Lan tỏa quyết tâm đổi mới của Ngành giáo dục

Thứ năm, 17/08/2023 11:02
(ĐCSVN) – Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức sự kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại với nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục. Sự kiện được toàn Ngành mong chờ và dư luận đặc biệt quan tâm.
Đây là thời điểm quan trọng để xã hội quan tâm, chia sẻ, đồng cảm, ủng hộ với những quyết sách đổi mới của Ngành giáo dục.
Điểm cầu tại Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Lắng nghe để đổi mới

Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đăng đàn đối thoại lắng nghe cấp dưới của mình với hơn 1 triệu thành viên ngành Giáo dục. Với một lực lượng đông đảo như vậy áp lực là rất lớn, Bộ trưởng chia sẻ: “Cá nhân tôi rất hồi hộp, cũng có phần căng thẳng, vì thực sự chưa làm việc này bao giờ. Đứng trước 100 người, 1.000 người đã thấy căng, huống hồ đang trò chuyện với gần một triệu người nhưng tôi sẽ cố gắng.

Có người khuyên tôi không nên tổ chức cuộc này vì làm sao mà trả lời hết, nhỡ không trả lời hết, mọi người chuyển từ sự hồ hởi trông chờ ngóng đợi sang thất vọng thì sao?... Mọi điều đều có thể xảy ra. Nhưng mong muốn làm cứ phải làm và không đắn đo nhiều quá”.

Với quyết tâm để phát triển đổi mới nền giáo dục Việt Nam trước những thách thức mới, thì việc đối thoại và lắng nghe các thầy cô giáo và thành viên của Ngành giáo dục và đào tạo là việc làm cần thiết và vô cùng ý nghĩa.

Ông Nguyễn Kim Sơn cũng thừa nhận: “Ngành Giáo dục và đào tạo của chúng ta đang triển khai những việc rất lớn và rất khó, có việc khó tựa như dời non lấp bể”.

Sự kiện ấy đã tiếp nhận hơn 6.300 ý kiến từ các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt, trong đó có hơn 200 ý kiến từ các trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học. Đây là con số rất lớn để thấy sức nóng và sự quan tâm đặc biệt của các thành viên trong Ngành giáo dục. Các ý kiến tập trung trên một số nội như: Phản ánh về chế độ, chính sách, đặc biệt là những người đang công tác ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Một số ý kiến quan tâm đến tiền lương sau khi hoàn thành đào tạo trình độ đại học, xếp lương theo vị trí việc làm.

Các ý kiến cho rằng hiện nay mức lương thu nhập của giáo viên còn thấp so với mức sống của toàn xã hội, nhất là giáo viên mầm non dẫn đến việc nhiều giáo viên phải dành thời gian để đi làm thêm ngoài giờ lên lớp nhằm đảm bảo cuộc sống, từ đó hạn chế tới thời gian tự học, tự bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho bản thân…

Hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi gặp gỡ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên. 

Ở thời điểm này, lực lượng nhà giáo có gần 1,6 triệu, cả giáo viên mầm non, phổ thông, thường xuyên, cao đẳng, đại học và các tổ chức giáo dục khác. Đây là lực lượng hùng hậu, vốn rất quý của ngành để hoàn thành các mục tiêu to lớn, vẻ vang mà ngành Giáo dục đặt ra, Chính phủ giao phó.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT xác định phát triển đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, bền vững nhất, quyết định nhất để hoàn thành nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.

Việc phát triển đội ngũ nhà giáo là giải pháp của mọi giải pháp. Nhà giáo là tài sản quý nhất của ngành Giáo dục. Lãnh đạo Bộ sẽ cố gắng làm mọi việc, mọi biện pháp để có thể nâng cao vị thế, phát triển lực lượng nhà giáo, đổi mới lực lượng nhà giáo. Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành; trước hết cân nhắc để có thể nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, trước hết là giáo viên mầm non, tiểu học.

Bước đầu, Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 10%, giáo viên tiểu học tăng thêm 5%. “Mức tăng dù nhỏ nhưng cũng thêm một phần để động viên, bù đắp cho giáo viên mầm non, tiểu học”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.

Liên quan việc giáo viên mầm non phản ánh phải đến sớm, về muộn, trông trẻ qua trưa…, theo Bộ trưởng, với số giờ lao động như vậy, thầy cô phải bỏ nhiều sức lực, ít còn thời gian phát triển chuyên môn, chăm sóc gia đình. Đó cũng là lý do nhiều người ngại ứng tuyển làm việc tại trường mầm non. “Riêng với các thầy cô giáo bậc mầm non, hôm nay bàn nhiều về khó khăn, vất vả. Khó khăn lớn, vất vả nhiều, thu nhập ít, thiệt thòi nhiều, những gì chúng ta đã nhìn thấy, đã trao đổi chắc chắn sẽ có giải pháp”, Bộ trưởng nói.

Một số địa phương đã có giải pháp huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ tiền ngoài giờ cho giáo viên mầm non nhưng hiện còn thiếu hành lang pháp lý đầy đủ, bền vững bù đắp cho việc này. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục lưu ý đến việc bù đắp thù lao giờ làm việc nhiều của giáo viên mầm non.

Liên quan đến độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên cấp này, Bộ trưởng cho biết Chính phủ đang điều chỉnh Luật Bảo hiểm xã hội. Trong góp ý Luật này, Bộ GD&ĐT đã có ý kiến chính thức đề nghị đưa giáo viên mầm non và đối tượng lao động nặng nhọc, từ đó liên quan đến tuổi hưu.

Người đứng đầu ngành Giáo dục cũng bày tỏ mong muốn có thể tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên tất cả các cấp học, tuy nhiên triển khai trước đối với mầm non, tiểu học; sau đó sẽ lần lượt có các kiến nghị khác.

“Ngành Giáo dục có số lượng người hưởng lương, công chức, viên chức rất lớn, chiếm hơn 70% tổng số công chức, viên chức cả nước. Do đó, mỗi chính sách điều chỉnh, dù nhỏ, cũng cần tính toán các nguồn lực, điều kiện. Bởi vậy, chúng ta mong muốn, kiến nghị nhưng cũng cần từng bước, hợp lý”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói thêm.

Về ý kiến liên quan đến phụ cấp nhân viên trường học, theo Bộ trưởng, đây là nhóm chịu nhiều thiệt thòi, lương thấp, dù đã được hưởng phụ cấp ưu đãi tương ứng với công việc chuyên môn. Do đó sẽ phải tính đến việc điều chỉnh chính sách trong tương lai.

 Hiện nay có tới hơn 200 chính sách rải rác trong các văn bản khác nhau từ các Bộ, ngành, lượng chính sách lớn như vậy sẽ khó triển khai. Nhiều chính sách phải thông qua các Bộ, ngành khác, không phải việc riêng của ngành. Việc xây dựng Luật Nhà giáo trong thời gian tới có thể sẽ mang lại cho Ngành những chuyển biến tích cực về thể chế.

Đồng thời tiếp tục kiến nghị và làm việc với các Bộ, ngành về việc tăng phụ cấp ưu đãi, tìm mọi cách tăng thu nhập cho giáo viên, tìm mọi cách để tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo. Bộ cũng đang làm mọi cách để chăm lo cho các đối tượng đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, làm sao những đổi mới của ngành đang làm không dẫn đến làm gia tăng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, nội dung cuộc trao đổi, đối thoại không dừng ở đây. Các câu hỏi sẽ tiếp tục được phân tích theo các nhóm và sẽ trả lời theo từng nhóm và trả lời công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT. Các nhà giáo có thể không được trả lời trực tiếp câu hỏi của mình, nhưng sẽ tìm thấy lời đáp trong các câu hỏi, trong các trả lời theo từng nhóm như vậy.

Điều cuối cùng Bộ trưởng Bộ GD& ĐT đã gửi thông điệp đến các thầy, các cô hôm nay, đó là: Chúng ta cần phải kiên định ở con đường, mục tiêu đổi mới, những mục tiêu mang tính chiến lược của ngành. Chúng ta cần kiên trì thuyết phục và vận động phụ huynh, xã hội để cùng chia sẻ và đồng hành với chúng ta.

Chúng ta cần kiên quyết chống các biểu hiện lạc hậu, bảo thủ, tiêu cực; kiên quyết theo đuổi mục tiêu chiến lược phát triển con người. Chúng ta cần kiên trinh với nghề giáo, vinh quang của nghề nghiệp và vượt qua mọi khó khăn để thi đua dạy tốt, học tốt, dẫu khó khăn đến đâu cũng kiên trinh với nghề giáo.

Cuộc đối thoại đầy ý nghĩa này có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, mỗi gia đình và phụ huynh học sinh. Chúng ta tin tưởng rằng, với ý chí quyết tâm của Ngành giáo dục cùng sự đồng lòng của các thầy cô và sự ủng hộ của xã hội, sự nghiệp đổi mới giáo dục của nước nhà nhất định sẽ thành công./.

VM

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực