Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trả lời về chênh lệch số liệu xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc

Thứ ba, 09/06/2015 11:01

(ĐCSVN) Tham gia thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 8/6, đại biểu (ĐB) Mai Hữu Tín (Bình Dương) đã đề cập đến một vấn đề mà theo ĐB là “lớn hơn, nguy hiểm hơn tới nền kinh tế Việt Nam”, đó là phát sinh sự chênh lệch về số liệu xuất, nhập khẩu theo công bố của Tổng cục Thống kê giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Theo ĐB Mai Hữu Tín số liệu này luôn chênh lệch từ trước tới nay, theo khuynh hướng ngày càng bất lợi cho Việt Nam. ĐB nói: “Chỉ lấy riêng số liệu của năm 2014, theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc thì Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam 19,9 tỷ USD, cao hơn trên 30% so với con số công bố của Tổng cục Thống kê Việt Nam. Trung Quốc lại xuất khẩu vào Việt Nam 63,7 tỷ USD, cao hơn đến 45% so với con số của Tổng cục Thống kê Việt Nam. Có nghĩa là riêng năm 2014 thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc là 43,8 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với con số 28,9 tỷ USD mà chúng ta công bố, một khoảng chênh lệch gần 15 tỷ USD, có nghĩa là nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm gần 38% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, không chỉ là 30% theo con số công bố của ta”. 
 

        Bộ trưởng Bùi Quang Vinh giải trình trước Quốc hội (Ảnh: KT)

ĐB cho rằng, việc khác biệt về số liệu xuất nhập khẩu của cơ quan thống kê các nước là việc bình thường, do nhiều lý do, bao gồm khác biệt về cách ghi nhận tỷ giá, về chi phí vận chuyển và bảo hiểm... ĐB phân tích, với hai nước láng giềng có chung biên giới rất dài như Việt Nam và Trung Quốc thì chi phí vận chuyển và bảo hiểm thực tế không thể lớn hơn tỷ lệ 6,6%. Do vậy, nếu Việt Nam ghi nhận 14,9 tỷ USD xuất khẩu cho Trung Quốc thì con số mà Trung Quốc ghi nhận nên vào khoảng 15,9 tỷ USD. Nhưng con số Trung Quốc ghi nhận lại là 19,9 tỷ USD, cao hơn khoảng 4 tỷ USD. Giữa hai nước còn có hoạt động xuất, nhập khẩu tiểu ngạch ở biên giới không được ghi nhận đầy đủ và chắc chắn chiếm một phần trong khác biệt 4 tỷ USD này. “Phần còn lại là gì? Chỉ có thể giải thích là phần lớn con số này đến từ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu lậu sang Trung Quốc. Tại sao có xuất khẩu lậu, trong khi chúng ta hết sức khuyến khích xuất khẩu? Hầu hết mặt hàng xuất khẩu chịu thuế suất xuất khẩu bằng 0 và nhà xuất khẩu được hoàn thuế giá trị gia tăng. Lời giải thích hợp lý kế tiếp, đó là các mặt hàng Việt Nam cấm xuất khẩu hoặc xuất khẩu phải chịu thuế. Đó là những mặt hàng nào? Theo tôi, đó là tài nguyên, khoáng sản của Việt Nam” – ĐB phân tích.

Về nhập khẩu, ĐB cho rằng giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc mà Việt Nam ghi nhận đã bao gồm chi phí vận chuyển và bảo hiểm, lẽ ra phải cao hơn giá trị Trung Quốc ghi nhận. Nhưng số liệu Việt Nam ghi nhận lại thấp hơn của Trung Quốc đến khoảng 20 tỷ USD chỉ trong năm 2014.

Trả lời ĐB Mai Hữu Tín tại phiên thảo luận tại hội trường chiều ngày 8/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, những con số mà ĐB Mai Hữu Tín đưa ra là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, cách lý giải về vấn đề này chưa thống nhất mặc dù có nhiều phần đúng khi có chênh lệch số liệu do quản lý hải quan chưa tốt về buôn lậu và gian lận thương mại. Cũng theo Bộ trưởng, có hiện tượng buôn lậu và gian lận thương mại hàng Trung Quốc vào Việt Nam nhưng không thể suy luận đây là nguyên nhân khiến chênh lệch số lượng thống kê lớn như vậy.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, hiện nay hầu hết các số liệu thống kê xuất, nhập khẩu của Việt Nam với các nước đều có hiện tượng chênh lệch như với Trung Quốc. Như với Singapore năm ngoái, con số thống kê xuất, nhập khẩu của Việt Nam với Singapore là 9,8 tỷ USD còn Việt Nam thống kê 16 tỷ USD. Hay như với Nga, ta thống kê 3,5 tỷ USD, còn Nga nêu 4,5 tỷ USD.

Bộ trưởng cho hay có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, do thống kê các nước khác nhau. Thứ hai hàng hóa của Việt Nam xuất vào mỗi nước không tính giá trị xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, không phải là buôn lậu mà có qua hải quan, Trung Quốc không tính con số đó. Bộ trưởng ví dụ, Việt Nam năm 2014 tính xuất khẩu nông sản chủ yếu là gạo 2,14 tỷ USD, Trung Quốc cũng mặt hàng này nhưng chỉ ghi nhận 0,7 tỷ USD. Trong 7 triệu tấn gạo xuất khẩu của Việt Nam thì trị trường Trung Quốc nhập 2,5 triệu tấn, chiếm gần 30% nhưng nhập chủ yếu qua đường tiểu ngạch.

Giá trị hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tính thấp đi, ngược lại giá trị xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam lại được tính cao lên do tính theo nguyên tắc xuất xứ hàng hoá (C/O).
Nguyên nhân thứ ba được Bộ trưởng nói đến là cách tính giá trị giá hải quan giữa các nước cũng đang rất khác nhau do cách tính thuế khác nhau. "Từ những phức tạp này nên dẫn tới chuyện số liệu thống kê của các nước đưa ra khác nhau. Điều này đã được các nước nhìn nhận và đưa ra giải pháp để thu hẹp khoảng cách chênh lệch này, song thực tế lại rất khó" - Bộ trưởng nói./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực