|
Yên Bái đã quan tâm triển khai nhiều hoạt động, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. |
Từ việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm đặc biệt của tỉnh, đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Yên Bái đã có nhiều cải thiện. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã phát triển kinh tế, thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng cao. Đáng chú ý là việc tạo bình đẳng về cơ hội phát triển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là cho phụ nữ và trẻ em ngày càng được đảm bảo.
Cụ thể, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái tiếp tục chỉ đạo các cấp hội trong tỉnh phối hợp triển khai, quán triệt việc thực hiện Đề án "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025” (được phê duyệt theo Quyết định số 1898, ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ) gắn với việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghị quyết của hội LHPN các cấp và các kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm hoạt động công tác Hội năm 2023.
Bà Hoàng Phương Thúy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh cho biết: Thực hiện Đề án, trong công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội LHPN các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân thực hiện tốt chính sách, luật pháp về bình đẳng giới, bố trí cán bộ hội LHPN theo dõi, tham mưu thực hiện công tác về bình đẳng giới, tại cấp tỉnh phân công 1 đồng chí phó ban trực tiếp tham mưu công tác bình đẳng giới, cấp huyện đều phân công cán bộ tham mưu, theo dõi công tác bình đẳng giới, cấp cơ sở đồng chí chủ tịch hội trực tiếp tham mưu thực hiện.
Đồng thời, tích cực phát huy vai trò của Hội trong công tác theo dõi, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện Luật bình đẳng giới, công tác cán bộ nữ và phát triển đảng viên nữ, triển khai lấy ý kiến của đông đảo các tầng lớp cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh tham gia vào các dự thảo luật, trong đó tập trung vào các nội dung liên quan đến yếu tố bình đẳng giới như: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Dân chủ ở cơ sở; Luật Đất đai…
Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Yên Bái đã phối hợp cùng với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan đã chỉ đạo, hướng dẫn triển khai tuyên truyền trên hệ thống loa thông tin lưu động, pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, các văn bản phổ biến luật, tác phẩm, tiểu phẩm nghệ thuật có nội dung tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trong gia đình trên phạm vi toàn tỉnh; tham mưu lồng ghép nội dung tuyên truyền về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ cho đội tuyên truyền lưu động đi cơ sở tuyên truyền phục vụ Nhân dân.
Từ đầu năm 2023 đến nay, đã thành lập được 214 tổ truyền thông cộng đồng tại cơ sở; tổ chức 19 lớp tập huấn về hướng dẫn, thành lập, vận hành tổ truyền thông cộng đồng; 16 lớp tập huấn vận hành, duy trì "Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”; 10 lớp tập huấn về tổ chức đối thoại chính sách cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã và thôn, bản. Các tổ truyền thông cộng đồng tổ chức 69 hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới tại cộng đồng thu hút gần 4.000 lượt người tham dự.
Chưa hết, các hoạt động truyền thông nhằm thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025 cũng được triển khai tại 59 xã, 55 thôn đặc biệt khó khăn tại 8 huyện, thị. Các cấp Hội thường xuyên đăng tin, bài, ảnh về hoạt động trên trang web của Hội và trang mạng xã hội; thực hiện giám sát thông qua hệ thống văn bản chỉ đạo và báo cáo của Hội LHPN cấp huyện; tổ chức kiểm tra, giám sát trực tiếp tại cơ sở...
Các cấp Hội thành lập, củng cố 10 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; tổ chức 3 cuộc đối thoại chính sách tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn về các vấn đề mà phụ nữ, trẻ em và người dân quan tâm; tổ chức 9 lớp tập huấn nâng cao năng lực, hướng dẫn vận hành và quản lý tổ truyền thông cho đội ngũ cán bộ huyện, xã và cho các thành viên Tổ truyền thông tại thôn, bản…
Các cuộc thi tìm kiếm sáng kiến, mô hình, giải pháp truyền thông hiệu quả thay đổi "nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và mua bán phụ nữ và trẻ em; các hoạt động tuyên truyền, vận động, tư vấn kiến thức và tiếp cận với dịch vụ sinh đẻ an toàn cho phụ nữ thuộc nhóm dân tộc thiểu số cũng đã được tổ chức; hoạt động truyền thông về bình đẳng giới, định kiến giới, khuôn mẫu giới cũng dược triển khai cụ thể, bài bản…
Đáng chú ý, các hình thức tuyên truyền được triển khai phù hợp với từng nhóm đối tượng để phát huy hiệu quả công tác truyền thông, đặc biệt là thu hút sự tham gia của nam giới vào các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Các chủ đề truyền thông được tuyên truyền gồm: "Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”, qua đó giáo dục pháp luật về bình đẳng giới, tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, bạo lực gia đình, bạo lực giới...
Cùng với công tác truyền thông, các dịch vụ về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới được triển khai, cung cấp. Mô hình "Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh” tại phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ được xây dựng và duy trì. 100% các xã phường, thị trấn có địa chỉ tin cậy hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Đường dây nóng 18001776 đặt tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tư vấn hỗ trợ cho tất cả mọi người yếu thế, trong đó có phụ nữ, trẻ em liên quan tới bạo lực gia đình...
Với sự nỗ lực đó, bình đẳng trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đã đạt được những kết quả nhất định. Năm 2022, giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ là 2,05%..
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Yên Bái Hoàng Phương Thúy, công tác bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số đã được các cấp hội đặc biệt quan tâm lồng ghép có hiệu quả, nhất là việc triển khai những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với nhiều cách làm hay, sáng tạo tác động đến nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân trong công tác bình đẳng giới, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số.
Những kết quả này tiếp tục là tiền đề để Yên Bái phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu bình đẳng giới trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới trên cơ sở giới được đặt ra trong Kế hoạch Thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2030./.