Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy vừa ký Quyết định số 2896/QĐ-BVHTTDL, ngày 5/10/2023, về tổ chức truyền dạy, bảo tồn nghề thủ công truyền thống các dân tộc thiểu số vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Đây là hoạt động nhằm thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tại địa phương. Truyền dạy, bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số vùng Đồng bằng Sông Cửu Long trong bối cảnh các nghề thủ công truyền thống đang bị mai một trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến nghề thủ công truyền thống trong đồng bào nhằm nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và người dân về các giá trị văn hóa của nghề thủ công truyền thống, động viên, khích lệ đồng bào dân tộc thiểu số sáng tạo những sản phẩm thủ công phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, nhằm phát triển kinh tế - xã hội.
|
Nghề thủ công truyền thống chế tác mão, mặt nạ của đồng bào Khmer. (Ảnh: A.H) |
Ban tổ chức tiến hành tập huấn, truyền dạy và nâng cao năng lực bảo tồn 2 nghề thủ công truyền thống gồm “Chế tác mão, mặt nạ của đồng bào Khmer” tại tỉnh Trà Vinh và “Dệt thổ cẩm của dân tộc Chăm” tại tỉnh An Giang. Hoạt động này sẽ góp phần truyền dạy, bảo tồn tri thức dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vai trò của nghề thủ công truyền thống trong phát huy thế mạnh địa phương, thu hút nguồn vốn đầu tư; phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, lồng ghép vào Kế hoạch phát triển văn hoá, du lịch vùng đồng bằng Sông Cửu Long...
Lớp truyền dạy chế tác mão, mặt nạ của đồng bào Khmer sẽ diễn ra tại huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Lớp học có sự tham gia đào tạo của 2 Nghệ nhân Ưu tú dân tộc Khmer làm nghề chế tác mão, mặt nạ, nhạc cụ, tổ chức biểu diễn, truyền dạy nghệ thuật truyền thống được xếp vào lĩnh vực tri thức và trình diễn dân gian tại huyện Châu Thành. Số lượng học viên là 54 người, đều là đồng bào dân tộc Khmer. Nghề chế tác mão, mặt nạ thủ công xuất hiện từ lâu đời trong cộng đồng của đồng bào Khmer Nam Bộ. Mão, mặt nạ gắn liền một số loại hình nghệ thuật dân gian (múa sa dam, hát à day, ca kịch rô băm, sân khấu dù kê) và trong đời sống tâm linh của người Khmer.
Còn tại thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang sẽ diễn ra lớp truyền dạy nghề thủ công dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Chăm với 63 học viên. Sẽ có 4 người tay nghề cao về kỹ thuật dệt thổ cẩm truyền thống truyền dạy quy trình dệt thổ cẩm truyền thống; nêu rõ nghĩa của hoa văn và kỹ năng tạo hình trên thổ cẩm... An Giang là địa phương có đông đồng bào dân tộc Chăm sinh sống, có nghề dệt thổ cẩm truyền thống với những nét văn hóa đặc sắc, độc đáo. Ngày nay, nghề dệt thổ cẩm của người Chăm ở An Giang tập trung chủ yếu tại xã Châu Phong, thị xã Tân Châu và xã Đa Phước, huyện An Phú. Dệt thổ cẩm ở nơi đây ngoài việc cung cấp sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường thì còn là cách để người Chăm giữ gìn bản sắc, lưu giữ truyền thống và phát huy giá trị trong văn hóa, du lịch, nâng cao chất lượng cuộc sống.../.