Bình đẳng giới và trách nhiệm của truyền thông

Thứ ba, 14/01/2014 17:19

(ĐCSVN) – Trong vài năm trở lại đây, vấn đề giới không phải là quá mới mẻ ở Việt Nam nhưng thế nào là bình đẳng giới một cách thực chất thì vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh luận. Và để đạt được những tiến bộ nhất định trong lĩnh vực bình đẳng giới, theo nhiều chuyên gia, rất cần sự chung tay của toàn xã hội, trong đó phải kể tới sự tham gia có trách nhiệm của truyền thông.

Thực tế, về nhận thức, tại Việt Nam và ngay cả các nước phát triển trên thế giới, có một số người, thậm chí có cương vị, trí thức vẫn cho rằng không thể có bình đẳng giữa nam và nữ. Theo họ, tạo hoá sinh ra đàn ông và đàn bà đã là bất bình đẳng; mang thai, sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ là thiên chức mà đa số phụ nữ muốn/phải/cần thực hiện; dù phụ nữ đi làm hay không thì việc nội trợ, quán xuyến gia đình, nhà cửa, chăm sóc, dạy dỗ con cái là thiên chức của phụ nữ. Sự thành đạt của nhiều đàn ông trong xã hội từ xưa tới nay khiến không ít người cho rằng, bẩm sinh đàn ông thông minh hơn đàn bà.

 

Tạo cơ hội ngang nhau cho bé gái và bé trai ngay từ bậc học đầu tiên cũng là cách thực hiện bình đẳng giới. (Ảnh minh họa: HNV)

Thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm nghiên cứu về Giới - Gia Đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cho thấy, ngoài một số đơn vị báo chí quan tâm, nỗ lực tuyên truyền cho vấn đề bình đẳng giới, còn lại vẫn là những ”mảnh đất” hầu như đang “để trống” đối với truyền thông bình đẳng giới. Hiện còn nhiều bài, các hình ảnh tiêu cực mang định kiến giới đối với phụ nữ.

Điều cốt lõi trong quá trình đạt tới kết quả về bình đẳng giới, đó là phá bỏ định kiến giới, thay đổi thói quen về giới và để làm công việc này, vai trò tiên phong chính là ở truyền thông. Chính truyền thông sẽ bước đầu hình thành các ý tưởng nhằm phá bỏ các định kiến giới, làm thay đổi thói quen theo chiều hướng tích cực.

Chia sẻ về điều này, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA cho rằng, việc bị bắt buộc phải thay đổi thói quen, suy nghĩ, hành vi khác hoàn toàn với sự tự nguyện thay đổi. Do đó, chỉ khi mọi sự thay đổi bắt nguồn từ sự tự nguyện, kết quả đạt được mới bền vững.

Cũng theo bà Vân Anh, kinh nghiệm của Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và một số quốc gia có những kết quả ấn tượng về bình đẳng giới cho thấy, chỉ khi mỗi cá nhân có niềm tin dù rất nhỏ và tự nguyện thay đổi từ chính đời sống cá nhân của mình thì mới đạt được hiệu quả.

Ở Việt Nam, bình đẳng giới là một trong những mục tiêu quan trọng được Đảng, Nhà nước ta đặt ra trong thời kỳ đổi mới. Theo đề xuất của một số chuyên gia trong lĩnh vực này, truyền thông thực hiện bình đẳng giới bền vững trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung vào các nội dung.
 
Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền Luật Bình đẳng giới để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong thực hiện bình đẳng giới cho cộng đồng, giúp họ hiểu được trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới không chỉ là của mỗi cá nhân, mà là trách nhiệm của mỗi gia đình, các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp.

Thứ hai, tăng cường mở các lớp đào tạo, tập huấn về giới và bình đẳng giới cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo, quản lý của các ban ngành, đoàn thể, những cán bộ trực tiếp tiến hành các hoạt động liên quan đến việc bảo đảm và thực hiện các quyền bình đẳng của phụ nữ.
 
Thứ ba, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới đối với cộng đồng dân cư.

Thứ tư, tăng cường các hoạt động tập huấn để các loại tài liệu tuyên truyền, giáo dục về pháp luật, về giới và bình đẳng giới đến được với tất cả phụ nữ và cộng đồng. Cần có nhiều chương trình, dự án để lồng ghép với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tạo điều kiện phát huy vai trò, vị thế của người phụ nữ, trên cơ sở này sẽ giúp cả giới nam và giới nữ xoá bỏ những tư tưởng phong kiến, lạc hậu ăn sâu trong tâm trí người dân, tạo điều kiện cho bình đẳng giới được thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn.

Thứ năm, phải có sự phối kết hợp thống nhất, chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức để tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm nâng cao nhận thức về giới và ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân; lên án, đấu tranh chống tư tưởng coi thường phụ nữ, các hành vi phân biệt đối xử, xâm hại, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ.

Thứ sáu, cần phải có sự đầu tư, tạo điều kiện thích đáng cho hoạt động tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới cho các địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở; tạo điều kiện để xây dựng tủ sách pháp luật nói chung, có liên quan đến bình đẳng giới nói riêng ở cơ sở là một hoạt động cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục. Các loại sách phải có nội dung đơn giản, dễ đọc, dễ nhớ và phù hợp với từng đối tượng.

Thứ bảy, phải đẩy mạnh giáo dục khoa học giới trong hệ thống nhà trường phổ thông, giúp cho thanh niên, thiếu niên nhận thức đúng những vấn đề giới và bình đẳng giới một cách cơ bản và hệ thống, tạo lập ý thức trách nhiệm về bình đẳng giới trong xây dựng gia đình và xã hội ngay từ khi còn nhỏ.

Thứ tám, chú trọng việc nêu gương tốt, điển hình trong thực hiện bình đẳng giới qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục; đồng thời tạo dư luận xã hội công khai qua công tác tuyên truyền với những vụ việc vi phạm về bình đẳng giới./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực