Cảnh báo bệnh nhân sốt xuất huyết không tự ý truyền dịch

Thứ ba, 19/09/2023 17:39
(ĐCSVN) - Những trường hợp này cảnh báo sốc sốt xuất huyết phải được phát hiện và điều trị tích cực bởi chỉ sau 4-6 tiếng, bệnh nhân có thể bị sốc sốt xuất huyết, khi đó người bệnh sẽ diễn biến nguy kịch rất nhanh, thậm chí tử vong.

Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tại đây đang điều trị một số bệnh nhân sốt xuất huyết rất nặng.

Hiện 2 cơ sở của bệnh viện đang theo dõi, điều trị 157 ca sốt xuất huyết điều trị, trong đó 40 bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo. Riêng Khoa Cấp cứu mỗi ngày khám trên dưới 50 ca sốt xuất huyết, trong đó có 3-5 ca nặng.

Trao đổi với báo chí, BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW cho hay, bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện có xu hướng tăng nhanh trong những ngày qua. Trung bình, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 4-5 trường hợp có dấu hiệu cảnh báo sốc sốt xuất huyết với biểu hiện: Đau bụng, đau tức vùng gan, chảy máu niêm mạc, tiểu cầu thấp, máu cô đặc.

Biểu hiện của bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Ảnh: TL. 

"Những trường hợp này cần phải được phát hiện và điều trị tích cực bởi chỉ sau 4-6 tiếng, bệnh nhân có thể bị sốc sốt xuất huyết, khi đó người bệnh sẽ diễn biến nguy kịch rất nhanh, thậm chí tử vong. Do đó, các cơ sở y tế và người bệnh phải chú ý để đến bệnh viện hoặc điều trị đúng, kịp thời, không tự ý truyền dịch tại nhà " - bác sĩ Cấp lưu ý.

ThS.BS Trần Văn Bắc, Phó Trưởng khoa Cấp cứu- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo: Bệnh nhân trong 3 ngày đầu thường sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, nên đi khám làm xét nghiệm chuẩn đoán mắc Sốt xuất huyết Dengue và xét nghiệm chỉ số Hematocrit nền.

Nên bù nước điện giải bằng đường uống (VD Oresol), hạn chế truyền dịch, không tự ý truyền dịch tại nhà.

Theo hướng "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue" được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước do Bộ Y tế ban hành, Bộ Y tế nêu rõ giai đoạn nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết thường vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh với các biểu hiện lâm sàng như: Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt.

Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh minh họa. Nguồn: TL.

Có thể có các biểu hiện sau: Đau bụng nhiều: đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là ở vùng gan. Vật vã, lừ đừ, li bì.  Gan to > 2cm dưới bờ sườn, có thể đau. Nôn ói. Biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24 - 48 giờ). Xuất huyết (Xuất huyết dưới da: Nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn hoặc mảng bầm tím; Xuất huyết niêm mạc như chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, đi ngoài (tiêu) phân đen hoặc máu, xuất huyết âm đạo hoặc tiểu máu; Xuất huyết nặng: chảy máu mũi nặng (cần nhét bấc hoặc gạc cầm máu), xuất huyết âm đạo nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng (phổi, não, gan, lách, thận)...)

Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như tổn thương gan nặng/suy gan, thận, tim, phổi, não.

Theo thống kê tuần 36/2023 cả nước ghi nhận 5.180 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1 trường hợp tử vong tại Hòa Bình. So với tuần trước số mắc tăng 0,5%. Trong đó, số nhập viện là 3.891, so với tuần trước, số nhập viện giảm 1,7%. Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 81.808 trường hợp mắc, 23 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (203.709/107) số mắc giảm 59,8%, tử vong giảm 84 trường hợp./.

Trung Kiên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực