Hiệu quả từ mô hình “Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản” ở xã Mường Chanh

Thứ hai, 05/12/2022 11:38
(ĐCSVN) - Mô hình “Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản” ở bản Chai xã Mường Chanh, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đã tạo sinh kế, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần lan tỏa phong trào ủng hộ, giúp đỡ người nghèo, phát huy tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Cán bộ Hội đi thăm mô hình “Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản”. 

Thực hiện Chương trình xây dựng mô hình kinh tế tập thể của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp, biện pháp hỗ trợ xây dựng mô hình Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi bò sinh sản cho Hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Bước đầu, mô hình “Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản” đã mang lại hiệu quả tích cực ở bản Chai, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát.

Bàn giao bò cho các thành viên của mô hình “Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản” .

Từ nguồn hỗ trợ ban đầu của Bộ Kế hoạch đầu tư 150 triệu đồng mua 16 con bò cái sinh sản trao cho 16/25 thành viên, các thành viên được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, cách trồng cỏ voi, chuối để chủ động nguồn thức ăn cho bò, làm chuồng trại giữ ấm và giám sát nhau bảo toàn con giống. Bên cạnh đó, THT được chị Nguyễn Thị Kim Thúy, nguyên Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ cho vay không lãi suất với số vốn là 100 triệu đồng cùng với việc thực hiện quy chế của THT, các thành viên THT đã được hỗ trợ con giống quyên góp tiết kiệm mua thêm 9 con bò sinh sản trao cho các hộ còn lại. Chỉ sau hơn 2 năm, 25 thành viên THT chăn nuôi bò sinh sản bản Chai đều có bò nuôi. Các thành viên thực hiện theo quy chế đóng góp vốn hàng tháng, THT đã hoàn trả lại vốn hỗ trợ ban đầu 100 triệu đồng cho chị Nguyễn Thị Kim Thúy. Điều đáng mừng là đàn bò ngày không ngừng tăng trưởng sinh sôi, đến tháng 9 năm 2022, đàn bò đã tăng thêm 135 con, nâng tổng đàn của THT lên 160 con.

Bằng việc làm và chỉ đạo cụ thể cho mô hình thực hiện theo Hợp đồng hợp tác, quy chế THT và cam kết của các thành viên tham gia trong THT như: Có trách nhiệm chăm sóc bò sinh sản đạt hiệu quả cao; cam kết thoát nghèo bền vững và không tái nghèo kể từ thời điểm được công nhận thoát nghèo; không bán, không giết thịt bò được hỗ trợ, nếu bán gia đình phải có trách nhiệm mua một con bò khác thay thế con đã bán; nếu giết thịt gia đình phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền tương đương với số tiền hỗ trợ mua bò cho THT và Hội LHPN xã; không đem bò gửi cho người khác chăn dắt; nếu gia đình gửi người khác chăn dắt thì sẽ trả lại bò cho THT và Hội LHPN xã; không thay đổi mục đích chăn nuôi bò sinh sản; nếu gia đình thay đổi thì sẽ phải trả lại bò cho THT và Hội LHPN xã.

Gia đình tham gia đối ứng khi mua bò từ 40-50% trở lên; gia đình làm chuồng nuôi bò trước khi được trao bò; thực hiện đóng góp quỹ theo quy chế để tham gia các hoạt động của THT. Bò được chăm sóc đến thời kỳ sinh trưởng thì phải báo với tổ trưởng Tổ hợp tác mời cán bộ thú y địa phương phối giống để đảm bảo chất lượng bê con được sinh ra; đảm bảo thực hiện nghiêm túc các quy định của THT, Hội LHPN các cấp về phát triển nhân rộng đàn bò tại địa phương; thực hiện nghiêm các quy định của Hội phụ nữ, UBND xã và các nguyên tắc trong quy chế hoạt động của Tổ hợp tác.

Bàn giao bò cho các thành viên của mô hình “Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản”  

Với cách làm trên, đến nay THT đã có 10/25 hộ gia đình tham gia THT và đã thoát nghèo. Điển hình, là một trong những hộ đầu tiên được tiếp nhận 1 con bò cái sinh sản khi tham gia mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản xã Mường Chanh, huyện Mường Lát, chị Vi Thị An (bản Chai) đã mạnh dạn vay thêm vốn của ngân hàng để mua thêm bò giống, nhờ được chăm sóc tốt nên đàn bò của gia đình chị đến nay đã có 15 con. Việc được Hội phụ nữ các cấp trao bò sinh sản đã giúp chị An và các thành viên của Tổ hợp tác có phương tiện sản xuất, chăn nuôi, mở ra con đường thoát nghèo.

Nhờ áp dụng các kiến thức đã được tập huấn vào chăn nuôi, đồng thời có sự quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ của hội phụ nữ cơ sở để duy trì đàn vật nuôi, chị em trong các tổ chăn nuôi đã thay đổi nhận thức, tập quán canh tác, phát huy nội lực, cùng nhau thi đua lao động sản xuất, gần gũi, chia sẻ giúp nhau trong cuộc sống vươn lên thoát nghèo, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc.

Mô hình “Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản” ở bản Chai xã Mường Chanh, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đã tạo sinh kế, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần lan tỏa phong trào ủng hộ, giúp đỡ người nghèo, phát huy tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Thực tế cho thấy hiệu quả kinh tế của mô hình vượt trội so với phương thức chăn nuôi truyền thống, chăn nuôi cá thể vì được áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, vì vậy không xảy ra dịch bệnh, tiết kiệm được công lao động, đồng thời hướng tới trở thành sản phẩm hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ thành công của các THT chăn nuôi, hiện nay Hội LHPN huyện Mường Lát tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình ra các địa phương trong huyện./.

Minh Yên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực