Người có uy tín là trụ cột quan trọng của đồng bào các dân tộc thiểu số Bắc Kạn

Thứ ba, 20/12/2022 11:09
(ĐCSVN) - Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm, động viên và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, coi họ là "cầu nối" giữa cấp ủy, chính quyền và Nhân dân. Nhờ đó, người có uy tín đã trở thành hạt nhân tiêu biểu, gương mẫu trong công tác tuyên truyền, vận động, triển khai, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.

Hiện toàn tỉnh  có 1.305 người có uy tín là cán bộ nghỉ hưu, chức sắc, trưởng thôn, bí thư chi bộ, người sản xuất giỏi... với hơn 63% là đảng viên. Hàng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố làm tốt công tác tuyên truyền nhằm phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; biểu dương, khen thưởng, ghi nhận những công lao, đóng góp của người có uy tín trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời quan tâm kịp thời chính sách đối với người có uy tín trên địa bàn. Năm 2022, UBND tỉnh chỉ đạo Ban Dân tộc phối hợp Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Công an tỉnh và UBND các huyện, thành phố tổ chức 47 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 3.324 lượt người có uy tín; UBND các huyện, thành phố tổ chức 27 lớp tập huấn cho 1.203 lượt người có uy tín. Theo đó, người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước thôn, bản, xây dựng làng bản, gia đình văn hóa, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Người có uy tín tham gia làm đường giao thông nông thôn ở xã Quảng Bạch, huyện Chợ Đồn 

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, bản thân và gia đình người có uy tín luôn gương mẫu đi đầu trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, gương mẫu thực hiện nhiều mô hình sản xuất, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo; vận động, hướng dẫn nhân dân cách làm hay, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, mạnh dạn tham gia các dự án, mô hình đem lại năng suất cao... góp phần từng bước ổn định cuộc sống trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới” gắn với phong trào “Bắc Kạn chung sức xây dựng nông thôn mới” được nhân dân tham gia tích cực; người uy tín đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân nhiệt tình hưởng ứng hiến đất để mở rộng đường giao thông, xây dựng công trình phúc lợi và huy động được nhiều nguồn lực thực hiện với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”... Đã có nhiều gương điển hình xuất hiện qua phong trào như ông Lý Văn Hầu - người có uy tín tại thôn Nà Phạ, xã Đồng Phúc (Ba Bể) - luôn cẩn thân lưu giữ và truyền lại cho thế hệ trẻ những phong tục tâp quán truyền thống của đồng bào dân tôc.  Ông là người có uy tín của thôn nhiều năm nay, luôn gương mẫu tuyên truyền người dân chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.  Mỗi dịp lễ, Tết, đám cưới, bà con lại đến hỏi ông các bước theo phong tục truyền thống. Với uy tín của mình, những chia sẻ của ông Hầu với bà con càng thấm sâu, được bà con tin tưởng. Ông còn tích cực tuyên truyền về tầm quan trọng của việc giữ bản sắc văn hóa dân tộc; động viên, khuyến khích mọi người giữ trang phục truyền thống, tập múa khèn, đánh cù, thổi sáo, ném Pao… Nhờ đó, đến nay những bản sắc quý đó vẫn được lưu giữ và phát huy tại Nà Phạ.

Ông Lý Văn Hầu, thôn Nà Phạ, xã Đồng Phúc (Ba Bể) 

Ngoài ra, với vai trò là nòng cốt trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, người có uy tín đã tích cực tham gia xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết, vận động quần chúng, xây dựng phong trào, giải quyết những mâu thuẫn và vấn đề phức tạp về an ninh trật tự ngay tại cơ sở. Phối hợp cùng với cấp uỷ, chính quyền tổ chức tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vận động bà con nêu cao tinh thần cảnh giác, tham gia phòng ngừa mọi âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch nhằm giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Tiêu biểu có ông Dương Văn Hầu, dân tộc Mông, thôn Lủng Vài và ông Lý Văn Mình, dân tộc Mông, thôn Cốc Nghè, xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm…

Bà Triệu Thị Thu Phương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách đối với người có uy tín, nội dung hỗ trợ được thực hiện đúng quy định, tạo điều kiện để người uy tín đi thăm quan học tập kinh nghiệm, tham dự các kỳ họp, dự các buổi phổ biến cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương".

Để tiếp tục phát huy tốt vai trò người có uy tín, bà Triệu Thị Thu Phương cho rằng, thời gian tới, các địa phương của tỉnh Bắc Kạn cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể trong việc thực hiện chính sách, phát huy vai trò của người có uy tín; định hướng nhiệm vụ, nội dung hoạt động đối với người có uy tín, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công tác vận động quần chúng; cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương. Bên cạnh đó, tiếp tục tham mưu, đẩy mạnh phát huy vai trò của Người có uy tín trên các mặt công tác, đặc biệt, chú trọng phát huy vai trò Người có uy tín trong tuyên truyền, vận động Nhân dân triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

TL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực