Đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo ở các cơ sở giáo dục đại học

Thứ bảy, 21/02/2015 12:17

(ĐCSVN)- Chất lượng và hiệu quả của giáo dục đại học (ĐH) luôn là mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội trong đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao ở Việt Nam, đặc biệt là ở thời điểm hiện tại, khi toàn ngành giáo dục đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tính đến năm 2014, cả nước có 428 trường ĐH, CĐ, 58 viện đào tạo sau đại học phủ khắp các tỉnh, thành trong cả nước với quy mô hơn 2 triệu sinh viên và hơn 91 nghìn giảng viên. Quy mô đào tạo sau đại học cũng tăng nhanh với tổng số 96.370 học viên, trong đó nghiên cứu sinh là 6.441, chiếm 7% và 98.929 học viên cao học, chiếm tỷ lệ 93%.

 

 Ảnh minh họa. Nguồn: VA


Theo nhận định của TS Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT thì trong 5 năm trở lại đây, giáo dục ĐH Việt Nam đã có những bước tiến rõ rệt nhờ có những giải pháp đổi mới được triển khai đồng bộ trong toàn hệ thống. Có thể nói, những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo ở các cơ sở giáo dục ĐH ở Việt Nam đều bám sát các quan điểm, chủ trương đã nêu trong các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, đồng thời sát với thực tế Việt Nam và phù hợp với xu thế thế giới.

Tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH được mở rộng theo quy định trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, phương án tuyển sinh, xây dựng chương trình đào tạo, thực hiện toàn bộ các khâu trong quá trình đào tạo và cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ.

Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ đã được rà soát và điều chỉnh theo Quyết định 37/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ nhằm phát triển mạng lưới các trường ĐH, CĐ phù hợp với chiến lược phát triển và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; mở rộng hợp lý quy mô đào tạo, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, đảm bảo đạt các tiêu chí quy định về chất lượng và số lượng đội ngũ giảng viên, quy mô diện tích đất đai, cơ sở vật chất – kỹ thuật – trang thiết bị, phù hợp với khả năng đầu tư của ngân sách nhà nước, sự huy động nguồn lực xã hội.

Cũng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, trong năm 2014, Bộ GD&ĐT đã dừng tuyển sinh đối với 207 ngành hệ đại học của 71 cơ sở đào tạo từ năm 2014 do không đáp ứng điều kiện quy định về giảng viên, cơ sở vật chất. Trong các Quyết định dừng tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đều nêu rõ nếu những thiếu sót trong quá trình rà soát kiểm tra không được khắc phục, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét việc tạm dừng hoạt động hoặc giải thể trường.

TS Bùi Anh Tuấn chỉ ra rằng, tuy có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng chất lượng giáo dục ĐH vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội. Biểu hiện của những mặt hạn chế trong giáo dục ĐH thể hiện ở các mặt, đó là các chương trình đào tạo vẫn còn đặt nặng trọng tâm vào việc truyền đạt kiến thức mà chưa chú ý đúng mức đến các kỹ năng phát triển cá nhân gắn kết với xã hội và kỹ năng sáng nghiệp; phương pháp giảng dạy vẫn nặng về truyền thụ một chiều, thụ động.

Ngoài ra, việc đổi mới nội dung chương trình đào tạo còn chậm, chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn sản xuất; chưa chú trọng đúng mức tới đòi hỏi và nhu cầu của thị trường lao động; cơ sở vật chất đầu tư cho các trường còn nhiều thiếu thốn, nhiều trường còn thiếu phòng làm việc cho các giáo sư, thư viện, phòng thí nghiệm, không gian học tập…

Theo TS Bùi Anh Tuấn chất lượng đào tạo là một nội dung cơ bản thể hiện uy tín của một nền giáo dục. Để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả của giáo dục ĐH trong thời gian tới, hướng đến đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế theo Nghị quyết 29-NQ/TW cần phải thực hiện có hệ thống các giải pháp mang tính đồng bộ.

Trước hết, đẩy mạnh việc thực hiện công khai, minh bạch hóa thông tin đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện để xã hội giám sát chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục ĐH; chuẩn hóa cơ cấu hệ thống giáo dục thông qua việc thực hiện phân tầng các cơ sở giáo dục ĐH theo Luật giáo dục ĐH thành 3 nhóm: Trường ĐH theo định hướng nghiên cứu, trường ĐH theo định hướng ứng dụng và các trường cao đẳng thực hành nghề nghiệp. Cùng với đó sẽ thực hiện xếp hạng trong từng nhóm.

Việc này nhằm phục vụ cho công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH cũng như công khai minh bạch chất lượng đào tạo, tạo sự cạnh tranh lành mạnh. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang soạn thảo Nghị định về tiêu chí phân tầng và khung xếp hạng trong từng nhóm để trình Chính phủ ban hành.

Triển khai công tác kiểm định chất lượng đào tạo bao gồm kiểm định chất lượng chương trình và kiểm định cơ sở giáo dục ĐH. Bộ GD&ĐT đã thành lập 2 Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc 2 Đại học Quốc gia. TS Bùi Anh Tuấn cho hay, để kiểm định chất lượng của tất cả các cơ sở giáo dục ĐH trong cả nước, trong thời gian tới, cần tăng cường việc đào tạo kiểm định viên và có thể thành lập thêm một số trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục phân bố ở các vùng miền trong cả nước.

Cùng với đó, tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy và học, phát triển các chương trình chất lượng cao. Trong đó, đổi mới phương pháp dạy và học, các cơ sở đào tạo cần tiến hành theo hướng kết hợp giữa phương pháp dạy truyền thống với tăng cường thảo luận, làm bài tập nhóm, thuyết trình trong lớp, tăng cường nghiên cứu các tình huống thực tiễn… Tiếp tục phát huy tác động lan tỏa tích cực các chương trình tiên tiến, chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao…

Đổi mới hoạt động thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo theo hướng chú trọng đánh giá năng lực phân tích, sáng tạo, giải quyết vấn đề và thái độ nghề nghiệp. Trước hết là đổi mới công tác thi tuyển sinh ĐH, CĐ, các cơ sở giáo dục ĐH, được tự quyết định phương thức tuyển sinh theo quy chế. Hiện Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến rộng rãi của xã hội về Dự thảo Quy chế thi quốc gia THPT 2015 và Quy chế tuyển sinh ĐH theo hướng giảm bớt các gánh nặng thi cử cho người dân và tiết kiệm ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, tập trung chuyển từ đào tạo theo khả năng của từng trường sang đào tạo theo nhu cầu của xã hội, của thị trường lao động, phù hợp với khả năng và thế mạnh của nhà trường; tiếp tục đổi mới công tác tài chính, sử dụng chính sách tài chính nhà nước như công cụ để thúc đẩy đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo và đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của các trường ĐH.

Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động tham gia hỗ trợ hoạt động đào tạo, lựa chọn các dự án đầu tư để khuyến khích đầu tư theo hình thức PPP (đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư); tiếp tục phát huy các hình thức liên kết đào tạo quốc tế và khu vực để thực hiện tốt chiến lược hội nhập và chiến lược nâng cao chất lượng đào tạo ĐH và sau ĐH./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực