Thu phí chữ ký số vẫn chưa được các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số triển khai

Thứ hai, 13/03/2017 13:52
(ĐCSVN ) - Thông tư số 305/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, thế nhưng sau gần 2 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, việc thu phí chữ ký số vẫn chưa được các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số triển khai.

Ảnh minh họa. Nguồn: TL

Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017,  Điều 4 Thông tư số 305 /2016/TT-BTC quy định rõ, mức thu phí dịch vụ duy trì kiểm tra trạng thái chứng thư số là 3.000 đồng/chữ ký số/tháng. Đối với chữ ký số đã được cấp cho các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng trước ngày 1/1/2017, thực hiện nộp phí từ quý 3/2017. Thế nhưng, sau gần 2 tháng kể từ ngày Thông tư 305 có hiệu lực, phí áp dụng cho các dịch vụ liên quan như khai thuế điện tử, hải quan điện tử và bảo hiểm xã hội điện tử... của tất cả các nhà cung cấp dịch vụ chứng thư số tại Việt Nam chưa có dấu hiệu thay đổi.

Bày tỏ ý kiến liên quan đến Điều 4 của Thông tư này, một số tổ chức, doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (nhà cung cấp dịch vụ CA) cho biết, việc thu phí chữ ký số vẫn chưa được các doanh nghiệp này triển khai do Thông tư 305 đang có nhiều điểm chưa rõ ràng và cần phải có những hướng dẫn cụ thể hơn nữa.

Theo ông Hứa Tiến Thành, phụ trách mảng chữ ký số, Tổng Công ty viễn thông quân đội Viettel cho biết, tại Điều 4 của Thông tư 305, quy định mức tính phí trên cơ sở tính theo chữ ký số sử dụng trong tháng. Tuy nhiên, trên thực tế, chữ ký số chỉ là một trong những sản phẩm của chứng thư số.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng đại diện miền Bắc Công ty cổ phần chữ ký số Vina cũng cho rằng, chứng thư số có thể được hiểu như một con dấu, nó có thể được sử dụng trên nhiều tài liệu khác nhau, tức là một chứng thư số có thể tạo ra vô số chữ ký số. Như vậy, nếu thực hiện theo Thông tư 305 (3.000đồng/chữ ký số/tháng, tức là tính phí dựa trên chữ ký số) thì một đơn vị sử dụng một chứng thư số trên nhiều tài liệu khác nhau trong một tháng sẽ phát sinh một khoản chi phí rất lớn. Do đó, trong trường hợp này, mức thu phí cần tính trên cơ sở chứng thư số chứ không phải chữ ký số.

Một trong những điểm chưa hợp lý nữa được các nhà cung cấp dịch vụ CA nêu ra trong Thông tư 305 đó là việc quy định đối tượng phải nộp phí.

Điều 2 của Thông tư số 305 quy định người nộp phí là các tổ chức, doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cho tổ chức, doanh nghiệp sử dụng theo quy định của pháp luật. Hiểu theo Thông tư này thì người phải nộp phí chính là các CA (tức là các đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số). Mặt khác, theo Luật phí và lệ phí thì phí là khoản để bù đắp chi phí cơ bản do cá nhân, tổ chức phải trả cho các dịch vụ hành chính công, tức là các đơn vị sử dụng chữ ký số phải trả.

Phân tích để làm rõ vấn đề trên, đại diện nhà cung cấp chữ ký số của Công ty cổ phần Bkav lập luận rằng, đối với dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, người sử dụng dịch vụ kiểm tra trạng thái chứng thư số chủ yếu không phải các nhà cung cấp dịch vụ CA. Những người tham gia vào các giao dịch điện tử có sử dụng chữ ký, ví dụ đối với dịch vụ nộp thuế điện tử; người nộp thuế gửi tờ khai thuế (file điện tử có ký số của người nộp thuế) cho cơ quan thuế, cơ quan thuế tiếp nhận tờ khai, xử lý sau đó gửi xác nhận đã nhận tờ khai thuế cho người nộp thuế (file điện tử có ký số của Tổng cục thuế).

Để kiểm tra chữ ký số có hợp lệ hay không trên các file điện tử, theo điều 26/2/b của Luật Giao dịch điện tử, người nộp thuế và cơ quan thuế tiến hành kiểm tra trạng thái chứng thư số ứng với các chữ ký số được ký lên file điện tử tại hệ thống của các CA và kiểm tra trạng thái chứng thư số của CA tại của Trung tâm chứng thực điện tử Quốc gia.

Như vậy người sử dụng dịch vụ kiểm tra trạng thái chứng thư số của Trung tâm chứng thực điện tử Quốc gia (NEAC) khi nay không phải là các CA. Do đó, Điều 2 Thông tư quy định về đối tượng áp dụng là chưa chính xác vì những người sử dụng chứng thư số và các đơn vị cung cấp dịch vụ dùng chứng thư số (như cơ quan thuế, hải quan…) mới là đối tượng chính sử dụng dịch vụ này.

Đại diện Công ty cổ phần Bkav lý giải thêm, theo Thông tư 305, đối với dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số do Trung tâm chứng thực điện tử Quốc gia (NEAC) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp, thì mỗi nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số (CA) chỉ sử dụng một chứng thư số duy nhất do NEAC cấp. Do vậy, mỗi CA sẽ nộp phí cho một chứng thư này.

Còn đối với chứng thư số do CA cấp cho các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng (khách hàng của các CA), khi CA thu phí của khách hàng, theo Luật phí và lệ phí thì phải có biên lai thu phí và không tính thuế VAT trên phí. Tuy nhiên, biên lai do cơ quan nào phát hành và quy trình thực hiện như nào thì vẫn chưa có văn bản hướng dẫn, mặc dù Thông tư đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 nên các CA chưa thể triển khai Thông tư.

Theo các CA, họ tán thành với quan điểm phải nộp phí để phát triển mảng chữ ký số, vì việc ứng dụng chữ ký số trong 2-3 năm gần đây thực sự đã mang lại nhiều hiệu quả cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các CA kiến nghị Trung tâm chứng thực điện tử Quốc gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (đơn vị tổ chức thu phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số theo quy định tại Thông tư số 305) và Bộ Tài chính sớm có văn bản cụ thể hướng dẫn để các CA có căn cứ thực hiện Thông tư này.

Được biết, hiện nay, cả nước có 8 nhà cung cấp CA và có 600.000 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ chứng thư số, chủ yếu cho các lĩnh vực kê khai thuế qua mạng, hải quan điện tử và bảo hiểm xã hội điện tử./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực