Bắc Kạn: Huy động sức mạnh tổng lực phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi

Thứ năm, 24/11/2022 21:55
(ĐCSVN) - Giai đoạn 2021-2025, Bắc Kạn được phân bổ hơn 3.000 tỷ đồng, để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của tỉnh và của Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
 HTX DVSX Na Rì mở rộng sản xuất cây gừng và kiệu đến với các bản làng trong huyện.

 Những đổi thay đáng kể…

Bắc Kạn là tỉnh miền núi vùng cao nằm ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc, dân số của tỉnh khoảng 320.000 người, gồm 7 dân tộc chủ yếu (Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông, Hoa và Sán Chay), trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 88%.

Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vục II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc, tỉnh Bắc Kạn có: 34 xã khu vực I, 7 xã khu vực II và 67 xã khu vực III, 648 thôn đặc biệt khó khăn.

Do đại bộ phận các dân tộc sinh sống ở vùng cao với tài nguyên thiên nhiên phong phú, là nơi vừa có tiềm năng phát triển kinh tế, vừa đóng vai trò quan trọng đối với môi trường sinh thái của tỉnh. Nhiều vùng dân tộc còn là căn cứ địa cách mạng, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế song cũng là địa bàn hoạt động chủ yếu của các thế lực thù địch. Với vị trí chiến lược cả về kinh tế và quốc phòng như vậy, vùng đồng bào dân tộc hiện nay đang là mối quan tâm hàng đầu của mọi cấp, mọi ngành của tỉnh trong việc hoạch định và thực hiện các Chương trình cho đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, công tác dân tộc thường xuyên nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành từ đó các chương trình, chính sách đã được triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả.

Từ việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách dân tộc kết hợp với các chương trình khác đã góp phần làm cho kết cấu hạ tầng, kinh tế xã hội và đời sống nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, điều kiện sinh hoạt, trao đổi hàng hóa, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, văn hóa tinh thần, đi lại của người dân được tốt hơn, đến nay trên địa bàn tỉnh 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, 100% xã có điện lưới quốc gia, trên 90% số hộ được sử dụng điện lưới, gần 90% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% xã được phủ sóng điện thoại di động…

Đạt được những kết quả đó là do tỉnh đã tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ kết hợp với phát huy  thế mạnh của địa phương và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách của  Đảng và Nhà nước trong thời gian qua, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Phấn đấu trên 40% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bắc Kạn có: 34 xã khu vực I, 7 xã khu vực II và 67 xã khu vực III, 648 thôn đặc biệt khó khăn, 100% xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi điều này cho thấy tỉnh Bắc Kạn vẫn còn có rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội.

Đoàn thanh niên Công an Bắc Kạn tặng đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời cho bà con thôn Lủng Lầu, xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn.

Đồng chí Triệu Thị Thu Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho biết, do địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, nên việc thực hiện các chương trình, chính sách tư trước đến nay hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách trung ương giao, nhu cầu về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đầu tư cho cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất, y tế, văn hóa, giao dục... là rất lớn, vì vậy giai đoạn 2021-2025 tỉnh Bắc Kạn tiếp tục được Chính phủ hỗ trợ đầu tư nguồn lực từ Chương trình để đầu tư, hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển sản xuất; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em… từ nguồn vốn này là rất cấp thiết.

 Giai đoạn 2021-2025 Bắc Kạn được phân bổ hơn 3.000 tỷ đồng để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của tỉnh và của Chương trình mục tiêu quốc gia đã đề ra. Trong đó, phấn đấu thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%/năm; phấn đấu trên 40% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 80% xã có đường ô tô đến trung tâm xã đạt cấp 6 trở lên; 80% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; trên 98,5% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; phấn đấu đạt 80% số trường, lớp học và 100% trạm y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được xây dựng kiên cố; Phấn đấu đạt 90% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; Duy trì 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh. 

Nguồn vốn trên cũng để thực hiện việc bố trí, sắp xếp ổn định dân cư cho trên 200 hộ; Hỗ trợ đất sản xuất cho 314 hộ, đất ở cho 127 hộ, nhà ở cho 983 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 367 hộ, nước sinh hoạt cho 928 hộ đồng bào DTTS; tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 100%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học đạt trên 99%, trung học cơ sở đạt trên 95%, trung học phổ thông đạt trên 60%,  người từ 15- 60 tuổi đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt trên 90%; 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế;  Trên 90% phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số được phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về dân sự, hình sự, xử phạt vi phạm hành chính, hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống mua bán người. Phấn đấu 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số và đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh…)

Đồng chí Triệu Thị Thu Phương cho biết, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trên và để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình đồng bộ và có hiệu quả trên địa bàn tỉnh, chúng tôi xác định, trước hết cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình. Xác định mục tiêu của Chương trình là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, trên cơ sở  văn bản hướng dẫn của Trung ương, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về lãnh đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; tham mưu cho UBND Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025 và thành lập bộ phận giúp việc cho Ban Chỉ đạo; ban hành các Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn và hằng năm…và phân bổ nguồn vốn cho các đơn vị địa phương để thực hiện.

Huy động tối đa nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miên núi.

Ảnh: Bích Liên

Công tác tuyền truyền về chương trình được cấp ủy, chính quyền, địa phương chú trọng thực hiện bằng nhiều hình thức qua đó phần lớn các tầng lớp nhân dân, CBCCVC, NLĐ biết được mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ của Chương trình và mong muốn chương trình sớm được triển khai thực hiện…

Một số kinh nghiệm bước đầu từ triển khai Chương trình MTQG tại tỉnh

Cũng theo bà Triệu Thị Thu Phương, để tiếp tục tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Qua thực tiễn thực hiện, Bắc Kạn rút ra một số kinh nghiệm như sau:

Một là, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; nhất là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể; sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân... Có như vậy mới huy động được sức mạnh tổng hợp, huy động tối đa nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miên núi;

Hai là, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, chính sách, tập trung giải quyết các nhu cầu bức thiết của người dân, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ nhân dân phát triển kinh tế - xã hội ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ  tiếp thu, dễ làm; quy định trách nhiệm cụ thể đối với người đứng đầu trong thực hiện Chương trình;

Ba là, tăng cường công tác quản lý sử dụng nguồn vốn của Chương trình, đầu tư đúng địa bàn, đúng đối tượng, thực hiện tốt việc lồng ghép với các nguồn vốn khác;

Bốn là, thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo theo đúng quy định nhằm kịp thời tổng hợp, báo cáo những vướng mắc trong quá trình thực hiện ở cơ sở để có biện pháp tháo gỡ kịp thời.

Năm là, quan tâm kiện toàn hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và bố trí công chức có năng lực, phẩm chất làm việc tại cơ quan làm công tác dân tộc các cấp.

Sáu là, mọi vấn đề liên quan đến Chương trình phải được công khai, minh bạch, thống nhất từ thôn, tổ, hộ gia đình thuộc diện hưởng lợi điều đó sẽ thu hút sự đồng thuận từ nhân dân, huy động tối đa nguồn lực trong dân./.

QT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực