|
Bảo tồn nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer tại Sóc Trăng. (Ảnh: CTV) |
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của tỉnh; đồng thời, giảm dần số xã, ấp đặc biệt khó khăn; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân...
Qua hai năm triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn Sóc Trăng, đến nay có 15/35 mục tiêu, chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 và có 16/24 chỉ tiêu; 21/35 chỉ tiêu cụ thể đạt và vượt so với năm 2022, các chỉ tiêu còn lại bảo đảm đúng lộ trình và dự kiến đến năm 2025 thực hiện đạt các chỉ tiêu nghị quyết và kế hoạch đã đề ra. Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022 - 2023 trên địa bàn Sóc Trăng là hơn 654,1 tỷ đồng. Kết quả giải ngân vốn lũy kế đến ngày 30/6/2023 là hơn 222 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương gần 207,5 tỷ đồng, đạt 35,64% kế hoạch, ngân sách địa phương gần 14,6 tỷ đồng, đạt 21,67% kế hoạch.
Thời gian qua, được sự quan tâm của Trung ương trong việc hỗ trợ vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025, tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư nhiều công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu; từ đó, diện mạo vùng nông thôn ngày càng khởi sắc và làm đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc.
|
Các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Sóc Trăng đều có đường ô tô đến trung tâm xã. (Ảnh: Vũ Châu) |
Tiêu biểu như tại huyện Long Phú, nhờ thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025, đời sống đồng bào Khmer trong huyện ngày càng khởi sắc.
Theo đồng chí Thạch Hoàng Tha, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Long Phú, toàn huyện có 9 xã, 2 thị trấn với 61 ấp, trong đó có 2 xã khu vực III, 2 xã khu vực I và 12 ấp đặc biệt khó khăn thụ hưởng Chương trình.
Để thực hiện Chương trình đạt hiệu quả cao, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện Long Phú đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, tác động tích cực đến nhận thức của cán bộ và người dân. Từ công tác tuyên truyền đã phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong thực hiện Chương trình. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong huyện luôn phát huy vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung các nguồn lực, giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình và các chương trình, dự án chính sách dân tộc có liên quan.
Từ năm 2022 đến nay, huyện Long Phú đã tập trung triển khai hỗ trợ Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Qua đó, đã triển khai xây dựng 49 căn nhà ở cho hộ Khmer nghèo từ nguồn vốn được phân bổ năm 2022 và tiếp tục giải ngân trên 2,8 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho hộ đồng bào Khmer nghèo từ nguồn vốn được phân bổ năm 2023; đồng thời, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho trên 200 hộ đồng bào Khmer với kinh phí trên 2 tỷ đồng và hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 65 hộ với kinh phí gần 200 triệu đồng. Huyện cũng đã giải ngân 740 triệu đồng hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 3 của Chương trình và dự kiến sẽ tiếp tục triển khai thực hiện 3 mô hình ở 3 xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tổng kinh phí thực hiện trên 2,4 tỷ đồng.
Từ các dự án của Chương trình đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số. Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc Khmer chiếm 11,69% tổng số hộ Khmer trong huyện.
Song song với đó, huyện Long Phú đã quan tâm tổ chức triển khai thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc thuộc Chương trình. Trong năm 2022, huyện đã giải ngân thực hiện xây dựng 8 công trình giao thông nông thôn với kinh phí thực hiện trên 5,9 tỷ đồng và những tháng đầu năm 2023 đã giải ngân trên 7,3 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu ở ấp, xã đặc biệt khó khăn trong tổng số vốn được phân bổ năm 2023 là 8,6 tỷ đồng (tương đương 9 công trình giao thông). Bên cạnh đó, huyện cũng đã giải ngân trên 1 tỷ đồng thực hiện duy tu, bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng tại địa phương.
Nhiều công trình giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng đã tạo diện mạo khởi sắc cho vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân địa phương.
Ngoài ra, Phòng Dân tộc đã phối hợp tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc, giải ngân trên 300 triệu đồng thực hiện việc sửa chữa, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy nghề đối với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; từ đó, góp phần thực hiện Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thuộc Chương trình.
Nhờ sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện, việc triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn huyện Long Phú đã đạt nhiều kết quả tích cực. Cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số từng bước hoàn thiện, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện không ngừng được nâng lên./.