Tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ dân tộc thiểu số

Thứ tư, 06/12/2023 22:36
(ĐCDVN) - Liên hoan văn hóa “Phụ nữ dân tộc thiểu số hành động vì bình đẳng giới” là dịp để tôn vinh, quảng bá nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số cũng như về vai trò của phụ nữ dân tộc trong việc giữ gìn văn hoá truyền thống và tham gia phát triển kinh tế - xã hội.

Thành viên Tổ truyền thông cộng đồng và hội viên phụ nữ của 13 thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của xã Tiến Xuân và xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội vừa có kỷ niệm đáng nhớ khi cùng nhau tập luyện, biểu diễn trong Liên hoan văn hóa “Phụ nữ dân tộc thiểu số hành động vì bình đẳng giới”.

 Nhiều tiết mục trong Liên hoan có sự tham gia của cả nam nữ người dân tộc thiểu số

Bà Khuất Thị Khuyên, Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện cho biết, Liên hoan văn hóa “Phụ nữ dân tộc thiểu số hành động vì bình đẳng giới” là một trong những hoạt động triển khai đề án “Tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và kiến thức pháp luật cho phụ nữ dân tộc thiểu số giai đoạn 2022 - 2025” trên địa bàn thành phố Hà Nội do  Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức.

"Để chuẩn bị cho chương trình, thời gian qua, thành viên tổ truyền thông cộng đồng và các chi hội phụ nữ 13 thôn thuộc địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi đến từ 2 xã Tiến Xuân, Yên Bình không kể ngày nghỉ, sớm tối tranh thủ thời gian để luyện tập với thái độ rất hăng say, nghiêm túc, tỉ mỉ, nhuần nhuyễn trong từng động tác rồi lại cùng nhau chuẩn bị từng đạo cụ, trang phục sao cho vừa vặn, bắt mắt nhất. Tất cả nhằm tôn vinh, quảng bá nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, về vai trò của phụ nữ dân tộc trong việc giữ gìn văn hoá truyền thống và tham gia phát triển kinh tế - xã hội", bà Khuyên cho hay.

Tiết mục tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ dân tộc thiểu số 

Đến từ sáng sớm, chị Đinh Thị Thoa, xã Yên Bình cùng bạn tới Liên hoan để cổ vũ cho tiết mục biểu diễn của người thân. "Tôi ấn tượng với tiết mục Trồng bông dệt vải, Hòa tấu Chiêng Mường, Xuân về trên bản Mông. Không ai nghĩ đó là phần trình diễn của các nghệ sĩ "nghiệp dư". Tôi tự hào bởi phụ nữ quê tôi nhiều chị có năng khiếu hát, múa nhưng cũng rất khéo tay hay làm. Vì vậy, trong lúc chương trình chưa diễn ra, tôi tranh thủ cùng bạn ăn phần quà, miếng bánh còn ấm nóng là đặc sản làm từ chính bàn tay của phụ nữ quê mình được trưng bày tại Liên hoan. Nhiều chị nhờ duy trì nghề truyền thống cha ông để lại nên có thu nhập khá tốt", chị Thoa nói.

Chị Bùi Thị Thiết, xã Tiến Xuân thì lại ấn tượng với phần trình diễn trang phục Mường của hội viên, phụ nữ thôn 5 trong xã. "Trang phục của phụ nữ dân tộc Mường tuy giản dị, mộc mạc nhưng chứa đựng những giá trị đặc trưng riêng với sự độc đáo trong các họa tiết hoa văn. Áo được may bó sát thân, khi mặc vừa chớm eo để khoe vẻ đẹp tự nhiên của người phụ nữ. Trong trang phục của phụ nữ dân tộc Mường, cạp váy chính là biểu tượng đẹp nhất, với các họa tiết trang trí số lượng hoa văn khá phong phú cả về hình thức và thể loại. Đây được coi là điểm nhấn và thể hiện sự sáng tạo của người thêu dệt. Cạp váy càng tinh tế, càng thể hiện sự khéo léo và tỉ mỉ của người phụ nữ", chị Thiết phân tích từng chi tiết.

Phần trình diễn trang phục Mường của hội viên, phụ nữ thôn 5 

Với người phụ nữ này, bình đẳng giới không phải ở đâu xa lạ mà diễn ra ngay trong gia đình chị. "Vợ chồng tôi sinh được 2 con gái. Nếu như trước đây thì chắc chắn chúng tôi sẽ chịu ít nhiều áp lực phải sinh thêm để nhà "có nếp, có tẻ". Vậy nhưng nhờ cán bộ Hội rồi thành viên Tổ truyền thông cộng đồng tuyên truyền nên vợ chồng tôi đều thấy đó là điều không cần thiết, miễn sao chăm sóc, nuôi dạy 2 con được chu đáo. Cha mẹ chúng tôi cũng rất tôn trọng quyết định của các con. Bản thân chồng tôi cũng không nề hà những chuyện "bếp núc" trong gia đình. Sẵn sàng chia sẻ cùng tôi việc rửa bát, quét nhà...".

Nói về công tác bình đẳng giới trên địa bàn, bà Đoàn Thị Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bình, Trưởng ban chỉ đạo về bình đẳng giới thông tin, Yên Bình có 40% là đồng bào dân tộc thiểu số trong đó chiếm 38% là người dân tộc Mường, còn lại là người Mông, Kinh, Dao, Sán Dìu... Hằng năm, Nghị quyết của Đảng ủy xã đều đề cập tới công tác bình đẳng giới, UBND xã ra kế hoạch phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã có chương trình rất cụ thể để thực hiện. Ít nhất là 6 hội nghị chuyên đề cùng với các hội nghị lồng ghép về bình đẳng giới để phụ nữ cũng như tất cả người dân trên địa bàn nắm được kiến thức cơ bản về bình đẳng giới, thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" vì bình đẳng giới với phụ nữ dân tộc thiểu số.

"Xuân về trên bản Mông" của hội viên, phụ nữ chi hội thôn 3, xã Tiến Xuân tạo không khí sôi nổi khi ngày Tết gần kề

"Tôi cho rằng, Liên hoan văn hóa “Phụ nữ dân tộc thiểu số hành động vì bình đẳng giới” là cách làm hay để chị em phụ nữ Yên Bình đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện vừa có thêm kiến thức về bình đẳng giới, cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người miền núi. Hình ảnh người dân phấn khởi, đến từ sớm, ngồi theo dõi, cổ vũ tới khi kết thúc chương trình chứng tỏ sức hút của Liên hoan. Tôi mong Hội Phụ nữ thành phố cùng các ban, ngành, địa phương tổ chức nhiều hơn những liên hoan như thế này để đồng bào các dân tộc trên địa bàn thêm hiểu về nhau, cùng đoàn kết, bình đẳng, tiến bộ, gắn bó xây dựng quê hương", Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bình chia sẻ.

 Sự tham gia của cả bé trai, bé gái thu hút đông đảo người dân địa phương tới cổ vũ

Một loại bánh đặc sản của phụ nữ dân tộc được giới thiệu tại Liên hoan 
Bé gái tự hào giới thiệu về đặc sản của dân tộc mình 
Bảo Chi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực