Chuyển đổi số cần bắt đầu từ tư duy và nhận thức

Thứ bảy, 07/01/2023 16:05
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Sau đại dịch, đáp ứng yêu cầu cấp bách cho việc phục hồi và tăng tốc phát triển, cộng đồng doanh nghiệp đã và đang có bước chuyển mình mạnh mẽ, chủ động, tích cực tìm những hướng đi mới, tận dụng những ưu thế về công nghệ trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Chuyển đổi số được xem là giải pháp quan trọng và là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, bên cạnh đó những mặt làm được, hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp hiện nay vẫn tồn tại một số vấn đề.
leftcenterrightdel
Doanh nghiệp chuyển đổi số thành công sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường và khách hàng vì thế cũng sẽ được hưởng lợi (Ảnh: M.P)

Theo một nghiên cứu của McKinsey, các doanh nghiệp trước đây có “tuổi thọ” trung bình là hơn 60 năm thì nay chỉ còn dưới 20 năm. Khi sự cạnh tranh tiếp tục gia tăng, các công ty càng khó tồn tại trong một thị trường ngày càng bão hòa. Muốn tồn tại, doanh nghiệp phải áp dụng kỹ thuật số hóa như một phần cơ bản cốt lõi của họ. Chuyển đổi số trong ngành sản xuất từ chỗ là một lựa chọn có thể mang lại cho các doanh nghiệp lợi thế cạnh tranh thì nay trở thành một điều thiết yếu để tồn tại trong bối cảnh công nghiệp 4.0.

Về lý thuyết, doanh nghiệp chuyển đổi số thành công sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường và khách hàng vì thế cũng sẽ được hưởng lợi. Nhưng để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần có cái nhìn tổng quan với doanh nghiệp và vai trò các bộ phận trong triển khai chuyển đổi số. Quá trình thực hiện chuyển đổi số trải qua các giai đoạn như các dự án tập trung vào số hóa cho từng bộ phận; chương trình áp dụng công nghệ số cho nhiều lĩnh vực khác nhau trong doanh nghiệp; chuyển đổi số hoàn toàn mô hình kinh doanh và mô hình quản trị. Đồng thời, các doanh nghiệp có thể lựa chọn thông qua các giải pháp như: xác định tiêu chí lựa chọn giải pháp; tìm kiếm giải pháp và nhà cung cấp tiềm năng; đánh giá và lựa chọn nhà cung cấp; đàm phán ký kết hợp đồng; đánh giá hiệu quả của giải pháp và nhà cung cấp.

Song thực tế cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong hành trình lựa chọn con đường chuyển đổi số phù hợp với mô hình doanh nghiệp của mình. Đó là việc thiếu những giải pháp cho phép tùy chỉnh linh hoạt là nguyên nhân của những rào cản trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Các giải pháp này thường không thể hoặc rất khó để mở rộng và tùy chỉnh theo nhu cầu của doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là phần mềm không thể đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt vòng đời kinh doanh, đặc biệt là khi doanh nghiệp muốn phát triển và mở rộng, do đó có thể tốn thời gian và không hiệu quả về chi phí.

Ngoài ra, khi nói đến việc lập trình riêng một phần mềm dành riêng cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp có thể gặp phải nhiều vấn đề kỹ thuật và chi phí, có thể làm chậm quá trình và dẫn đến thất bại trong việc khởi chạy, triển khai và kết hợp phần mềm vào cấu trúc kinh doanh đã tồn tại. Hơn nữa, các phần mềm truyền thống với thiết kế mã nguồn mở có thể tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ dữ liệu và tạo ra các lỗ hổng bảo mật. Đây là mối quan tâm lớn của các doanh nghiệp, vì dữ liệu là thứ rất có giá trị trong kỷ nguyên số.

Còn theo kết quả khảo sát của Cục Phát triển doanh nghiệp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi số. Cụ thể, có đến 60,1% doanh nghiệp khó khăn về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ số; 52,3% khó khăn trong thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh cũng như thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số; 45,4% thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số; 40,4% thiếu thông tin về công nghệ số; 38,5% khó khăn trong tích hợp các giải pháp công nghệ số; trên 32% thiếu sự cam kết, hiểu biết của ban lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp...

Kết quả khảo sát với 1.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa của Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy rõ điều này. Có tới 85,2% doanh nghiệp thiếu nguồn lực tài chính trong ứng dụng công nghệ số; trên 81% doanh nghiệp thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số, 77% thiếu nguồn nhân lực chuyên môn để tiếp cận công nghệ số, trên 65% thiếu các công ty hay chuyên gia tư vấn đủ tầm, đủ tin cậy... Chính vì vậy, mức độ ứng dụng giải pháp số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện vẫn hạn chế. Hầu như chưa có doanh nghiệp nhỏ và vừa nào ứng dụng giải pháp số cho hệ thống phê duyệt nội bộ trực tuyến cũng như phần mềm quản lý văn bản và điều hành trực tuyến. Chỉ có 146 doanh nghiệp ứng dụng phần mềm quản lý nhân sự. Duy nhất phần mềm kế toán được các doanh nghiệp ứng dụng nhiều nhất, có tới 748 doanh nghiệp.

Chia sẻ về bức tranh chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, dù có xu hướng mới trong bối cảnh dịch COVID-19 nhưng mức độ thành thạo của doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ số tương đối hạn chế, mới chỉ ứng dụng trong lĩnh vực bán hàng, quản trị kinh doanh, thanh toán... còn chế biến, chế tạo, quản lý chuỗi cung ứng, cung cấp dịch vụ ở mức rất thấp. Trong từng lĩnh vực, chuyển đổi số cũng ở mức khác nhau. Ngành nông nghiệp, dù Việt Nam được biết đến với các mặt hàng nông sản nổi tiếng thế giới như cà phê, gạo, chè... tuy nhiên, quá trình sản xuất vẫn nhiều giai đoạn thủ công, một số công nghệ tiên tiến như tưới tiêu thông minh ở mức 50-70%.

Lĩnh vực chế biến thực phẩm có khoảng cách khá xa giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn. Doanh nghiệp lớn sử dụng công nghệ số nhiều, ngược lại các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại sử dụng máy móc có con người vận hành... Trong lĩnh vực dệt may, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm số lượng lớn song công nghệ số trong khu vực này mới chiếm khoảng 16%. Riêng công đoạn thiết kế đã được ứng dụng công nghệ số nhiều, 63% doanh nghiệp có máy cắt hiện đại.

Dẫn khảo sát năm 2021 của Tập đoàn Hệ thống Cisco đối với Việt Nam, ông Trần Minh Tuấn cho biết, về công nghệ, chỉ 18% doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian qua nâng cấp hệ thống phần cứng công nghệ thông tin, 18% đầu tư vào điện toán đám mây và 11% đầu tư vào hệ thống an toàn, an ninh mạng... Mặt khác, 16% doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng thiếu thích nghi với môi trường số, 14% doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn không biết chuyển đổi số bắt đầu từ đâu, 12% cho rằng thiếu rất nhiều công nghệ hỗ trợ chuyển đổi số. 70% nghi ngờ chuyển đổi số có mang lại lợi ích nào không.

Đối diện với năm 2023 - một năm đầy khác biệt, theo quan điểm của nhiều chuyên gia, áp lực lạm phát, những khó khăn trong chuỗi cung ứng và niềm tin của người tiêu dùng suy giảm đều đang châm ngòi cho ngọn lửa này. Bởi vậy các doanh nghiệp cần có xu hướng thay đổi quan điểm từ chuyển đổi tập trung vào tăng trưởng sang tiết kiệm chi phí. Xu hướng chuyển đổi số sẽ được thúc đẩy bởi điều đó. Chuyển từ cạnh tranh công nghệ sang cạnh tranh về dịch vụ hệ sinh thái, nền công nghiệp 4.0 và máy học… là một trong những xu hướng chuyển đổi số trong năm 2023.

Tại Diễn đàn “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Tư duy và hành động mới”, diễn ra trong những ngày cuối năm 2022 vừa qua, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhận định, trong những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã đẩy mạnh chuyển đổi số và đạt được nhiều thành công. Tuy nhiên, thực tế một số lượng lớn các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến chiều sâu trong chuyển đổi số. Chiều sâu của chuyển đổi số là đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp chi tiết theo tiêu chí khoa học, rõ ràng từ đó có những thay đổi, chiến lược, kế hoạch phát triển phù hợp.

Việc tiến hành chuyển đổi số mới chỉ ở phần nhận thức, thực chất đi vào sử dụng vẫn chưa nhiều. Cụ thể, số liệu tính riêng trên Cổng thông tin của Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (SMEdx) của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, có trên 600.000 doanh nghiệp tiếp cận, tham khảo thông tin về các nền tảng được đăng tải trên đó; khoảng 70.000 doanh nghiệp sử dụng một trong số các nền tảng của Chương trình để chuyển đổi số, chiếm 1/10 số lượng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, để chuyển đổi số đi vào thực chất, cuối năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành bộ chỉ số đo lường mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau 1 năm, chỉ có 500 doanh nghiệp tham gia và đăng ký tài khoản trên trang Cổng www.dbi.gov.vn. Trong số những doanh nghiệp đăng ký tài khoản, vẫn còn nhiều doanh nghiệp còn chưa quan tâm đến việc đo lường mức độ chuyển đổi số. Cụ thể, chỉ có khoảng 400 doanh nghiệp tự đánh giá mức độ chuyển đổi số của mình và có một số nhỏ, khoảng vài chục doanh nghiệp thực hiện tư vấn đánh giá.

Trong khi đó, về mặt chính sách, vẫn còn tồn tại những vướng mắc khi áp dụng trong thực tế. Trong việc triển khai hỗ trợ ứng dụng công nghệ số, hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp theo Nghị định 80 vẫn còn khó khăn trong việc phân định rõ nguồn vốn doanh nghiệp phải đóng góp và nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ trong thủ tục lập và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ. Ngoài ra, các doanh nghiệp vẫn phải thực hiện rất nhiều thủ tục, chứng từ rườm rà, phức tạp để nhận được phần kinh phí hỗ trợ của nhà nước, trong khi số kinh phí hỗ trợ này cũng không nhiều. Kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số vẫn còn khá hạn chế. Trong khi việc huy động nguồn lực từ các tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đang triển khai phân tán, manh mún…

Thực tế minh chứng, chuyển đổi số không phải chỉ là nền tảng đưa lên để doanh nghiệp truy cập vào đó, mà cần đi từ vấn đề hạ tầng, thay đổi tư duy và nhận thức. Nhà nước hay các hiệp hội không thể nỗ lực làm thay cho doanh nghiệp, mà chính bản thân doanh nghiệp phải thấy được tác động của chuyển đổi số tới khả năng cạnh tranh của chính mình trên thị trường. Hiện nay ở các bộ, ngành khác đều có những đề án chuyển đổi số… nên cần liên kết lại để thúc đẩy chuyển đổi số.

Mặt khác, điều quan trọng nhất doanh nghiệp quan tâm là chuyển đổi số để phát triển thị trường, mở rộng thị phần, thêm khách hàng, tăng doanh thu và lợi nhuận. Vì thế, chuyển đổi số của doanh nghiệp nên đi vào thực chất giải quyết bài toán trên hơn là trăn trở hay quan tâm đến các thuật ngữ khoa học. Bộ Thông tin Truyền thông cũng đang thực hiện theo định hướng này, hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp về chính sách. Việc chuyển đổi số cần được tổ chức thực hiện trong doanh nghiệp, từ hoạt động chỉ đạo của các lãnh đạo doanh nghiệp đến việc thay đổi của các bộ phận chuyên môn. Khi chuyển đổi số, văn hoá kinh doanh, quy trình hoạt động của doanh nghiệp thay đổi nên doanh nghiệp cần có kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ cho nhân sự, bố trí hoặc luân chuyển nhân sự phù hợp…

Hơn nữa, chuyển đổi số không chỉ riêng Bộ Thông tin và Thông tin hay các doanh nghiệp công nghệ thông tin mà cần sự vào cuộc của các bên cùng tham gia. Muốn chuyển đổi số thành công cần đẩy mạnh hợp tác cùng nhau. Đặc biệt, dữ liệu đóng vai trò rất quan trọng đối với doanh nghiệp khi phân tích và đưa ra chiến lược, kế hoạch kinh doanh. Do đó, không chỉ chia sẻ dữ liệu doanh nghiệp mà Chính phủ cần chia sẻ dữ liệu quốc gia như “tài sản chung” chứ không riêng của ngành lĩnh vực nào.

Chuyển đổi số sẽ thành công khi ba nhân tố “Con người - Công nghệ - Doanh nghiệp” gắn kết chặt chẽ với nhau. Doanh nghiệp bước đầu chuyển đổi cần phải đầu tư nguồn lực, phải nghĩ lớn, nhưng khi thực hiện cần bắt đầu thông minh, lựa chọn bài toán phù hợp. Điều quan trọng là chọn được đối tác tin cậy, thấu hiểu bài toán doanh nghiệp, triển khai số hóa từ phạm vi nhỏ để dễ dàng quản lý và kiểm soát, rồi mới tính đến việc nhân rộng.

Vẫn biết, sự “Đổi mới” là chìa khóa thành công trong thế giới công nghệ kỹ thuật số luôn thay đổi. Và số hóa là quá trình không hề dễ dàng, điều này đòi hỏi những thay đổi đáng kể trong cách thức hoạt động của các doanh nghiệp ở mọi cấp độ. Khi được thực hiện đúng cách, chuyển đổi kỹ thuật số sẽ có những tác động không nhỏ đến tăng trưởng của các doanh nghiệp bằng cách thúc đẩy hiệu suất và tạo ra lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là mặc dù chuyển đổi kỹ thuật số thành công đòi hỏi phải lập kế hoạch và thực hiện cẩn thận, nhưng không có giải pháp nào là phù hợp cho tất cả.

Ở góc độ quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng cần tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, với trọng tâm là phát triển kinh tế số nền tảng để phục vụ người dân và doanh nghiệp, kinh tế số trên nền tảng chuyển đổi số sâu rộng sẽ là chiến lược lâu dài để phát triển toàn diện, bền vững. Khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy việc xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp chuyển đổi số “Make in Viet Nam” vươn ra chinh phục thế giới. Coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Và đương nhiên, chỉ khi chuyển đổi số được triển khai đồng bộ, toàn diện và hiệu quả thì chúng ta mới tự tin đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực