ra rất thật. Ở đây, các bạn sinh viên không chỉ là những người dự khán phiên tòa mà có thể trở thành một trong các vị trí tranh tụng trực tiếp, thể hiện kiến thức cũng như các kỹ năng đã tích lũy trong quá trình học tập ở giảng đường.

Đây là sân chơi mang tính học thuật và thực tiễn cao, phổ biến, lan rộng mô hình xét xử tại tòa cũng như kiến thức pháp luật về bình đẳng giới đến người dân trên địa phương.

Phụ nữ Phường 10 hưởng ứng Tháng hành động

* Mấy ngày gần đây, Hội LHPN phường 10, quận Tân Bình phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ phường đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 với chủ đề: “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới” như: Hội nghị truyền thông hưởng ứng Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11) và chương trình văn nghệ với chủ đề “Bình đẳng giới - Nền tảng xây dựng gia đình hạnh phúc”; Truyền thông infographic và video tuyên truyền với chủ đề “Giảm thiểu mức sinh thấp, mất cân bằng giới tính khi sinh và chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân”.

 Thành phố Hồ Chí Minh có 103.092 hộ dân tộc thiểu số với 453.317 nhân khẩu, chiếm khoảng hơn 5% dân số toàn Thành phố. Những dân tộc có quy mô số dân trên 1.000 người tại Thành phố là: Hoa, Khmer, Chăm, Tày, Mường, Nùng, Thái, Ê Đê và Gia Rai. Trong đó, có 3 dân tộc chiếm số đông là dân tộc Hoa với 377.162 người, dân tộc Khmer 42.415 người và dân tộc Chăm 9.796 người.
TH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực