Xã miền núi Ngân Thủy (Quảng Bình) đổi thay nhờ phát triển du lịch
|
Du lịch khám phá tự nhiên là một hướng phát triển kinh tế của Quảng Bình |
Ngân Thủy là xã miền núi của huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình có đông đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống. Trước đây, nói đến Ngân Thủy, ai cũng nghĩ ngay đến một vùng đất nhiều khó khăn, giao thông cách trở. Thế nhưng từ khi tận dụng được các thế mạnh về cảnh quan mà thiên nhiên ban tặng, bà con đã tích cực tham gia sản xuất, bảo tồn nét đặc trưng của văn hóa địa phương, phát triển nhiều loại hình du lịch, từng bước cải thiện đời sống.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy cho biết, công tác xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả cao là nhờ địa phương biết phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng đất. Từ khi có Ðoàn Kinh tế - quốc phòng 79 của Binh đoàn Tây Nguyên về đóng quân và khai thác đất trồng cây cao-su, nhiều con em của xã đã thành công nhân quốc phòng có tay nghề và biết nghĩ rộng để thoát nghèo. Kết cấu hạ tầng của xã nhờ thế được đầu tư hoàn chỉnh hơn. Xã vận động người dân trồng lúa nước, phục hồi giống nếp than bản địa, thực hiện các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Được biết, vụ đông xuân năm nay, lần đầu tiên xã miền núi này đạt sản lượng lúa gần 450 tấn, trong đó giống nếp than là nông sản đặc thù có giá bán cao. Có lúa nước để ổn định lương thực, đồng bào Vân Kiều ở Ngân Thủy phát triển thêm chăn nuôi gia súc dưới tán rừng, đào 23,5ha ao hồ nuôi cá và trồng rừng kinh tế. Ở Ngân Thủy đã xuất hiện nhiều tấm gương vượt khó thoát nghèo và vươn lên làm giàu, trong đó một số hộ là đồng bào Vân Kiều vốn trước đây chỉ quen với phương thức phát - đốt - cốt - trỉa.
Tuy có nhiều khó khăn về đời sống xã hội song Ngân Thủy lại có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên khi nơi đây được ban tặng nhiều hang động kỳ bí, các cánh rừng đại ngàn hoang sơ hùng vĩ, khe suối thác nước trong xanh, bao quanh là nhiều thảo nguyên bao la được nhiều người lựa chọn tìm hiểu và khám phá như: điểm văn hóa bản làng của người dân tộc Vân Kiều, hang Đại tướng, khe Nước lạnh… Tận dụng để phát triển những sản phẩm du lịch, khám phá thiên nhiên và văn hóa cộng đồng của người Vân Kiều tại nơi đây hứa hẹn là thế mạnh để phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Văn Hùng cũng cho hay, trong thời gian tới Đảng ủy và UBND xã Ngân Thủy tiếp tục phát triển kinh tế xã hội dựa trên các tiềm năng thế mạnh của địa phương như trồng rừng, chăn nuôi và đặc biệt là du lịch giúp bà con xóa đói, giảm nghèo ổn định đời sống.
Ka Tăng (Quảng Trị) - vươn lên làm giàu ngay trên chính bản làng mình
|
Từ đa dạng cách làm kinh tế phù hợp với thực tế địa phương, hộ gia đình, đồng bào bản Ka Tăng đã thoát được nghèo một cách bền vững. Ảnh: baodantoc.vn |
Bản Ka Tăng có tổng diện tích hơn 718.000m2, gồm 4 tổ với hơn 230 hộ và chủ yếu là người Pa Cô, Vân Kiều. Ông Hồ Văn Pổ - Khóm trưởng Khóm Ka Tăng cho biết: “Ka Tăng được xem là khu vực tái định cư của huyện Hướng Hóa. Sau khi Khu kinh tế thương mại Lao Bảo ra đời, từ năm 2001 đến nay tại Ka Tăng đã có hai đợt di dời các số hộ dân ở rải rác tại vùng tây thị trấn Lao Bảo đến định cư, với gần 200 hộ”.
Đến nơi ở mới, bà con dân bản Ka Tăng hết sức phấn khởi và tin tưởng vào sự quan tâm của Nhà nước, về cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nhà nào cũng được hỗ trợ kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng, từ đó họ đều được xây lại nhà mới khang trang, có không ít hộ còn dành dụm thêm một ít vốn để đầu tư vào trồng, chăn nuôi và mở mang các dịch vụ. Chính nhờ vậy mà các hộ dân ở Ka Tăng có điều kiện phát triển chăn nuôi, nhà nào nuôi ít cũng chục con dê, vài trăm con gà, vịt, heo thả rông và các loại rau xanh được trồng và được chăm bón tự nhiên.
Đặc biệt, việc khai hoang trồng chuối đã mang lại một nguồn thu nhập đáng kể, bình quân mỗi nhà trồng được khoảng 0,5ha chuối, mỗi năm thu về vài chục triệu, trong đó có khoảng 25 hộ có mức thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Có không ít hộ, ngoài phát triển trồng trọt, chăn nuôi còn đầu tư thêm các dịch vụ khác mang lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình như gia đình chị Hồ Thị Nu. Sau khi tích lũy được một số vốn từ trồng trọt và một số dịch vụ khác, chị đã đầu tư mua thêm một xe ôtô con để chạy dịch vụ... Từ các nguồn thu nhập, mỗi năm gia đình chị Nu thu về hơn 100 triệu đồng.
Phải khẳng định rằng, việc tổ chức tái định cư đến nơi ở mới gặp rất nhiều khó khăn, để khu tái định cư phát triển bền vững và bảo toàn được số hộ là một việc làm càng khó hơn nhiều. Với Ka Tăng, một bản được xem là khu tái định cư, giờ đây người dân có cuộc sống ổn định, là bản đi đầu trong mọi lĩnh vực so với các bản khác ở thị trấn Lao Bảo. Có thể xem đây là mô hình điểm để nhân rộng cho công tác tái định cư ở những vùng miền núi khác.
Phân công đảng viên theo dõi, giúp đỡ đồng bào Tà Ôi ở A Roàng (Thừa Thiên - Huế)
|
Đồng bào chăm chỉ lao động tăng gia sản xuất. Ảnh TTXVN |
A Roàng là một trong 12 xã biên giới của huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) với 740 hộ dân, với 3.030 nhân khẩu; trong đó, hơn 98% là người dân tộc Tà Ôi. Để giảm nghèo bền vững cho đồng bào, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã A Roàng đã quyết liệt vào cuộc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, Đảng ủy đi đầu “phân công đảng viên theo dõi, giúp đỡ hộ nghèo”.
Đảng viên được phân công theo dõi hộ nghèo không làm theo kiểu hình thức lấy lệ, không dừng lại ở việc điều tra, rà soát, thu thập thông tin về hộ nghèo, hộ cận nghèo, mà thường xuyên bám sát cơ sở, gần gũi để cùng người nghèo tập trung tháo gỡ những khó khăn trước mắt, tìm ra sinh kế phù hợp với hoàn cảnh, lao động… của từng hộ nghèo để họ vươn lên trong cuộc sống. Trong quá trình theo dõi giúp đỡ hộ nghèo, đảng viên luôn bám sát, phối hợp cùng già làng, trưởng bản để làm “cầu nối” để tuyên truyền hướng tới sự thay đổi, ý thức tự vươn lên của những hộ nghèo, cận nghèo.
Mô hình của đảng viên theo dõi, giúp đỡ hộ nghèo ở A Roàng, đã phát huy hiệu quả ngoài mong đợi. Nếu năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo ở A Roàng là 16,9%, thì đến năm 2021, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 13,21%, năm 2022 giảm xuống còn 11,2%.
Ông Thái Đặng Nhật Quang, Bí thư Đảng ủy xã A Roàng chia sẻ: Từ việc thí điểm cử đảng viên theo dõi, giúp đỡ hộ nghèo có hiệu quả, Đảng ủy đã triển khai mô hình này ra diện rộng. Đến nay, tất cả các gia đình thuộc diện hộ nghèo đều được phân công đảng viên theo dõi, giúp đỡ.
Từ kiến thức và tâm huyết của đảng viên hướng dẫn, cùng nhiều cách làm hay, sáng tạo, đã có những mô hình tiêu biểu về phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo bền vững như, mô hình nuôi bò, phát triển du lịch của anh Viên Đăng Phú; mô hình trồng cao su, nuôi dê của Viên Đăng Noh; mô hình dệt Dèng của chị BLúp Thị Cỡ, A Viết Thị, BLúp Thị Tha.
Ngoài việc theo dõi, giúp đỡ hộ nghèo, đảng viên cùng với già làng, trưởng bản luôn chú trọng xây dựng nếp sống văn minh đến từng hộ gia đình. Xây dựng tinh thần đoàn kết, hộ làm ăn khá chỉ bảo cho hộ khó khăn hơn trong cách làm ăn để cùng nhau thoát nghèo. Ý thức tự vươn lên trong cộng đồng được hình thành và phát triển mạnh. Đồng bào chăm chỉ lao động để tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống.