Kế hoạch kiểm tra thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2022

Thứ năm, 03/03/2022 14:02
(ĐCSVN) - Công tác kiểm tra còn nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để kịp thời xử lý hoặc kiến nghị xử lý nhằm khắc phục những hạn chế của công tác xử lý vi phạm hành chính, góp phần xây dựng, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
 Kiểm tra thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (Ảnh minh họa)

Ngày 08/02/2022, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 115/QĐ-BTC về Kế hoạch kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2022 của Bộ Tài chính.

Theo đó, trong năm 2022, Bộ Tài chính sẽ kiểm tra công tác xử lý vi phạm hành chính tại các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Đồng Tháp, Bình Phước, Điện Biên, Kon Tum. Thông qua hoạt động kiểm tra sẽ thu thập thông tin, nắm bắt, đánh giá đúng thực trạng về tình hình thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính. Công tác kiểm tra còn nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để kịp thời xử lý hoặc kiến nghị xử lý nhằm khắc phục những hạn chế của công tác xử lý vi phạm hành chính, góp phần xây dựng, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Đồng thời, hoạt động kiểm tra giúp tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong hoạt động quản lý nhà nước công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách, quản lý cũng như công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và tổ chức bộ máy (bộ phận) thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính.

So với các năm trước, Kế hoạch năm 2022 được bổ sung kiểm tra công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công tại các đối tượng dự kiến kiểm tra là Sở Tài chính các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Đồng Tháp, Bình Phước, Điện Biên, Kon Tum.

Việc kiểm tra sẽ phải bảo đảm yêu cầu khách quan, hiệu quả, đúng với quy định của pháp luật, hoạt động kiểm tra phải bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan, không trùng lắp, chồng chéo với các hoạt động kiểm tra khác thuộc phạm vi, quyền hạn của các cơ quan đã được pháp luật quy định. Phạm vi kiểm tra là việc triển khai quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành trong lĩnh vực tài chính. Trong đó, nội dung kiểm tra tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và việc thi hành, áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Để triển khai Kế hoạch năm 2022, đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính dự kiến sẽ kiểm tra trực tiếp tại các đơn vị trong năm 2022 và phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại các địa phương được kiểm tra.

Trước đó, từ năm 2016 đến năm 2021, Bộ Tài chính đã kiểm tra công tác xử lý VPHC ở 38 địa phương, tại 68 đơn vị, cụ thể: 32 cục thuế, 22 cục hải quan và 14 kho bạc nhà nước các tỉnh, thành phố. Công tác này của Bộ Tài chính đã được Bộ Tư pháp đánh giá cao tại các Báo cáo xử lý vi phạm hành chính và Kết luận kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại Bộ Tài chính.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực