Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng vùng DTTS&MN

Thứ năm, 30/11/2023 14:04
(ĐCSVN) - Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; coi đây là một lĩnh vực quan trọng, đa mục tiêu, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa là dư địa để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đây cũng là nội dung Tiểu dự án 1, thuộc Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, đó là: Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân

Mục tiêu của Tiểu dự án này là tạo việc làm, thu nhập cho người dân làm nghề rừng; hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển kinh tế dưới tán rừng gắn với bảo vệ rừng bền vững tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Bắc Trà My (Quảng Nam) bảo vệ rừng gắn với phát triển sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số

Việc triển khai bảo vệ rừng gắn với sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số đã mở ra hướng đi mới, vừa góp phần vào việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vừa hạn chế tình trạng phá rừng làm nương rẫy, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Trên những cánh rừng Trà My, từ rừng, những vườn cây dược liệu được trồng mở rộng và phát triển với môi trường thiên nhiên, cho giá trị kinh tế cao, tạo nên “bước chuyển” mới trong tư duy canh tác theo hướng bền vững.

Những đặc ân của tự nhiên giúp người dân đổi dần cách nghĩ trong tư duy phát triển kinh tế, làm du lịch. Hướng đi này bây giờ đang được vận hành và nhân rộng, trở thành mô hình sinh kế kết hợp, không chỉ giúp nhiều diện tích rừng được bảo vệ, mà ngày càng có nhiều hộ dân đổi đời, làm giàu chính đáng. Từ trồng keo, chuối, lòn bon cho đến các loài cây dược liệu, những mô hình kinh tế vùng cao hiện nay đều gắn với câu chuyện chuyển đổi phương thức canh tác mới dưới tán rừng, đem lại giá trị kinh tế bền vững từ rừng.

Một góc xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My. Ảnh: Bùi Hữu Cường 

Điển hình như gia đình ông Bùi Văn Tới (thôn 2, xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) đã trồng hơn 4.000 cây lát hoa từ năm 2001. Đến nay, vườn cây lát hoa của gia đình ông Tới đã đến kỳ thu hoạch. Mỗi cây lát hoa có giá bán khoảng 5 triệu đồng. Để nhân rộng mô hình trồng cây lát hoa tại khu vực người Mường đang sinh sống, UBND xã Trà Giang cũng đã thực hiện mô hình ươm giống để trồng cây hàng năm. Xã Trà Giang đã trồng hơn 700 cây lát hoa tại khu vực núi Bãi Kẽm của địa phương. Đây là khu vực rất cần được trồng rừng, bảo vệ nguồn khoáng sản trên địa bàn. Lát hoa là loại cây gỗ lớn có giá trị đã được người Mường (xã Trà Giang) trồng khôi phục để bảo vệ rừng.

Chị Nguyễn Thị Nữ (ở thôn 1, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My) đã cùng chồng nỗ lực học hỏi về kỹ thuật trồng, cách chăm sóc cây gỗ lớn. Sau khoảng từ 5 - 7 năm đủ độ tuổi, thương lái đã thu mua và với giá bán hiện tại vào khoảng 10 - 12 triệu đồng/tấn, trừ hết mọi chi phí, gia đình chị đã thu về số tiền lãi lên hơn 200 triệu đồng. Cùng chị Nữ, nhiều hộ dân tại huyện miền núi Bắc Trà My đã từng bước tháo gỡ được nút thắt trong việc tìm hướng thoát nghèo thông qua mô hình trồng cây keo. Hiểu được giá trị kinh tế từ việc trồng rừng đem lại, gia đình anh Lê Đình Quân (trú tại thôn 2, xã Trà Giang) đã mạnh dạn đầu tư vào trồng hơn 20ha keo. Kết hợp với các mô hình nuôi bò, gà, vịt và trồng thêm các loại cây ăn quả như: cam sành, bưởi da xanh tại nhà, đã giúp gia đình anh Quân thu nhập được hơn 120 triệu đồng/năm. Qua đó, không những giúp gia đình anh thoát nghèo, mà còn trở thành một trong những hộ khá giả trong vùng.

Chính quyền địa phương cho biết, sẽ có khoảng 6.000ha rừng gỗ lớn được trồng tại các khu vực cần phục hồi nguồn nước, các đồi núi có công trình công cộng, khu dân cư sinh sống dưới chân đồi, các khu vực sạt lở, nguy cơ sạt lở trên địa bàn các xã, thị trấn ở huyện Bắc Trà My. Các loại cây gỗ lớn được trồng sẽ có lim xanh, dổi xanh, ươi, huỷnh, chò nâu... và các loài cây bản địa khác.

