Vì sao Bình Thuận chưa xử lý doanh nghiệp sai phạm quy định khai thác cát xây dựng?

Thứ tư, 26/05/2021 16:46
(ĐCSVN) – Nhận được phản ánh của người dân tại huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận về nghi vấn một doanh nghiệp khai thác khoáng sản cát xây dựng trong lòng hồ Tà Pao khi hết hạn giấy phép hoạt động, PV ghi nhận sự chỉ đạo bất nhất khó hiểu của chính quyền địa phương.
./.
Khai thác cát ở lòng hồ Tà Pao (ảnh: Bạn đọc cung cấp) 

Cuối tháng 4/2021, PV nhận được phản ánh của người dân tại xã Đức Tân, huyện Tánh Linh về việc Công ty TNHH Thiết kế-Xây dựng và Thương mại Hoài Đức cố tình khai thác cát xây dựng khi giấy phép đã hết hạn sau 2 năm được ký kể từ năm 2019. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn bị người dân phản ánh vi phạm phạm vi dự án được cấp phép tại lòng sông La Ngà, thuộc lòng hồ công trình hệ thống thủy lợi Tà Pao. Chưa hết, để thực hiện việc kinh doanh, công ty nói trên còn thuê, sử dụng hàng loạt xe tải cỡ lớn, quá trọng tải để vận chuyển cát trên bờ hồ đập, gây mất an toàn và vi phạm hành lang vai đập dâng Tà Pao. Nhận được thông tin, tiến hành kiểm tra hình ảnh và thời gian ghi hình của hàng chục clip được ghi lại, PV đã có trao đổi với các cấp chính quyền để nắm bắt phương hướng xử lý từ cấp quản lý địa bàn cũng như các đơn vị có trách nhiệm khác.

Trao đổi qua với ông Giáp Hà Bắc, Chủ tịch huyện Tánh Linh, chúng tôi không nhận được thông tin nào xác đáng về sự việc nói trên. Điều đáng nói là sau đó, PV đã không thể liên lạc lại để đặt lịch với Chủ tịch Huyện dù đã giới thiệu rõ ràng chức danh, đơn vị công tác, cũng như thời gian dự kiến tác nghiệp. Tiếp tục liên hệ làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, PV Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam được đề nghị chờ đợi để Phó chủ tịch Nguyễn Văn Phong phản hồi trước khi có trả lời bằng văn bản chính thức. Nhưng rồi gần 2 tuần trôi qua, chúng tôi lại được hướng dẫn trao đổi với phó Chánh Văn phòng Ủy ban, người thông báo qua điện thoại là “không nắm được gì nhiều”, cần phải chờ ý kiến của các cơ quan liên ngành về sự việc.

Căn cứ các văn bản phóng viên hiện có cho thấy hàng loạt các mốc thời gian chồng chéo, vội vã và thậm chí, có dấu hiệu “đốt cháy giai đoạn” để Công ty Hoài Đức được tiếp tục khai thác, kinh doanh tài nguyên.

Cụ thể, từ 8h00 đến 9h00 ngày 27/4/2021, đại diện chính quyền làm việc với công ty Hoài Đức về nội dung kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 963 ngày 17/4/2019 (tận dụng khoáng sản cát trong quá trình nạo vét lòng hồ Tà Pao). Tại biên bản làm việc, các bên thống nhất doanh nghiệp TNHH Thiết kế-Xây dựng và Thương mại Hoài Đức phải tạm dừng mọi hoạt động cho đến khi gia hạn được giấy phép.

Ngày 28/4, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Thuận ký công văn số 1464 giao Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban Nhân dân Huyện Tánh Linh kiểm tra sự việc, báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh chậm nhất vào ngày 7/5.

Quyết định gia hạn giấy phép hoạt động cho DN chỉ sau một ngày chỉ đạo kiểm tra

Tuy vậy, chỉ đúng 1 ngày sau, ngày 29/4, Chủ tịch tỉnh đã ký Quyết định số 1052 gia hạn cấp phép cho Công ty Hoài Đức 14 tháng, tại Điều 3: Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục Thuế tỉnh, Ủy ban Nhân dân Huyện Tánh Linh và các thủ trưởng đơn vị khác có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định.

Đúng vào ngày 7/5, Sở Nông nghiệp và PTNN tỉnh ra văn bản số 1225 báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc không đủ thời gian để kiểm tra, xác minh vi phạm của công ty Hoài Đức. Lý do: Mãi đến ngày 6/5, Sở mới nhận được công văn số 1464(?!?).

Ngày 11/5, nghĩa là chưa đầy 2 tuần sau Quyết định gia hạn giấy phép khai thác cho Doanh nghiệp được ký, Sở Nông nghiệp và PTNN ra văn bản số 1252 yêu cầu Công ty TNHH Thiết kế-Xây dựng và Thương mại Hoài Đức dừng mọi hoạt động tại lòng hồ đập dâng Tà Pao để hoàn thiện thủ tục pháp lý. Cụ thể là bổ sung hồ sơ xin thuê đất theo quy định pháp luật.

Ngày 11/5, Sở Nông nghiệp và PTNN  phải ra văn bản yêu cầu DN dừng hoạt động để bổ sung hồ sơ  

Cũng chỉ một ngày sau, 12/5, Sở Tài nguyên Môi trường cùng có công văn đề nghị công ty Hoài Đức nhận lại hồ sơ để bổ sung Quyết định chủ trương đầu tư. Dĩ nhiên, đây là yếu tố cho thấy Sở Tài nguyên và Môi trường không có đủ cơ sở để tham mưu trình UBND tỉnh xem xét gia hạn sử dụng đất.

Về góc độ cải cách hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, có thể xem sự việc này như một "điển hình" về tốc độ xử lý thủ tục, giấy tờ. Nhưng bên cạnh việc “quá nhanh”, liệu có yếu tố tiêu cực do "bôi trơn" cấp trên dẫn tới các sở, ban ngành liên quan không theo kịp quyết định cao nhất từ UBND tỉnh để thẩm tra, giám sát? Đối với một doanh nghiệp có dấu hiệu sai phạm và đang trong quá trình thanh tra để hoàn thiện hồ sơ xin phép gia hạn, liệu đây có phải là sự ưu ái có phần quá mức?!

Dư luận đang chờ câu trả lời thỏa đáng từ đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về nội dung vụ việc và các dấu hiệu sai phạm khác được ghi nhận từ hoạt động kinh doanh, khai thác tài nguyên tại Tà Pao, Tánh Linh trong các các bài viết tiếp theo../.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực