Thêm một cảnh báo về sự an toàn tại các công trình xây dựng

Thứ tư, 04/01/2023 13:30
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Vụ việc giải cứu cháu bé 10 tuổi rơi xuống trụ bê tông sâu 35m ở công trình cầu Rọc Sen tại xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục là hồi chuông cảnh báo về tình trạng chủ quan, mất an toàn tại các công trình, nhất là ở khâu kiểm tra, giám sát….
Nhân viên kỹ thuật kiểm tra lần cuối trước khi nhổ cọc bê tông khỏi hố để cứu bé Thái Lý Hạo Nam, sáng 4/1. Ảnh: Thuý An 

Những ngày qua, việc giải cứu cháu bé Thái Lý Hạo Nam, 10 tuổi rơi xuống trụ bê tông sâu 35m ở công trình cầu Rọc Sen tại xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp được cả nước quan tâm theo dõi. Do trụ bê tông quá sâu, tiết diện nhỏ, nhân viên cứu hộ không thể chui lọt, đội cứu nạn đã lên nhiều phương án giải cứu với nhiều thao tác rất khó khăn. Đến giờ phút này (trưa 4/1), sau bốn ngày đào bới, khoan và làm mềm đất với bao khó khăn, vất vả, huy động lực lượng gần 400 người, lực lượng cứu hộ chuẩn bị kéo cọc bêtông dài 35 m lên để cứu bé trai 10 tuổi mắc kẹt với phương châm “còn nước còn tát”. Và tất cả những ai theo dõi vụ việc cũng đang cầu mong cháu bé sẽ được sớm đưa lên mặt đất trong niềm hy vọng rằng sẽ có một "phép màu"!...

Đáng chú ý, ngay sau khi xảy ra sự việc, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 01/CĐ-TTg chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả sự cố tai nạn tại công trường thi công dự án cầu Rọc Sen. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ trì, tiếp tục phối hợp với Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải huy động mọi lực lượng, phương tiện cần thiết để tập trung triển khai công tác cứu nạn kịp thời, bảo đảm yêu cầu nhanh nhất, hiệu quả nhất; kịp thời thăm hỏi, động viên gia đình người bị nạn.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng có liên quan tập trung phối hợp thực hiện việc cứu nạn, cứu hộ; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó, yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Giao thông vận tải, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quá trình thi công các công trình, dự án, không để xảy ra các sự cố, tai nạn tương tự.

Điều đáng nói đây không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ việc trẻ rơi xuống hố công trình. Cách đây không lâu, vào khoảng 16 giờ 30 phút ngày 19/12/2022, anh Lại Thế Quang (ngụ thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) phát hiện bé gái L.K.T (5 tuổi) rơi xuống hố ép cọc bê-tông sâu khoảng 15m tại khu vực công trường đang thi công. Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ công an tỉnh Đồng Nai đã điều động 1 xe chỉ huy, 1 xe chuyên dụng cùng 14 cán bộ, chiến sĩ tới hiện trường triển khai ứng cứu. Do miệng hố rất nhỏ, không thể trực tiếp tiếp cận bé gái nên lực lượng chức năng vừa trấn an tinh thần để nạn nhân không bị hoảng loạn, vừa cẩn trọng đưa dây và thiết bị chuyên dụng xuống để bé bám vào, kéo lên. Rất may sau đó bé đã bình tĩnh và phối hợp thực hiện các bước theo hướng dẫn. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, bé gái được lực lượng cứu nạn cứu hộ đưa ra khỏi hố sâu và chuyển đến nơi an toàn.

Trước đó, tháng 8/2020, một vụ việc thương tâm đã xảy ra khi bé N.V (7 tuổi, trú tại khu phố 2, phường Bửu Long) cùng 3 cháu khác rủ nhau đến khu vực công trình đang san lấp mặt bằng thuộc dự án khu dân cư Bửu Long 3, thành phố Biên Hòa chơi. Sau đó, V đến đoạn cống đang thi công sâu 3-4m, chưa có nắp đậy rửa chân và không may trượt chân rơi xuống cống và tử vong.

Cuối tháng 9/2017, một bé trai là N.T.T (11 tuổi, học sinh lớp 4 Trường tiểu học Chu Văn An, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai đi học về bị nước cuốn xuống mương thoát nước, bị nước cuối trôi khoảng 5km và đã tử vong.

Vào ngày 4/8/2015, bé T.A (7 tuổi) trong khi đang chơi cùng bạn bè ở bãi đất trống cách nhà khoảng 50m tại xã Tân Vĩnh Hiệp, huyện Tân Uyên, Bình Dương thì bất ngờ lọt vào lỗ sâu bên cạnh đường ống giếng khoan. Hơn 100 cảnh sát cứu hộ, cứu nạn cùng nhiều phương tiện đã được huy động để triển khai đào đất, giải cứu bé T.A. Lực lượng cứu hộ đã phải tiến hành bơm oxy, truyền sữa và nước giúp bé duy trì sự sống. Rất may, sau 10 giờ giải cứu, bé T.A đã được giải thoát ra ngoài trong tình trạng hoảng sợ, có nhiều vết xây xước trên người.

Có thể nói, vấn đề đảm bảo an toàn công trình, công trường xây dựng luôn được đặc biệt quan tâm. Các quy định của pháp luật được ban hành đến thời điểm này được coi là rất chặt chẽ, với những chế tài xử phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, vấn đề đáng bàn là khâu giám sát chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, hàng chục năm qua đã xảy ra quá nhiều vụ tai nạn.

Để hạn chế những tai nạn lao động đáng tiếc tại các công trình xây dựng, thiết nghĩ, chủ đầu tư, người lao động luôn cần có ý thức, trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn. Người sử dụng nguồn lao động cần đào tạo cơ bản, thực hiện giám sát điều kiện lao động tại các công trình thường xuyên, liên tục nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra trong quá trình thi công.

Mặt khác, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến an toàn vệ sinh lao động cho người lao động, đối tượng sử dụng lao động và có chế tài xử lý nghiêm khắc nếu không tuân thủ. Cơ quan chức năng địa phương cũng cần phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm tra, xử lý nghiêm những công trình xây dựng vi phạm an toàn lao động... để những sự việc đáng buồn xảy ra trong thời gian tới.

Dẫu biết rằng, tai nạn xảy ra tại công trình xây dựng đang thi công có nhiều nguyên nhân. Trong đó có những vụ tai nạn như của bé Thái Lý Hạo Nam có thể coi là rất khó xảy ra nhưng nó vẫn xảy ra theo cách ít người ngờ đến. Vụ việc này lại thêm một hồi chuông cảnh báo về sự chủ quan cho tất cả những người liên quan đến các công trình xây dựng để tránh được những sự cố đau lòng xảy ra…/.

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực