|
Vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội ngày càng được khẳng định, bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội được bảo đảm. |
Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Bình về vai trò, vị trí, công tác phụ nữ, đặc biệt là những vấn đề về giới và bình đẳng giới trên các lĩnh vực có nhiều chuyển biến tích cực, qua đó giúp vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội ngày càng được khẳng định, bình đẳng giới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội được bảo đảm.
Hoàn thiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới
Để triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư và hoàn thiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, ngày 14/7/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, chỉ đạo UBND tỉnh ban hành hệ thống văn bản cụ thể hóa để triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về giới và bình đẳng giới; xây dựng các cơ chế, chính sách bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng giới trên các lĩnh vực có liên quan và cho đối tượng yếu thế, thực hiện lồng ghép trong xây dựng các chương trình, đề án, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của các sở, ngành, địa phương. Chỉ đạo Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh triển khai thực hiện Chiến lược, Chương trình Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020 đạt được những kết quả quan trọng, thúc đẩy thực hiện thắng lợi một số chỉ tiêu của kế hoạch hành động về bình đẳng giới.
Việc thực hiện các chính sách đặc thù hỗ trợ phụ nữ ở vùng cao, vùng sâu, phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ khởi nghiệp,… được tỉnh quan tâm tổ chức triển khai thực hiện thông qua chương trình, đề án như Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2021-2025 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Kết quả, trong 05 năm Quảng Bình đã hỗ trợ 245 phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh, nâng tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ lên 25% trên tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh, qua đó góp phần nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế; Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã giúp 80,2% hộ phụ nữ nghèo và 100% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, trong đó có 938 hộ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 3,9%.
Hằng năm, các cấp Hội phụ nữ đã phối hợp với các trường đào tạo nghề, các đơn vị liên quan khảo sát nhu cầu, mở các lớp đào tạo nghề, tập huấn các kiến thức về sản xuất, kinh doanh. Theo đó, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở Nội vụ và Tổ chức phát triển Hà Lan tổ chức 5 lớp tập huấn về kỹ năng lãnh đạo và lồng ghép giới cho 325 người; phối hợp với dự án FlOW/EOWE tổ chức 4 cuộc Hội thảo và tập huấn về lồng ghép giới “Tăng cường cơ hội cho doanh nghiệp nữ/Nâng cao vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế và nông nghiệp” với 185 lượt người tham gia; tổ chức hội thi “Tìm hiểu Luật Bình đẳng giới và vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế” tại các xã Thanh Thủy, An Thủy huyện Lệ Thủy; Xuân Ninh, Hiền Ninh huyện Quảng Ninh, xã Sơn Lộc huyện Bố Trạch.
Bên cạnh đó, bộ máy thực hiện nhiệm vụ bình đẳng giới, gia đình và trẻ em của tỉnh cũng đã được kịp thời kiện toàn. Hiện nay Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ được thành lập ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã), trong đó đồng chí Phó Chủ tịch UBND các cấp làm Trưởng ban; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan Thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ cấp tỉnh; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực cấp huyện; cán bộ văn hóa - xã hội tham mưu ở cấp xã; ngoài ra còn thành lập đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên ở khu dân cư.
|
Trong 05 năm Quảng Bình đã hỗ trợ 245 phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh, nâng tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ lên 25% trên tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh. |
Đa dạng hóa các hình thức truyền thông về bình đẳng giới
Xác định việc đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới là nhiệm vụ quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, các cấp ủy Đảng ở Quảng Bình luôn quan tâm chỉ đạo chính quyền các cấp quán triệt, cụ thể hóa chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác phụ nữ; đa dạng hóa các hình thức truyền thông về bình đẳng giới đến các nhóm đối tượng đặc thù.
Việc tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, kịp thời thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các hội nghị, các các lớp tập huấn chuyên đề. Trong 5 năm, Hội LHPN tỉnh tổ chức 35 lớp tập huấn cho gần 2.500 cán bộ phụ nữ các cấp Hội; chỉ đạo 151/151 cơ sở Hội xây dựng được tủ sách pháp luật; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình thực hiện các chuyên mục Vì sự tiến bộ phụ nữ, Phụ nữ và cuộc sống. Sở Tư pháp đã lồng ghép tổ chức 149 hội nghị cho trên 16.000 lượt cán bộ và Nhân dân trên địa bàn tỉnh; phát hành trên 200.000 tài liệu tuyên truyền; lồng ghép tuyên truyền pháp luật liên quan đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở của 1.217 tổ hòa giải; trong 5 năm, các tổ hòa giải đã thụ lý 4.991 vụ việc; hòa giải thành công 3.912 vụ việc, đạt tỷ lệ 80%. Tỉnh Đoàn Quảng Bình phối hợp với Ban VSTBPN tỉnh, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tổ chức trên 48 lớp tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Lao động cho hơn 5.980 lượt cán bộ, đoàn viên thanh niên…
Ban vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong chỉ đạo thực hiện bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ; tuyên truyền, phổ biến và vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh liên quan đến bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, trong đó tăng cường truyền thông về Luật Bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2023, Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2023… Đa dạng hóa các hình thức truyền thông bình đẳng giới đến các nhóm yếu thế, người khuyết tật, trẻ em, đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên các phương tiện thông tin đại chúng và lồng ghép trong các hoạt động đa dạng của địa phương, đơn vị.
Quan tâm công tác cán bộ nữ
Theo đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm, coi công tác cán bộ nữ là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác cán bộ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và các cấp ủy đều xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ nói chung, trong đó quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ nữ, nhất là cán bộ nữ trong quy hoạch; các cơ quan, đơn vị đã tạo điều kiện bố trí, sắp xếp công việc, thời gian để cán bộ nữ yên tâm học tập. Vì vậy, chất lượng đội ngũ cán bộ nữ ở cả 3 cấp được nâng lên; phần lớn cán bộ nữ chủ chốt đương chức và trong quy hoạch của các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện, cấp tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa các mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
|
Việc tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, kịp thời thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các hội nghị, các các lớp tập huấn chuyên đề. (Ảnh minh họa). |
Đến nay, 100% cán bộ Hội Phụ nữ tỉnh, huyện và các xã, thị trấn được bồi dưỡng nghiệp vụ, các kiến thức và kỹ năng cần thiết khác. 100% cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, huyện đạt chuẩn chức danh; trên 97% Chủ tịch hội xã, phường, thị trấn đạt chuẩn chức danh, trong đó trên 45% cán bộ Hội có trình độ đại học, trên 61% trình độ trung cấp, gần 80% có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên và gần 85% cán bộ được bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng công tác phụ nữ theo quy định. Đội ngũ Phó chủ tịch Hội có trên 33% trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, gần 15% trình độ trung cấp lý luận chính trị và trên 40% được bồi dưỡng chuẩn về kiến thức, kỹ năng công tác phụ nữ. Đa số cán bộ nữ đảm nhận vị trí chi hội trưởng được tập huấn về kiến thức, kỹ năng công tác phụ nữ.
Hằng năm, cấp ủy các cấp chỉ đạo rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ nữ thuộc diện quy hoạch để bổ sung nguồn cán bộ, đồng thời để bố trí, sử dụng có hiệu quả số cán bộ nữ có năng lực, phẩm chất và trình độ vào các vị trí chủ chốt ở mỗi cấp; quan tâm công tác phát triển đảng viên nữ, nhất là vùng khu vực nông thôn, khu vực cồn bãi, vùng giáo. Qua đó, có thể thấy rằng, công tác tạo nguồn, quy hoạch cán bộ nữ ở các cấp đã từng bước đi vào nền nếp; số lượng cán bộ nữ được đưa vào quy hoạch ngày càng tăng, có trình độ đồng đều và ngày càng trẻ hóa. Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, toàn tỉnh Quảng Bình có 118 cán bộ nữ quy hoạch các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý ở các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh (chiếm 20,67%); ở các huyện, thị, thành phố có 76 đồng chí (chiếm 18,67%); quy hoạch Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh là 26 đồng chí (chiếm 19,55%); quy hoạch Ban Thường vụ Tỉnh uỷ có 01 đồng chí (chiếm 3,7%); có cán bộ nữ trong quy hoạch các chức danh cán bộ chủ chốt như Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh.
Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị 21 của Tỉnh ủy Quảng Bình mới đây nêu rõ, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lực lượng lao động nữ nói chung, cán bộ nữ nói riêng đối với sự phát triển của xã hội từng bước được khẳng định. Bình đẳng giới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đạt được những kết quả tiến bộ. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ được quan tâm hơn. Cán bộ nữ là lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tăng về số lượng và chất lượng.
Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Bình tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về giới và ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện để Hội LHPN cùng cấp đảm nhiệm một số nhiệm vụ trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Thực hiện tốt hệ thống luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ. Tích cực tham mưu các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể tiếp tục triển khai, thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới; nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ phụ nữ, xây dựng đội ngũ cán bộ nữ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu mới…