Cùng với đó, việc sử dụng hiệu quả diện tích dưới tán rừng để phát triển dược liệu, các loài cây lâm sản ngoài gỗ theo định hướng lấy ngắn nuôi dài, cải thiện sinh kế cho người dân. Nhân dân sẽ được khuyến khích chuyển đổi từ trồng keo sang trồng rừng gỗ lớn và dược liệu để được hỗ trợ bằng chính sách của Nhà nước theo quy định.

Việc lồng ghép các mô hình phát triển sinh kế, chăn nuôi nông hộ, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ cây giống, vật nuôi, lấy ngắn nuôi dài cũng góp phần ổn định đời sống cho người dân. Đồng thời, chính quyền huyện Bắc Trà My cũng đã tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng một cách bền vững. Việc phát triển rừng trồng cây lấy gỗ nguyên liệu phải đi đôi với bảo vệ, khoanh nuôi hiệu quả diện tích rừng phòng hộ, trồng và khai thác các sản phẩm dưới tán rừng, duy trì diện tích trồng cây nguyên liệu, đặc biệt là cây keo đã trở thành sinh kế của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Những câu chuyện thành công từ việc trồng rừng ở Gia Lai

Gia Lai có diện tích đất lâm nghiệp chiếm hơn 70% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Tuy nhiên, do khai thác quá mức, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phá rừng trái phép, diện tích rừng tự nhiên của tỉnh đã giảm sút nghiêm trọng trong những năm qua. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lợi lâm sản, mà còn gây ra những hậu quả tiêu cực về môi trường và đời sống người dân.

 Người dân trên địa bàn xã Đắk Pling khai thác rừng trồng. Ảnh: Thiên Ân

Để khắc phục tình trạng này, trong những năm gần đây, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, khuyến khích người dân tham gia trồng rừng phát triển kinh tế và bảo vệ rừng. Đặc biệt, ở những vùng đất nghèo, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc trồng rừng đã giúp nhiều hộ dân thay đổi cuộc sống, thoát khỏi cảnh nghèo khó. Một ví dụ điển hình là ở huyện Kông Chro, một trong những huyện có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Gia Lai. Tại đây, trồng rừng đã trở thành “đòn bẩy” giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững, thậm chí vươn lên làm giàu.

Một số xã có diện tích rừng lớn của huyện Kông Chro là Đắk Song, Đắk Pling và Đắk Pơ Pho. Tại các xã này, người dân đã được cấp phát đất lâm nghiệp để trồng rừng kinh tế với các loại cây có giá trị cao như keo lai, bồ đề, bạch đàn, quế... Nhờ có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội, các cơ quan chức năng của địa phương và các tổ chức xã hội, người dân đã được vay vốn ưu đãi để mua cây giống, chăm sóc rừng và trồng xen các loại cây ngắn ngày như mì, bắp, đậu, khoai... để tăng thu nhập.

Sau 5-6 năm trồng rừng, người dân đã thu hoạch được gỗ và bán được cho các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn. Mỗi héc ta rừng trồng có thể mang lại từ vài chục đến cả trăm triệu đồng cho người dân. Ngoài ra, người dân còn được hưởng các chính sách hỗ trợ khác như chi phí công tác khuyến lâm, cấp chứng chỉ rừng bền vững, khoán quản lý, bảo vệ rừng...

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Song Trịnh Xuân Trường, thời gian qua, chính quyền xã thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân kê khai đất lâm nghiệp để đăng ký trồng rừng; tích cực thu hồi diện tích đất lâm nghiệp lấn chiếm để khuyến khích người dân trồng rừng, chăm sóc và phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế bền vững.

Không chỉ ở Kông Chro, việc trồng rừng kinh tế cũng được triển khai ở nhiều địa phương khác của tỉnh Gia Lai như Đắk Đoa, Đắk Pơ, Chư Păh... Nhờ có sự quan tâm của tỉnh và các cấp chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức xã hội, người dân đã được tiếp cận với các chính sách ưu đãi để phát triển kinh tế rừng. Đây là một việc làm ý nghĩa để bảo vệ nguồn lợi lâm sản và duy trì sự cân bằng sinh thái.

Ngôi làng “không ván” nơi đại ngàn

Cũng nằm giữa rừng, cũng dựa lưng vào núi, nhưng làng Bar Gốc (xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) lại không giống với bao ngôi làng khác nơi đại ngàn, bởi phải “đỏ mắt” tìm mới thấy một nếp nhà sàn bằng ván cũ kỹ ở đây.

 Một góc làng Bar Gốc. Ảnh: Thanh Tùng

Làng Bar Gốc nằm ở chân núi Chư Nang Brai (Vườn Quốc gia Chư Mom Ray), nơi chở che nhiều thế hệ người Gia Rai bao đời nay đã sinh sống dưới tán rừng này. Cũng bởi chỉ trông chờ vào rừng nên vào mùa giáp hạt hay những tháng mùa mưa, không thể lên rừng kiếm lâm sản, hoặc kiếm được cũng khó ra khỏi rừng để đổi hàng vì đường sá cách trở, bà con Bar Gốc thường xuyên thiếu đói, cơm độn củ mỳ cũng không đủ no.

Bar Gốc lúc bấy giờ nghèo điện, nghèo đường, nghèo thông tin, nghèo ăn mặc. Họ sống phụ thuộc hoàn toàn vào rừng. Rừng che chở họ, cho họ tất cả, nuôi họ bằng mật ong, rau rừng, cá suối..., cho họ đất trồng mì, trồng bắp. Và dân làng Bar Gốc nghĩ rằng, họ sẽ không bao giờ ra khỏi rừng, sẽ sống mãi cùng ngôi nhà sàn bằng ván trong cảnh thiếu thốn trăm bề. Mãi cho đến khi Đảng và Nhà nước thực hiện chủ trương định canh, định cư, vận động dân làng Bar Gốc ra khỏi vùng lõi Vườn Quốc gia Chư Mom Ray đến vị trí mới, cách làng cũ hơn 1km thì Bar Gốc mới có một cuộc sống khởi sắc.

Già A Súp bộc bạch: Đó là lần di dân lịch sử đối với dân làng Bar Gốc, giúp bà con thoát khỏi tư tưởng rừng là tất cả. Khi bà con hay tin phải di dời khỏi rừng đến một nơi khác, không một ai bằng lòng. Họ sợ rằng, ra khỏi rừng, cuộc sống sẽ không còn ai che chở, lo cho miếng ăn hằng ngày. Và rồi, được sự vận động, tuyên truyền tích cực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương, cùng những lần nhận hỗ trợ cứu đói từ Nhà nước, bà con dần thay đổi suy nghĩ. Rời làng cũ, về làng mới, dân làng Bar Gốc mang theo những bộ khung nhà sàn, những vật dụng từ rừng... cùng niềm tin vào Đảng và Nhà nước, hy vọng về một cuộc sống đủ đầy.

Để Bar Gốc bước đầu tái sinh trên vùng đất mới, Nhà nước đã đầu tư xây dựng điện, đường, hỗ trợ đất canh tác lúa nước ven ranh rừng. Cùng với đó là xây dựng kênh thủy lợi dẫn nước về tận ruộng lúa. Có nước là có sự sống, từng dòng nước xanh mát chảy về làng mới, lúa xanh mướt vươn lên...

Có điểm tựa đầu tiên, dân làng Bar Gốc tiếp tục phát triển kinh tế. Họ khai hoang đất không thuộc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray để canh tác, họ học nghề, họ cần mẫn kiếm thêm việc làm những lúc trái mùa. Theo đó, những vườn cao su, cà phê đua nhau mọc lên, nhất là sau những lần chính quyền vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đồng thời, hỗ trợ giống, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con. Đến nay, làng Bar Gốc có gần 200ha các loại cây nông, lâm nghiệp, cùng với đó, bà con còn chăn nuôi gia súc, gia cầm để tăng thêm thu nhập.

Ngoài ra, bà con học cách chi tiêu tiết kiệm để xây những ngôi nhà gạch kiên cố thay thế những ngôi nhà ván xuống cấp. Vì họ biết rằng, không thể cưa gỗ rừng làm nhà và phải bảo vệ rừng như bảo vệ chính cuộc sống của họ.

Từ một ngôi làng nghèo nàn, không điện, không đường, cuộc sống chỉ quanh quẩn trong rừng núi, giờ đây, nhà nào ở Bar Gốc cũng có của ăn, của để, con em được đến trường học tập đầy đủ, người đau ốm được đến trạm y tế, bệnh viện điều trị.

Nói về làng Bar Gốc, ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Mom Raychia sẻ: Hơn 20 năm gắn bó với Vườn Quốc Gia Chư Mom Ray, tôi chứng kiến sự thay đổi từng ngày của làng Bar Gốc. Bà con Bar Gốc rất chịu khó, cần mẫn lao động và luôn chấp hành luật pháp, đặc biệt là trong công tác bảo vệ rừng. Toàn làng Bar Gốc có 36 hộ tham gia bảo vệ 840ha rừng, các hộ chia thành 6 nhóm và mỗi tháng, một hộ tham gia tuần tra rừng 4 lần cùng cán bộ Trạm quản lý bảo vệ rừng Bar Gốc. Trung bình một năm, mỗi hộ nhận khoảng 15 - 18 triệu đồng từ việc bảo vệ rừng, góp phần cải thiện đời sống./.

Nhật Mai (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực