Xây dựng các mô hình gắn kết quân dân để giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS&MN

Thứ bảy, 25/11/2023 20:48
(ĐCSVN) - Nhằm chung tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cụ thể là Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 3 về mô hình quân dân gắn kết, thời gian qua, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã triển khai nhiều phần việc ý nghĩa để tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho người dân nơi biên giới, đồng thời giúp các em học sinh vùng DTTS có thêm cơ hội được học tập.

Mục tiêu của Dự án 3, Tiểu dự án 3, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là xây dựng các mô hình gắn kết quân dân, mô hình giảm nghèo bền vững gắn phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng thế trận phòng thủ và thế trận bảo đảm hậu cần tại các địa bàn chiến lược. Trong đó, gồm các nội dung về hỗ trợ các dự án, mô hình chăn nuôi, mô hình trồng trọt (phát triển cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng của từng vùng, miền; và triển khai chương trình “Cán bộ, chiến sỹ quân đội nâng bước em tới trường" để kịp thời hỗ trợ các em trong độ tuổi đi học (từ lớp 1 đến lớp 12) là người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở khu vực biên giới, có hoàn cảnh khó khăn được đến trường học tập.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng ở các địa phương chung tay giúp đỡ đồng bào bằng nhiều việc làm thiết thực, góp phần tăng cường tình đoàn kết, gắn bó quân dân. Ảnh: Tiêu Dao 

Khởi sắc từ những mô hình sinh kế giúp người dân biên giới thoát nghèo

Trong 2 năm qua (2021 - 2022), Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Kon Tum đã giúp đồng bào DTTS trên khu vực biên giới (KVBG) thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần giảm nghèo bền vững.

Với diện tích tự nhiên gần bằng ½ tổng diện tích của toàn tỉnh Kon Tum, trong khi dân số hiện chỉ chiếm khoảng dưới 12%, có thể nói, KVBG tỉnh Kon Tum là địa bàn có mật độ dân cư “mỏng” nhất của một tỉnh “đất rộng, người thưa” thứ 2 toàn quốc (sau tỉnh Lai Châu). Đây cũng là khu vực tập trung 75,6% đồng bào DTTS sinh sống trên 99 thôn làng, thuộc 13 xã, 4 huyện là: Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy và Ia H'Drai. Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm chăm lo sâu sắc của Đảng, Nhà nước, đời sống của người dân KVBG tỉnh Kon Tum đã có những bước phát triển.

Câu chuyện gia đình ông A Liên ở thôn Giang Lố 1, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi là minh chứng điển hình cho tính hiệu quả trong tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ bà con nhân dân chuyển đổi phương thức sản xuất của những người lính Biên phòng. Cùng với việc hỗ trợ con giống phát triển chăn nuôi, Đồn Biên phòng Sa Loong (BĐBP Kon Tum) đã khởi động mô hình trồng lúa nước. Mọi công đoạn từ đào đất, lật cỏ, chọn giống, bỏ phân đều là một bài học, không chỉ dành riêng cho các thành viên trong gia đình, mà còn là nơi để bà con DTTS Xê Đăng trong vùng tiếp cận học hỏi. Trong ngày thu hoạch vụ lúa đầu tiên, ông A Liên đã phải ngỡ ngàng thốt lên: “Mình không bao giờ nghĩ chỉ với 4 sào đất mà lại thu về được hơn 60 bao lúa. Như vậy, mỗi năm làm 2 vụ, ít nhất nhà mình sẽ có được 6 tấn lúa, trong khi trước đây năm nào thuận lợi nhất cũng chỉ được 6 tạ mà thôi. Nếu không có BĐBP giúp đỡ, chắc chắn nhà mình sẽ không bao giờ làm được như thế...”.

Những câu chuyện như gia đình A Liên xuất hiện trên khắp 99 thôn làng thuộc KVBG của tỉnh Kon Tum. Điều này càng chứng minh vai trò không thể thiếu của BĐBP và tính hiệu quả của chiến dịch thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững trên KVBG. Qua việc triển khai thực hiện các chương trình, mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, BĐBP Kon Tum đã từng bước vận động đồng bào xóa bỏ những tập tục lạc hậu, huy động đóng góp hàng tỷ đồng xây dựng nhà ở, trao tặng sinh kế, hỗ trợ cây con giống, trợ giúp học đường cho người nghèo trên địa bàn biên giới, trực tiếp đồng hành, giúp đỡ nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tương tự, tại huyện A Lưới, những ngôi nhà san sát và màu xanh của những nương ngô, vườn dứa bạt ngàn là minh chứng cho mồ hôi, công sức và tình yêu thương của những người lính mang quân hàm xanh BĐBP Thừa Thiên Huế đã dựng xây. Bằng tâm huyết, trách nhiệm của BĐBP và sự nỗ lực của người dân, các mô hình sinh kế tại huyện A Lưới đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận, từng bước giúp đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây vươn lên xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Từ việc hỗ trợ ngan giống và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân đã giúp gia đình chị Lê Thị Khêm, ở xã Trung Sơn, huyện A Lưới mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Ảnh: Võ Tiến 

A Lưới là huyện miền núi biên giới có 4 đồn Biên phòng đóng quân (Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, Đồn Biên phòng Nhâm và Đồn Biên phòng Hương Nguyên). Sau thời gian triển khai, các mô hình sinh kế do Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, BĐBP Thừa Thiên Huế hỗ trợ cho người dân khu vực biên giới xã Trung Sơn, huyện A Lưới đã mang lại những tín hiệu tích cực, từng bước giúp người dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Xã Trung Sơn có 5 thôn với 919 hộ/3.296 nhân khẩu, trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm 95%. Địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, đời sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Xác định nâng cao dân trí, phát triển kinh tế - xã hội, giúp người dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân đã triển khai nhiều mô hình, việc làm thiết thực như: Mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Con nuôi đồn Biên phòng”, “Nâng bước em tới trường”...

Để tạo sinh kế, tìm hướng đi mới giúp đồng bào nơi đây phát triển kinh tế, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân đã thí điểm mô hình sinh kế cho 26 gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Trung Sơn. Với hơn 1.500 con giống ngan, lợn ban đầu, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân đã phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát, hỗ trợ con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Sau hơn 4 tháng triển khai, các mô hình trao “cần câu” cho bà con đã mang đến những tín hiệu tích cực. Nhiều gia đình đã có bước phát triển mới, tìm ra hướng đi để phát triển kinh tế hộ gia đình. Đặc biệt hơn, có nhiều gia đình không nằm trong diện được hỗ trợ cũng đã học tập, bắt tay vào thực hiện các mô hình để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo ở KVBG.

Thiếu tá Nguyễn Thành Thái, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân cho biết thêm, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn thực hiện tốt phương châm “ba bám, bốn cùng” nên thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của người dân. Từ những kết quả thu được của các mô hình, thời gian tới, đơn vị sẽ nhân rộng sang các xã khác để tạo sinh kế cho người dân phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry, BĐBP Quảng Nam được xem như những người con thực thụ của bản làng khi cùng ăn, cùng ở, cùng tham gia phát triển kinh tế, ổn định trật tự xã hội... Nơi nào có mặt họ, nơi đó, cuộc sống của người dân luôn được yên bình và đổi khác. Vì thế, không lạ khi nghe đồng bào biên giới đặt cho cán bộ, chiến sĩ của đơn vị danh xưng “Bộ đội của dân làng”.

Các hoạt động thiết thực như hỗ trợ hơn 15ha cây đẳng sâm, cùng hàng nghìn vịt xiêm giống và các mô hình phát triển chăn nuôi, trồng lúa nước, cam bản địa... đã tạo sinh kế mới giúp đồng bào ổn định cuộc sống. Nhiều mô hình được triển khai, nhanh chóng trở thành sản phẩm chất lượng, nhất là trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi; phát triển cây dược liệu, góp thêm màu xanh dưới tán rừng.

Tại xã A Xan (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), những năm qua, Đồn Biên phòng A Xan đã trao heo đen cho 7 hộ gia đình tham gia vào mô hình hỗ trợ sinh kế “Nuôi heo đen bản địa”. Mỗi hộ gia đình trên địa bàn xã A Xan được nhận 3 con heo (2 cái, 1 đực) cùng thức ăn tổng hợp, thuốc khử khuẩn chuồng trại, vật liệu liên quan trong quá trình chăm sóc heo. Không chỉ thế, các cán bộ, chiến sĩ BĐBP còn hướng dẫn người dân trồng lúa nước 2 vụ, vừa đảm bảo lương thực, vừa có thể bán để nâng cao điều kiện kinh tế.

Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, những năm qua, BĐBP Đắk Lắk đã thực hiện và nhân rộng nhiều chương trình, mô hình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, mang lại hiệu quả thiết thực.

Buôn Đrang Phôk nằm trọn trong vùng lõi Vườn Quốc gia Yok Đôn, trên địa bàn xã Krông Na, huyện biên giới Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Buôn có 138 hộ, gồm 8 dân tộc thiểu số sinh sống.

Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk và Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động đã đóng góp nhiều ngày công làm hệ thống kênh mương nội đồng kiên cố bằng bê tông để tưới tiêu cho cánh đồng lúa. Đồng thời, Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện vận động đồng bào chuyển từ trồng một vụ sang trồng hai vụ lúa nước; hướng dẫn nhân dân cải tạo đất, cách gieo trồng, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, cung cấp giống... Nhờ có cánh đồng lúa nước do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk giúp xây dựng hệ thống tưới tiêu và hướng dẫn kỹ thuật canh tác hai vụ mà người dân trong buôn Đrang Phôk đã có đủ lương thực.

Bà H’Son M’lô (buôn Đrang Phôk, xã Krông Na, huyện biên giới Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) hồ hởi khoe: "Năm nay, gia đình tôi thu được 4 tấn thóc, để lại 2 tấn đã đủ ăn cho 7 người trong cả năm, còn lại đem bán, thu được 14 triệu đồng. Cảm ơn các chú Đồn Biên phòng Sê Rê Pôk đã giúp bà con trong thôn vừa có lương thực, vừa có tiền chi tiêu".

Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy BĐBP Đắk Lắk cho biết: "Thời gian qua, BĐBP tỉnh đã triển khai thực hiện và nhân rộng nhiều chương trình, mô hình giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, mang lại hiệu quả thiết thực.

Khu vực biên giới của tỉnh Hà Giang có 32 xã, 2 thị trấn với 346 thôn. Đây là nơi sinh sống của trên 25 ngàn hộ dân thuộc 19 dân tộc, trong đó, dân tộc Mông chiếm gần 60%. Do địa hình, thời tiết phức tạp, giao thông chưa thuận lợi và trình độ dân trí còn hạn chế nên đời sống của đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số KVBG Hà Giang vẫn còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao.

Trước thực trạng trên, nhằm chia sẻ phần nào khó khăn trong cuộc sống của bà con, BĐBP Hà Giang đã phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực trong đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc ở khu vực biên giới.

Được biết, Đồn Biên phòng Xín Cái phụ trách 2 xã Xín Cái và Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc. Do nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan, nên 2 xã này vẫn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Chia sẻ với bà con trong địa bàn, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xín Cái đã trích lương và vận động các mạnh thường quân hỗ trợ 13 gia đình nghèo về cây giống, con giống. Cùng với đó là giúp hàng trăm ngày công, phối hợp với địa phương tu sửa, làm mới đường bê tông liên thôn, kênh dẫn nước và một số công trình dân sinh.

 Góp phần tích cực vào công tác xã hội hóa giáo dục và công bằng xã hội về học tập

Chỉ huy Đồn Biên phòng Phó Bảng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang cùng lãnh đạo 5 xã và các trường trao tặng quà cho các cháu học sinh là "Con nuôi Đồn Biên phòng". Ảnh: Ma Minh 

Kế thừa và phát huy hiệu quả thiết thực của Chương trình “Nâng bước em đến trường - Con nuôi đồn Biên phòng”, đồng thời chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các đồn Biên phòng thuộc BĐBP Cao Bằng tiếp tục tổ chức triển khai Dự án “Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường” giai đoạn 2021-2030.

Ngay từ khi nhận được kế hoạch của cấp trên về việc triển khai Dự án, các đơn vị trong BĐBP tỉnh đã chủ động phối hợp với địa phương hỗ trợ 250 cháu học sinh dân tộc thiểu số đang sinh sống ở KVBG có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Trung tá Vũ Văn Dương, Chính trị viên, Đồn Biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh, BĐBP Cao Bằng cho biết: Dự án “Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường” là một chương trình lớn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Dự án này, ngay sau khi nhận được kế hoạch của Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, Đảng uỷ, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh đã kịp thời bổ sung những chủ trương, biện pháp lãnh đạo để tổ chức thực hiện trong đơn vị được hiệu quả. Qua đó, tăng cường thêm tình đoàn kết gắn bó quân dân, cùng với cán bộ, chiến sĩ BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình mới.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, BĐBP Nghệ An được giao triển khai thực hiện Dự án 3, Tiểu dự án 3: “Phát triển kinh tế xã hội - mô hình bộ đội gắn với dân bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm xây dựng các mô hình gắn kết quân dân, mô hình giảm nghèo bền vững gắn phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng thế trận phòng thủ và thế trận bảo đảm hậu cần tại các địa bàn chiến lược”. Thực hiện nội dung hoạt động hỗ trợ các em học sinh trong Dự án “Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em đến trường”, BĐBP Nghệ An đã nhận đỡ đầu 185 em học sinh là con của các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở KVBG.

Tương tự, thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”, BĐBP Hà Giang đã hỗ trợ 100 cháu học sinh; duy trì nuôi 8 cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để các cháu có điều kiện tiếp tục ăn học tại 6 đồn Biên phòng; chăm lo hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học cho các trường vùng khó khăn. Chỉ tính riêng năm 2022, các đồn Biên phòng đã phối hợp với các nhà trường trên địa bàn biên giới đóng góp ngày công xây, sửa trường, lớp học trị giá 115 triệu đồng, vận động học sinh trở lại trường học 85 cháu, tặng sách vở, dụng cụ học tập trị giá 15,3 triệu đồng. Qua đó, góp phần tích cực vào công tác xã hội hóa giáo dục và công bằng xã hội về học tập.

Có thể nói, Dự án “Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường” đã kịp thời chia sẻ với các học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn biên giới, động viên con em đồng bào dân tộc thiểu số vượt khó, vươn lên trở thành con ngoan, trò giỏi và những công dân có ích cho xã hội trong tương lai; thiết thực chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030./.

Tâm Quyên (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực