Đẩy mạnh truyền thông, chăm sóc sức khỏe cho cựu chiến binh và học sinh

Thứ hai, 04/03/2024 17:22
(ĐCSVN) – Nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân, ngành y tế các địa phương đã triển khai các hoạt động như: Truyền thông, chăm sóc sức khỏe cho cựu chiến binh và học sinh; Khuyến cáo các biện pháp bảo vệ sức khỏe trong thời tiết nắng nóng; Chẩn đoán sàng lọc trước sinh và sơ sinh…

Điện Biên: Truyền thông, chăm sóc sức khỏe cho cựu chiến binh và học sinh

Từ ngày 4 – 6/3, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động truyền thông sức khỏe, khám, điều trị, phẫu thuật miễn phí và tặng quà cho cựu chiến binh, học sinh trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, các y, bác sĩ Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội đã tổ chức khám, điều trị và tặng quà cho gần 1.000 cựu chiến binh là chiến sĩ Điện Biên, cựu thanh niên xung phong trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các cựu chiến binh sẽ được khám, điều trị răng miệng, truyền thông về chăm sóc sức khỏe răng miệng và nhận quà tri ân gồm thuốc bổ, trang phục, tiền mặt…

 Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội đã tổ chức chương trình truyền thông, chăm sóc sức khỏe răng miệng và tặng quà cho các học sinh tại Điện Biên.

Cũng trong chuỗi hoạt động tại Điện Biên, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội đã tổ chức chương trình truyền thông, chăm sóc sức khỏe răng miệng và tặng quà cho học các sinh Trường Tiểu học xã Thanh An, Trường Tiểu học xã Noong Luống, (huyện Điện Biên) và Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (thành phố Điện Biên Phủ). Tại đây, các bác sĩ đã trực tiếp hướng dẫn các em học sinh cách chăm sóc vệ sinh răng miệng đúng cách và lựa chọn chế độ ăn uống phù hợp để có hàm răng chắc khỏe.

TP. Hồ Chí Minh: Khuyến cáo các biện pháp bảo vệ sức khỏe trong thời tiết nắng nóng

Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khu vực Nam Bộ đang bước vào giai đoạn nắng nóng gay gắt, kéo dài. Do đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) đã cảnh báo người dân cần chú ý chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, thời tiết nắng nóng kéo dài là nguyên nhân gây ra các vấn đề sức khỏe như say nắng, say nóng, bệnh hô hấp, đột quỵ… Nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi nắng nóng là người già, trẻ em, phụ nữ; những người lao động ngoài trời (công nhân, nông dân, vận động viên thể thao, bộ đội huấn luyện ngoài thao trường, nhân viên giao hàng); những người mắc các bệnh mãn tính về tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản, đái tháo đường, gan, ung thư...

Để bảo vệ sức khỏe trong những ngày nắng nóng kéo dài, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, người dân cần uống đủ nước, nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần. Cần hạn chế ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10-16 giờ. Nếu bắt buộc phải ngoài trời thì cần che chắn cơ thể cẩn thận, nhằm hạn chế tiếp xúc với nắng. Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp, không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột. Trước khi ra ngoài cần tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời. Bên cạnh đó, người dân nên tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, nên có món canh trong bữa ăn hàng ngày, uống đủ nước, song song với rèn luyện thể dục để nâng cao sức đề kháng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo những người phải làm việc dưới thời tiết nắng nóng, không nên làm việc quá lâu, tránh các hoạt động thể lực quá sức, nên nghỉ sau 45 phút hoặc một giờ làm việc, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát trong 5-10 phút. Đồng thời, những người thường xuyên lao động ngoài trời cần hạn chế diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, đặc biệt là vùng vai gáy bằng cách đội mũ, đeo kính, mặc đồ bảo hộ. Người dân có thể sử dụng thêm các loại kem chống nắng. Những người bị đổ nhiều mồ hôi cần cần uống thêm các loại nước có bổ sung thêm muối và khoáng chất như Oresol. Ăn uống đầy đủ dưỡng chất, vitamin là một cách tăng cường đề kháng để cơ thể mọi người khỏe mạnh.

 Cần Thơ: Nhiều tiến bộ trong chẩn đoán sàng lọc trước sinh và sơ sinh

Ngày 1/3, tại Cần Thơ, Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ phối hợp với Cục Dân số (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo khoa học “Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh Đồng bằng sông Cửu Long lần IX”.

Ông Nguyễn Hữu Dự, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ cho biết, Hội thảo nhằm hướng tới kỷ niệm 12 năm thành lập Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (thuộc Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ). Sự kiện thu hút hơn 600 đại biểu tham dự, với 3 phiên, 18 đề tài nghiên cứu khoa học được trình bày bởi các chuyên gia trong và ngoài nước có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, di truyền học. 

 Ông Nguyễn Hữu Dự, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ phát biểu tại sự kiện. 

Đánh giá về vai trò của Trung tâm sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số nhận định: Đây là trung tâm thứ 4/6 trung tâm cả nước được Cục Dân số thành lập và giao nhiệm vụ thực hiện Đề án nâng cao chất lượng dân số 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thông qua sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh. Qua 12 năm thành lập, đến nay, Trung tâm đã liên tục xây dựng mạng lưới, đào tạo nguồn lực và phát triển các kỹ thuật sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh bao phủ 12 tỉnh. Hằng năm, phát hiện và quản lý mới hàng ngàn trường hợp dị tật cần được can thiệp điều trị, hàng trăm ca có chỉ định phải chấm dứt thai kỳ được phát hiện qua chẩn đoán di truyền bằng các kỹ thuật hiện đại.

 Giai đoạn 2013-2023, tổng số thai phụ được sàng lọc trước sinh tại Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ và các tỉnh nằm trong dự án là 83.626 thai phụ, đạt trên 66% số thai phụ được sàng lọc trước sinh. Qua sàng lọc đã phát hiện 2.461 trường hợp bất thường, chiếm 1,5% - 2,2% số thai phụ sàng lọc và chấm dứt thai kỳ 819 trường hợp dị tật nặng chủ yếu là 4 bệnh tật phổ biến như: hội chứng Down, hội chứng Patau, hội chứng Edward, bệnh Thalassemia góp phần giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. 

Đối với Sàng lọc sơ sinh, từ năm 2013 đến năm 2023, có 443.094 trẻ được được sàng lọc sơ sinh tại bệnh viện và các tỉnh thành nằm trong dự án đạt 70% so với tổng số trẻ ra đời. Qua sàng lọc sơ sinh đã phát hiện 3.486 trẻ mắc bệnh, trong đó 3.015 trẻ mắc bệnh thiếu men G6PD, 111 trẻ bị tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, 202 trẻ bị suy giáp trạng bẩm sinh, điếc bẩm sinh 73 trẻ và 95 trẻ bị tim bẩm sinh. Các bệnh lý ở trẻ sơ sinh phát hiện qua sàng lọc đã được Trung tâm phối hợp với các tỉnh, thành nằm trong dự án quản lý và theo dõi điều trị.  

 Trong năm 2024, Bộ Y tế ban hành danh mục một số bệnh tật bẩm sinh được tầm soát và chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh thuộc gói dịch vụ cơ bản, gồm 9 bệnh, trong đó có 4 bệnh trước sinh là: Trisomy 13,18,21 và Thalasemie; 5 bệnh sơ sinh là: Thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, suy giáp bẩm sinh, tim bẩm sinh và khiếm thính./.

Khánh Thi (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực