Trà Vinh: Thúc đẩy bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc Khmer

Thứ tư, 06/12/2023 17:49
(ĐCSVN) - Theo Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, sau 15 năm thực hiện Luật bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh, các cấp, ngành và đặc biệt là nhân dân toàn tỉnh đã có nhiều thay đổi trong nhận thức về giới, về sự tiến bộ của phụ nữ cũng như về bình đẳng giới của người dân tộc thiểu số (chủ yếu là người Khmer) của tỉnh.
 Tặng xe đạp cho học sinh dân tộc Khmer vượt khó.

Quá trình thực hiện Luật bình đẳng giới của tỉnh trong 15 năm qua đã góp phần thay đổi không nhỏ trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư vùng đồng bào dân tộc Khmer, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh từng bước ổn định, đời sống vật chất không ngừng được nâng cao, phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào được giữ gìn, phát huy, hệ thống chính trị trong vùng đồng bào dân tộc được củng cố, kiện toàn.

Cụ thể, với bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, giai đoạn 2011-2014, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 239.814 lượt người trong đó 129.806 nữ, đạt 54,12%, tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp 458/1.703 hộ, toàn tỉnh có 53.990 người được đào tạo nghề trong đó có 29.540 nữ, tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng đồng bào dân tộc Khmer có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng đạt 100%, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị đối với lao động nữ giảm 3,11%.

Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 259.748 lao động, trong đó 137.593 nữ, đạt 118%, tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp 713/2.610 hộ đạt 28%, toàn tỉnh có 159.242 người được đào tạo nghề trong đó có 52.145 nữ đạt 32,7%, tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng đồng bào dân tộc Khmer có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng đạt 100%, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị đối với lao động nữ xuống 2,94%.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, giai đoạn 2011-2014, tỷ lệ biết chữ vùng đồng bào dân tộc Khmer đạt 95,03% và con số này giai đoạn 2016-2020 đạt 94%. Có thể thấy, sau khi Luật bình đẳng giới được thông qua và có hiệu lực, việc thực hiện bình đẳng giới trong giao dục nói chung và quản lý giáo dục nói riêng đã đạt những kết quả đáng khích lệ, tỷ lệ nữ biết chữ ngày càng gia tăng, vị thế và vai trò của nữ trong hệ thống giáo dục ngày càng thể hiện rõ nét  hơn.

Đáng chú ý, các chương trình truyền thông về bình đẳng giới được gia tăng, cập nhật những vấn đề thời sự nóng bỏng, thiết thực nhất về giới như: cảnh báo mất cân bằng giới tính khi sinh, chương trình dân số kế hoạch hóa ở vùng đặc thù, thực trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em với các hình thức truyền tải dễ hiểu, đơn giản, dễ tiếp cận, việc lồng ghép nhận thức giới được đưa vào khéo léo, cụ thể, rõ ràng, các sản phẩm truyền thông mang tính định kiến giới giảm 80%, 100% các cơ sở phát thanh truyền hình cơ sở tại địa phương có các chuyên đề nâng cao nhận thức về bình đẳng giới.

Đặc biệt, do triển khai Luật phòng, chống bạo lực gia đình và Chỉ thị 16-CT/TTg nên trên địa bàn tỉnh Trà Vinh từ 2008, số nạn nhân của bạo lực gia đình được phát hiện, tư vấn pháp lý tại cơ sở đạt trên 55% tổng số vụ xảy ra, nhất là khi triển khai các mô hình thì số vụ bạo lực với nữ giảm xuống 40-60%. Giai đoạn 2011-2014, thời gian tham gia công việc gia đình của nữ so với nam đã giảm 0,8 lần, ý thức của nam giới trong chia sẻ lao động gia đình càng rõ nét, tạo điều kiện cho phụ nữ có nhiều cơ hội hơn trong tham gia học tập, công tác, chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí. Từ 2016 đến nay, tỉnh liên tục tổ chức “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, xây dựng mô hình truyền thông tại cộng đồng về phòng, chống mua bán người và cho đến nay, trên địa bàn Trà Vinh chưa có vụ buôn bán phụ nữ trẻ em nào.

Trà Vinh cũng là một trong những địa phương đã thực hiện “Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020” với mục tiêu giảm khoảng cách về giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động việc làm, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số đối với nguồn lực kinh tế, thị trường lao động, công tác đào tạo nghề cho phụ nữ ngày càng được coi trọng và lao động nữ nông thôn nghèo được ưu tiên sử dụng vốn ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh, làm giàu cho gia đình và xã hội ngày càng được tăng lên.

Cũng qua 15 năm, từ triển khai Luật bình đẳng giới, đồng chí Thạch Mu Ni, Phó Trưởng Ban dân tộc tỉnh cho biết, tỉnh đã được đúc rút thành một số bài học kinh nghiệm, trong đó, khẳng định:

Tỉnh đã tập trung xây dựng và thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trên các lĩnh vực còn tồn tại bất bình đẳng giới sâu sắc với phụ nữ. Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào quá trình hoạch định, thực thi và giám sát, định giá các chương trình, kết hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, các cấp, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức bình đẳng giới trong đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân. Đề cao trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu cơ quan, tổ chức về bình đẳng giới.

Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào các chính sách, pháp luật, chiến lược, chương trình của các ngành, địa phương như: đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân.

Cũng theo Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thạch Mu Ni, trên cơ sở phát huy thành tựu và khắc phục hạn chế, tồn tại, để triển khai hiệu quả công tác bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới với bà con dân tộc thiểu số, dân tộc Khmer nói riêng, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, trách nhiệm quản lý của chính quyền các cấp trong nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện và hoàn thiện thể chế về bình đẳng giới, thực hiện lồng ghép các nội dung bình đẳng giới trong xây dựng cơ sở pháp lý và các chương trình chiến lược, kế hoạch phát triển giúp phụ nữ nói chung và phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ Khmer nói riêng tiếp cận đầy đủ các nguồn lực về bình đẳng giới; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền cũng như phổ biển giáo dục nâng cao nhận thức một cách đầy đủ và toàn diện hơn nữa góp phần gia tăng hiệu quả bình đẳng giới trên địa bàn./.

DT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực