Trong những năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam đều có sự tăng trưởng ổn định, bình quân tăng trên 15% cả về số lượng khách du lịch nội địa và khách quốc tế đến Việt Nam. Năm 2018 tiếp tục được đánh giá là một năm thành công của du lịch Việt Nam khi đón nhận khoảng 15,6 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ trên 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 620.000 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Du lịch, cả nước hiện có 1.985 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trong đó có 380 doanh nghiệp được cấp phép mới. Có 23.650 hướng dẫn viên, trong đó 14.932 hướng dẫn viên quốc tế, 8.456 hướng dẫn viên nội địa, 262 hướng dẫn viên tại điểm.
Khách quốc tế tham quan Việt Nam. Ảnh: PT
Chỉ tính riêng năm 2018, có 113 cơ sở lưu trú trong phân khách từ 3-5 sao được công nhận, trong đó 26 cơ sở lưu trú hạng 5 sao, 35 cơ sở lưu trú hạng 4 sao. Hiện nay, cả nước có 28.000 cơ sở lưu trú với trên 550.000 buồng phòng, tăng hơn 2.400 có sở lưu trú so với năm 2017. Trong số này, có 145 khách sạn 5 sao với 47.111 buồng, 267 khách sạn 4 sao với 35.467 buồng phòng.
Số lượng buồng phòng khách sạn 4 - 5 sao tăng nhanh thể hiện một phần việc khách quốc tế cao cấp, phân khúc thị trường có mức chi trả cao tăng. Đồng thời thể hiện khả năng cạnh tranh của Du lịch Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới cũng tăng nhanh.
Các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018 được tích cực triển khai, trong đó trọng tâm là công tác chuẩn bị tổ chức Diễn đàn Du lịch ASEAN ATF và Hội chợ Travex 2019 tại Quảng Ninh, phối hợp với tỉnh Quảng Ninh chủ động triển khai các sự kiện của ATF và Travex để trong tháng 1/2019, sự kiện quan trọng của ngành Du lịch sẽ diễn ra thành công.
Trong suốt năm 2018, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, phát động thị trường cũng được đẩy mạnh ở nhiều thị trường nguồn, thị trường trọng điểm của Du lịch Việt Nam như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Âu, Bắc Âu, ASEAN, New Zealand-Úc, Canada-Mỹ.... Ở trong nước, tổ chức thành công 2 hội chợ du lịch quốc tế VITM (Hà Nội) và ITE (TP. Hồ Chí Minh) với nhiều điểm mới so với những năm trước. Tham gia 7 hội chợ du lịch quốc tế lớn (CITM, Travex, ITB, MITT,WTM, Top Resa...)
Tổng cục Du lịch đã phối hợp tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia 2018 – Quảng Ninh với chủ đề “Hạ Long – Di sản, Kỳ quan – Điểm đến thân thiện”. Tổ chức lễ vinh danh tôn vinh 85 doanh nghiệp du lịch hàng đầu Việt Nam năm 2017, Hội thảo quốc tế về phát triển du lịch đường bộ Việt – Trung, Hội thảo quốc tế về du lịch tàu biển. Đồng thời đẩy mạnh phối hợp liên ngành, liên vùng, ký kết thỏa thuận hợp tác với các đơn vị liên quan. Hỗ trợ các địa phương trong việc xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch, qua đó thu hút thêm nhiều khách du lịch.
Đặc biệt, năm vừa qua cũng là năm du lịch Việt Nam nhận được rất nhiều các giải thưởng danh giá, uy tín trên thế giới, nổi bật nhất là giải thưởng “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á” tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới - World Travel Awards (WTA) khu vực châu Á và châu Úc năm 2018. Ngoài ra, rất nhiều các doanh nghiệp là tập đoàn, công ty, nhà hàng, khách sạn tại Việt Nam được vinh danh ở các hạng mục giải thưởng danh giá trên đấu trường quốc tế.
Các địa phương là trung tâm du lịch lớn của cả nước có tốc độ tăng trưởng mạnh như: TP. Hồ Chí Minh đón 36,5 triệu lượt khách, trong đó đạt 7,5 triệu lượt khách quốc tế; Hà Nội đón khoảng 28 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 5,5 triệu khách quốc tế, Quảng Ninh đón 12,5 triệu lượt khách, trong đó 5,3 triệu lượt khách quốc tế; Đà Nẵng đón 7,7 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt gần 3 triệu... Nhiều địa phương khác cũng đón lượng khách khá lớn, từ 6 triệu lượt khách trở lên: Khánh Hoà, Hải Phòng, Kiên Giang, Lâm Đồng, Quảng Nam, Thanh Hoá...
Tổng cục Du lịch cho biết, các địa phương tích cực phối hợp, liên kết để tổ chức các hội nghị hợp tác phát triển du lịch, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đem lại những trải nghiệm phong phú cho du khách trong và ngoài nước.
Năm 2019, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 103 triệu lượt khách, trong đó có 18 triệu khách quốc tế, phục vụ 85 triệu khách nội địa. Ngành du lịch cũng quyết tâm về đích trước 1 năm so với mục tiêu tại Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là đón thu hút 17-20 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 82 triệu lượt khách nội địa, đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD, tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp.
Để đạt được mục tiêu trên, trong năm 2019, ngành du lịch Việt Nam sẽ tập trung triển khai các Đề án của Chính phủ như: Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; Cơ cấu lại ngành Du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch; nâng cao hiệu quả của công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; Chiến lược tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050… Bên cạnh đó, ngành du lịch sẽ tiếp tục triển khai, hướng dẫn thực hiện Luật Du lịch và các văn bản quy định chi tiết; thực hiện các chính sách kích cầu du lịch, tăng cường nguồn lực đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam…
Với những kết quả khả quan trong năm 2018, các chuyên gia nhận định, ngành du lịch, lữ hành Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trưởng khi Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến du lịch hấp dẫn trên thế giới./.