Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là 2 huyện nghèo của tỉnh Khánh Hòa theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 13/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025. Với nhiều giải pháp đề ra, hai huyện đã phát huy nội lực, tranh thủ các nguồn lực của Trung ương, của tỉnh để dần vươn lên thoát nghèo.
Khánh Vĩnh nỗ lực giảm nghèo
Theo ông Lê Đình Phùng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, đầu năm 2022, toàn tuyện có 4.625 hộ nghèo. Thời gian qua, huyện tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Trung ương, tỉnh và địa phương nên đến nay, đã giảm được 206 hộ nghèo. Trong đó, huyện đã thực hiện miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho hơn 7.300 học sinh với tổng kinh phí hơn 9,9 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ ăn trưa cho hơn 200 học sinh bậc mầm non với số tiền hơn 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, huyện thực hiện cấp miễn phí 21.191 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, 5.352 thẻ cho người cận nghèo và 3.490 thẻ cho người cư trú ở vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó, đã tạo điều kiện cho 16.855 lượt người dân khám, chữa bệnh; hỗ trợ tiền ăn cho 9.421 bệnh nhân điều trị nội trú với số tiền hơn 421 triệu đồng.
Đặc biệt, huyện tập trung khảo sát, hỗ trợ vốn vay tín dụng chính sách cho hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo. Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện đã giải ngân cho 366 hộ nghèo vay hơn 17,5 tỷ đồng, 99 hộ cận nghèo vay hơn 5,2 tỷ đồng, 7 hộ mới thoát nghèo vay hơn 500 triệu đồng. Trên cơ sở nhu cầu thực tế vay vốn của từng hộ, huyện giao trách nhiệm cho các hội đoàn thể, chính quyền địa phương theo dõi, hướng dẫn cách làm ăn, đầu tư đồng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả.
|
Gia đình bà Nông Thị Đào đã thoát nghèo nhờ chịu khó chăn nuôi, trồng trọt. Ảnh: baokhanhhoa.vn |
Một ví dụ điển hình, là gia đình bà Nông Thị Đào (thôn A Xay, xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh) trước đây là hộ nghèo. Nhờ được chính quyền địa phương hỗ trợ 1ha đất sản xuất, tạo điều kiện vay 50 triệu đồng vốn tín dụng để nuôi heo nái, gà thả vườn và trồng keo, bưởi da xanh nên đã thoát nghèo. Bà Đào chia sẻ: “Ngoài được hỗ trợ vốn, đất sản xuất, gia đình tôi còn được địa phương và các ngành chức năng hướng dẫn cách làm ăn, kỹ thuật chăm bón cây trồng, chăn nuôi và hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi ban đầu. Nhờ chịu khó chăm sóc nên cây trồng, vật nuôi phát triển tốt và cho thu nhập khá. Nhờ đó, gia đình tôi đã thoát nghèo. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng thêm chuồng trại để chăn nuôi heo thịt và gà thả vườn để tăng thu nhập”.
Cùng với đó, huyện chú trọng thực hiện các chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động. Đến nay, địa phương đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 346 lao động, tạo điều kiện hỗ trợ cho 2 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tất cả hộ nghèo còn được huyện chi hơn 1,6 tỷ đồng để hỗ trợ tiền điện. Công tác hỗ trợ tiêu thụ nông sản cũng được huyện thực hiện hiệu quả, giúp hộ nghèo, cận nghèo bớt lo đầu ra sản phẩm.
Khát vọng ở huyện nghèo Khánh Sơn
Xuất phát điểm là một trong những huyện nghèo nhất cả nước, nhưng nhờ sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, của tỉnh Khánh Hòa, chính quyền các cấp và sự nỗ lực vươn lên của người dân, huyện Khánh Sơn đang đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ ra khỏi danh sách huyện nghèo.
Theo ông Cao Minh Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, huyện đã xây dựng và hoàn thiện việc xây dựng đề án tổng thể giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022- 2025. Đề án hiện đang trình UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng. Đề án bao gồm 7 dự án và 11 tiểu dự án. Trong đó có các dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; dự án đa dạng sinh kế phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ sản xuất cải thiện dinh dưỡng; dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp việc làm bền vững vùng khó khăn.
Được biết, nguồn vốn từ các chính sách đặc thù sẽ hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng các loại cây ăn quả giá trị cao, đẩy mạnh dạy nghề để tạo việc làm cho bà con. Quan trọng nhất vẫn là giảm được nghèo bằng các mô hình kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng để bà con không được bán đất làm mất tư liệu sản xuất mà tăng giá trị sản xuất trên diện tích đất.
|
Sầu riêng đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho người dân huyện Khánh Sơn. Ảnh: baodansinh.vn |
Năm 2021, trên địa bàn huyện Khánh Sơn, sản lượng sầu riêng đạt khoảng 2.000 tấn. Năm nay, sản lượng tăng lên trên 10.000 tấn. Huyện đang khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích trồng cây kém hiệu quả sang trồng sầu riêng, đến năm 2025, sản lượng sầu riêng đạt khoảng 20.000 tấn. Mục tiêu đến năm 2025, huyện Khánh Sơn sẽ thoát nghèo, xóa tên huyện nghèo nhất nước.
Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa thông tin thêm, huyện Khánh Sơn là hình mẫu phát triển cây ăn trái nói chung và sầu riêng nói riêng để các địa phương học tập, làm theo. Tỉnh Khánh Hòa có chủ trương xây dựng thương hiệu mạnh về trái sầu riêng Khánh Sơn để phục vụ du lịch. Chỉ cần một đoàn khách du lịch đến Khánh Hòa mua 2-10 trái sầu riêng, chẳng khác nào “xuất khẩu tại chỗ”, sản lượng bán được rất nhiều. Ngành du lịch đang mở các tuyến du lịch đến Khánh Sơn, vừa tham quan núi rừng, vừa tham quan các vườn sầu riêng, ăn sầu riêng tại vườn.
Có thể nói, sắp tới với chính sách đặc thù giúp các huyện khắc phục hạn chế chênh lệch về sự phát triển so với các địa phương khác trong tỉnh thực hiện được mục tiêu phát triển hai huyện miền núi trở thành “các tiểu đô thị sinh thái núi rừng”. Việc phát triển của hai huyện sẽ giúp tỉnh Khánh Hòa đạt được mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Việc đầu tư sẽ tập trung vào các công trình mang tính liên vùng, kết nối để kích cầu, phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm của địa phương. Hướng đầu tư tập trung cho các công trình mang tính liên vùng, kết nối, có ý nghĩa phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm, kích cầu cho việc phát triển kinh tế - xã hội ở hai huyện miền núi này.
Với hàng loạt giải pháp, cùng sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và địa phương, 2 huyện đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ thoát khỏi huyện nghèo. Do vậy, hiện nay, hai huyện đang khẩn trương xây dựng, hoàn chỉnh Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025 gửi các cấp, ngành góp ý để trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Trên cơ sở đó, sẽ tập trung các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là hộ nghèo tạo ý chí vươn lên; nghiên cứu, triển khai thêm những chính sách khuyến khích hộ đã thoát nghèo vươn lên làm giàu. Chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở; triển khai, đầu tư hiệu quả các nguồn lực, chính sách giảm nghèo của Trung ương, tỉnh; cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo thông qua các chính sách, chương trình về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, đất ở, hạ tầng phục vụ dân sinh… Từ đó, thu hẹp chênh lệch việc thụ hưởng dịch vụ công và phúc lợi xã hội, thu nhập./.