Phước Hữu là xã thuộc khu vực đồng bằng, đạt chuẩn xã nông thôn mới của huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 6.053,25 ha, với tổng số dân 19.133 người, sống trong 4.337 hộ tại 7 thôn, nhóm dân tộc Chăm chiếm đại đa số. Theo thống kê, toàn xã hiện vẫn còn 218 hộ nghèo (chiếm 5,18%), hộ cận nghèo là 586 hộ (chiếm 13,92%). Thu nhập bình quân đầu người 31,6 triệu đồng/người/năm.
Dân tộc Chăm tại xã Phước Hữu có hình thức tổ chức gia đình theo chế độ mẫu hệ, và còn lưu giữ nhiều nét văn hóa cổ xưa mang nhiều bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống thể hiện qua tín ngưỡng - tôn giáo. Mẫu hệ của người Chăm là chế độ mà quan hệ thân tộc, huyết thống được tính theo dòng họ mẹ, người con sinh ra thuộc dòng họ mẹ. Dòng họ bên mẹ là dòng họ nội, dòng họ cha là dòng họ ngoại. Theo đó, người con gái là người thừa hưởng tài sản, đất đai của gia đình và dòng họ do người mẹ truyền lại; đồng thời phải có trách nhiệm thờ phụng tổ tiên bên mẹ, chăm lo thờ cúng ông bà và phải nuôi dưỡng cha mẹ già.
|
Phụ nữ xã Phước Hữu thường xuyên tổ chức các buổi họp trao đổi, nâng cao kỹ năng phát triển kinh tế |
Chính vì đó, khác với nhiều dân tộc khác, phụ nữ Chăm ở Phước Hữu vừa phải chịu gánh nặng kinh tế gia đình, vừa phải lo cho con cái, chăm sóc gia đình. Làm thế nào để giúp chị em phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, phụ bình đẳng hơn và được người đàn ông chia sẻ việc nhà là câu hỏi đặt ra với các cấp chính quyền, đoàn thể xã Phước Hữu.
Về công tác bình đẳng giới tại xã Phước Hữu, lãnh đạo xã đã triển khai thực hiện Kế hoạch số 797/KH-UBND ngày 01/3/2018 của Ban Dân tộc về thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025”; Kế hoạch số 4114/KH-UBND ngày 03/10/2017, về triển khai thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-UBND của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi” nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình. Đồng thời, thực hiện theo Kế hoạch số 21/KH-UBND về thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới huyện Ninh Phước và Kế hoạch số 22/KH-UBND về thực hiện Chương trình hành động về bình đẳng giới huyện Ninh Phước. Đảng ủy và lãnh đạo xã thường xuyên chỉ đạo việc lồng ghép nội dung thực hiện bình đẳng giới trong gia đình vào các hoạt động tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa nội dung bình đẳng giới trở thành một trong những tiêu chí quan trọng để bình xét công nhận gia đình văn hóa, thôn văn hóa.
Công tác tuyên truyền đã được thực hiện bằng nhiều hình thức như tuyên truyền miệng thông qua các cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm chuyên đề, hội diễn, giao lưu văn hóa, văn nghệ, phổ biến lồng ghép trong “Ngày pháp luật” và trong các buổi họp đơn vị, phát động mọi người xóa bỏ định kiến giới, xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ đã thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên, quần chúng tham gia, góp phần nâng cao nhận thức xã hội về giới, thực hiện bình đẳng giới. Nhận thức của nam giới trong việc chia sẻ công việc trong gia đình với phụ nữ ngày càng được thể hiện rõ hơn, tạo điều kiện cho nữ giới được học tập, công tác và tham gia vào các hoạt động xã hội...
Hội phụ nữ xã Phước Hữu hiện có 2.448 hội viên sinh hoạt ở 6 chi hội cơ sở là: Mông Nhuận, La Chữ, Hậu Sanh, Hữu Đức, Tân Đức và Thành Đức. Đa số chị em đều làm nghề nông nên đời sống còn nhiều khó khăn. Hưởng ứng phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” do Hội LHPN cấp trên phát động và chương trình xóa đói giảm nghèo của huyện, Hội phụ nữ xã Phước Hữu tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện ngày càng có hiệu quả.
Các mô hình như: tổ nhóm phụ nữ tiết kiệm, tổ nhóm tình thương, tổ nhóm vay vốn, mua sắm vật dụng gia đình… ngày càng phát triển, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Qua nhiều năm hoạt động, đến nay Hội đã xây dựng được trên 70 tổ theo các hình thức trên. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, Hội đã xây dựng thêm được 3 tổ giúp nhau phát triển kinh tế, có 90 chị tham gia với số tiền đã đóng góp gần 5 triệu đồng; 2 CLB “Phụ nữ không sinh con thứ 3” với 60 chị tham gia, đồng thời phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội giải ngân được 282 triệu đồng giúp cho 114 hộ được vay để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, nâng tổng số dư nợ do Hội phụ nữ ủy thác lên 6,4 tỷ đồng với 1.066 chị được vay.
|
Nhiều lớp tập huấn phát triển kinh tế cho phụ nữ Phước Hữu cũng được huyện Ninh Phước tổ chức
|
|
Chị Bá Thị Thu Vân, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Hữu Phước tâm sự: “Không chỉ tạo điều kiện để chị em được vay vốn của mình giúp nhau bằng những việc làm thiết thực như xây dựng hũ gạo tình thương, cho nhau mượn vốn không lãi, giúp các chị em nghèo có điều kiện làm ăn phát triển kinh tế gia đình”. Riêng với mô hình chăn nuôi bò vỗ béo và sinh sản theo dự án của Nhà nước hỗ trợ cho phụ nữ nghèo người Chăm, toàn xã Phước Hữu đã có 389 hộ được vay vốn với số tiền trên 3,8 tỷ đồng, trung bình mỗi hộ được vay 10 triệu đồng. Qua hơn 3 năm áp dụng mô hình, đến nay (trừ 7 hộ bị rủi ro chăn nuôi không hiệu quả), đa số chăn nuôi đều có lãi. Điển hình như chị Sử Thị Mẫu ở thôn Hữu Đức, từ nguồn vốn được vay chị đầu tư mua 2 con bò vỗ béo giá 6 triệu đồng, sau 1 năm bỏ công chăm sóc, chị bán được 7,5 triệu đồng. Với số tiền trên chị tiếp tục đầu tư mua lại 3 con bò giống, đến nay nếu bán cũng có giá từ 5 đến 6 triệu đồng một con. Rất nhiều chị ở Phước Hữu cũng thông qua mô hình chăn nuôi này mà đến nay cuộc sống đã khá lên nhiều, như: Mai Hàm Huyền Nga ở thôn Tân Đức; Đổng Thị Lời ở thôn Hậu Sanh…
Từ những mô hình hiệu quả nói trên đã giúp chị em ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Hội, xem tổ chức Hội phụ nữ là chỗ dựa vững chắc của chị em nên việc triển khai thực hiện các nội dung, chương trình của Hội luôn được thuận lợi, số người tự nguyện tham gia sịnh hoạt Hội ngày một đông. Trong 6 tháng đầu năm, Hội đã phát triển thêm được 138 hội viên mới, nâng tổng số hội viên hiện có lên 2.448 chị. Đặc biệt, Hội đã góp phần cùng địa phương hạ thấp tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 170 hộ, trong đó hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ chỉ còn 95 hộ.
Điều băn khoăn nhất hiện nay của phụ nữ xã Phước Hữu đó là nguồn vốn vay dành cho chị em còn quá ít, vòng vay ngắn hạn nên chỉ mới giải quyết được một phần nhu cầu cấp bách trước mắt, một số chị em cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu vay vẫn chưa được giải quyết hết.
Đây cũng là bài toán đặt ra không chỉ cho chính quyền xã Phước Hữu, mà cho cả cấp huyện, cấp tỉnh. Chỉ khi tỉnh, huyện cũng như chính quyền các cấp quan tâm hơn nữa trong việc tạo nguồn vốn, dạy nghề, hướng dẫn khoa học kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi cho chị em nơi đây; các cấp hội phụ nữ đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ Hội về mọi mặt để chị em có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ, sáng tạo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đáp ứng nhu cầu chính đáng của tầng lớp phụ nữ xã Phước Hữu, nhằm mục tiêu cao nhất là thúc đẩy bình đẳng giới, bảo đảm quyền của phụ nữ, thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta về thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số./.