Quốc hội thông qua Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) và Luật Thú y

Thứ sáu, 19/06/2015 18:34

(ĐCSVN) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, chiều 19/6, Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) và Luật Thú y; cho ý kiến về dự án Luật Tạm giữ, tạm giam.

 

Chiều 19/6, Quốc hội làm việc tại hội trường


Với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). Gồm 9 chương, 62 điều, Luật này quy định về nghĩa vụ quân sự; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân và chế độ, chính sách trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Theo Luật, công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Việc đăng ký nghĩa vụ quân sự và thực hiện nghĩa vụ quân sự là bắt buộc đối với công dân nam. Đối với công dân nữ, chỉ quy định người có chuyên môn phù hợp với quân đội nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ và được đăng ký vào ngạch dự bị; khi có yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng - an ninh thì được động viên vào phục vụ tại ngũ. Đối với người đồng tính là công dân Việt Nam, nếu có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự bình đẳng như công dân khác. Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi. Công dân đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.

Các đối tượng không được đăng ký nghĩa vụ quân sự gồm: Công dân đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế hoặc đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) hoặc đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Về quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ, theo Luật, những công dân sau được tạm hoãn gọi nhập ngũ: Chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe; là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra, được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận; một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%; có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ, hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; người thuộc diện di dân, giãn dân trong 03 năm đầu đến các xã đặc biệt khó khăn theo dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên quyết định; cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.

Các đối tượng được miễn gọi nhập ngũ gồm: Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một; một anh hoặc một em trai của liệt sĩ; một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên.

Luật cũng quy định thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không quá 06 tháng trong trường hợp sau: Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn.

Cho ý kiến về Dự án Luật Tạm giữ, tạm giam, các đại biểu đánh giá cao nhiều điểm mới tiến bộ của Dự án Luật trong việc bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đối với người bị tạm giữ, tạm giam; đồng thời cho rằng, sẽ là tiến bộ hơn nữa nếu Dự thảo Luật cho phép người bị tạm giữ, tạm giam có quyền khởi kiện khi bản thân bị xâm phạm về quyền và lợi ích hợp pháp.

Thảo luận về Dự án Luật Tạm giữ, tạm giam, các đại biểu cho rằng: Đây là Dự án Luật quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phục vụ cho quá trình điều tra, truy tố xét xử và thi hành án hình sự. Do đó, Dự án Luật vừa phải đáp ứng yêu cầu bảo vệ các quyền con người mà người bị tạm giữ, tạm giam không bị hạn chế, khắc phục những bất cập từ thực tiễn, nhất là khắc phục tình trạng chết người tại nhà tạm giữ ;bức cung, nhục hình tại nhà tạm giữ, trại tạm giam, nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo được tính khả thi.

Về mô hình quản lý hệ thống trại tạm giam, nhà tạm giữ, đại biểu Lưu Thị Huyền (đoàn Ninh Bình) cho rằng: Hiện nay, chúng ta đang thiếu rất nhiều hệ thống cơ sở vật chất và biên chế cán bộ, chiến sĩ thực hiện công tác tạm giữ, tạm giam. Nếu tách khỏi Công an các cấp thì phải đầu tư một lượng kinh phí rất lớn để xây dựng lực lượng nhà tạm giam, tạm giữ mới. Do vậy, đề nghị nên giữ hệ thống tổ chức cơ quan quản lý trại tạm giữ, nhà tạm giam như hiện hành là phù hợp.
 
Liên quan đến quản lý người bị kết án tử hình, đại biểu Lưu Thị Huyền đề nghị, nên giữ quy định như hiện hành. Theo đại biểu Lưu Thị Huyền, nếu tập trung quản lý giam giữ tất cả những người bị kết án tử hình, kể cả số lượng mà bản án đã có hiệu lực và chưa có hiệu lực pháp luật tại một nơi thì sẽ khó khăn trong việc thực hiện hoạt động tố tụng; đồng thời, cũng khó khăn trong việc quản lý giam giữ, vì nếu tập trung tất cả các đối tượng này vào một nơi thì sẽ là nguồn nguy hiểm cao trong hoạt động quản lý, giám sát.

Đánh giá cao điểm tiến bộ của Dự án Luật khi cho phép người tạm giữ, tạm giam có quyền khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (đoàn Bình Thuận) cho rằng, sẽ là tiến bộ hơn nữa nếu Dự thảo Luật cho phép người bị tạm giữ, tạm giam có quyền khởi kiện khi bản thân bị xâm phạm về quyền và lợi ích hợp pháp.

Cũng theo đại biểu Đỗ Ngọc Niễn, người bị tạm giữ, tạm giam chia làm hai nhóm đối tượng là người chưa có tội và người có tội. Người chưa có tội là một công dân bình thường, có đầy đủ quyền con người, quyền công dân. Theo đó, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn đề nghị xem lại quy định của Dự thảo Luật về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam. Theo đại biểu Đỗ Ngọc Niễn, người có tội phải bị hạn chế, nghiêm cấm thực hiện một số quyền công dân là đúng, nhưng sẽ là không phù hợp với người chưa có tội. Người chưa có tội vì sao họ không có quyền làm những điều mà pháp luật không cấm? Tại sao bị hạn chế một số quyền như dự Luật quy định?

Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn đề nghị, cần sửa lại Điều 9 theo hướng quy định riêng rẽ quyền và nghĩa vụ của 2 nhóm đối tượng là: Người có tội và người chưa có tội.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã thông qua Luật Thú y, trong đó quy định, Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền công bố dịch đối với động vật trên cạn./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực