Hòa Bình: Đòn bẩy giúp vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển bền vững

Thứ sáu, 02/12/2022 00:02
(ĐCSVN) - Để cụ thể hóa Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh, việc tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cở sở.
Tạo đòn bẩy giúp vùng dân tộc và miền núi Hòa Bình phát triển bền vững.

 Hòa Bình là 1 trong 10 tỉnh có người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tỷ lệ cao, tới 74,43%, có 145/151 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) theo tiêu chí phân định vùng DTTS&MN và Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chiếm 96% tổng số xã toàn tỉnh.

Trong đó: 59 xã khu vực (KV) III, 12 xã KV II, 74 xã KV I và 86 thôn, xóm diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK) thuộc các xã KV II và KV I. Đây là những địa bàn được thụ hưởng Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ, cũng là vùng đồng bào DTTS&MN Tây Bắc được Đảng, Nhà nước xác định là vùng trọng yếu, có vị trí chiến lược quan trọng của đất nước.

Tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình

Theo bà Đinh Thị Thảo, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Trong giai đoạn vừa qua, KT-XH vùng ĐBDTTS&MN của tỉnh có bước phát triển mạnh và đạt được những thành tựu, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn. Kết cấu hạ tầng KT-XH còn bất cập, cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển còn yếu, thiếu đồng bộ. Kinh tế vùng nông thôn miền núi chủ yếu vẫn dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp nhưng chưa mang tính hàng hóa. Đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng nguy cơ tái nghèo cao. Chất lượng nguồn nhân lực thấp, đội ngũ cán bộ có những bất cập. Trong tỉnh còn một số hạn chế về bình đẳng giới; vẫn tồn tại hủ tục lạc hậu và tệ nạn xã hội, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định an ninh chính trị…

Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 được phê duyệt, triển khai thực hiện chính là sự cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về chính sách dân tộc; vừa là giải pháp để phát triển KT-XH, vừa là tích hợp thực hiện các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, đáp ứng mong đợi của ĐBDTTS cả nước, trong đó có tỉnh Hòa Bình. Là chương trình có tổng vốn từ NSNN lớn nhất; có nhiều dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần nhất; thời gian thực hiện dài nhất; là chương trình được kỳ vọng nhiều nhất và quan tâm tới lĩnh vực bình đẳng giới nhất. Đối với tỉnh Hòa Bình, chương trình có ý nghĩa hết sức quan trọng do đặc điểm ĐBDTTS&MN sinh sống chủ yếu ở vùng núi cao, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, kết cấu hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, xuất phát điểm rất thấp; đây là vùng "lõi nghèo” của cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của thiên tai, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét diễn ra nghiêm trọng, khó lường; giao thông khó khăn; chi phí sản xuất, lưu thông hàng hóa lớn nên rất khó để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển KT-XH chung của cả tỉnh. Đặc biệt, hiện nay Hòa Bình vẫn là tỉnh nghèo, chưa tự cân đối được ngân sách thì nguồn lực hỗ trợ của T.Ư cho tỉnh thực hiện đầu tư, hỗ trợ đối với vùng ĐBDTTS&MN thông qua chương trình có vai trò hết sức quan trọng.

Do vậy, việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN trên địa bàn tỉnh là tiền đề cho việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2030.

Tạo đòn bẩy giúp vùng dân tộc và miền núi phát triển bền vững

Đứng trước yêu cầu phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN của tỉnh trong giai đoạn tới và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng ĐBDTTS đang đặt ra những thách thức rất lớn trong việc thực hiện các chính sách dân tộc đối với cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh. Đặc biệt, để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 30/7/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về lãnh đạo phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh, việc tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cở sở. Trong đó tập trung vào một số vấn đề: Đầu tư phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN là đầu tư cho phát triển bền vững gắn liền với xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là ĐBDTTS; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; đảm bảo quyền và cơ hội bình đẳng giới; nâng cao mặt bằng dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, nhất là cán bộ, công chức, viên chức DTTS, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội nhằm đạt được mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân tộc thiểu số và miền núi Hòa Bình.

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất để cải thiện điều kiện sinh kế và điều kiện sống cho ĐBDTTS; tập trung đầu tư cho các xã có điều kiện thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, các xã, thôn, xóm khó khăn nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, DTTS khó khăn nhất để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 của chương trình và các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 30/7/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh.

Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ, sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của ĐBDTTS. Ưu tiên các công trình sử dụng nguyên vật liệu địa phương và sử dụng lao động tại chỗ để tạo thêm sinh kế cho người dân.

Phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc gắn với củng cố QP-AN.

Hài hòa các cơ chế, quy trình áp dụng thống nhất trong các dự án, tiểu dự án của chương trình; ưu tiên lựa chọn các nội dung đầu tư có định mức cao hơn để tổ chức thực hiện đối với các đối tượng thụ hưởng; đảm bảo nguyên tắc không trùng lắp giữa các hoạt động, nội dung đầu tư của các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình đối với cùng một địa bàn, cùng một đối tượng thụ hưởng.

Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện chương trình ở các cấp, các ngành. Đa dạng hóa nguồn lực, trong đó NSNN là quan trọng và có ý nghĩa quyết định, ưu tiên vận động các nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để hỗ trợ tối đa cho vùng ĐBDTTS. Quan tâm huy động, khuyến khích sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân…/.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực