GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Áp lực xã hội - gốc rễ chuyện “giảm tải”

Thứ sáu, 07/10/2011 15:31

Năm học 201-2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD& ĐT) triển khai việc giảm tải toàn bộ chương trình từ tiểu học đến THPT. GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, người đã trực tiếp tham gia vào việc giảm tải ở cấp tiểu học cho rằng, một trong những giải pháp để thực hiện tốt giảm tải chính là hóa giải các áp lực xã hội đối với chuyện học hành.

 

 GS.TS Nguyễn Minh Tuyết.

PV: Gắn bó với giáo dục trong một thời gian dài..., Giáo sư nghĩ gì về câu chuyện “giảm tải” mà ngành giáo dục đề ra trong năm học 2011-2012 này?

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Nếu tôi nhớ không nhầm thì đây là lần thứ hai ngành giáo dục đặt vấn đề giảm tải toàn bộ chương trình từ tiểu học đến THPT. Chưa biết kết quả thế nào, nhưng trước hết cần phải hoan nghênh động thái này của ngành giáo dục vì nó thể hiện tinh thần cầu thị của ngành trước các ý kiến của xã hội về “việc học tập quá tải”. Song, tôi không thật tin là sau đợt giảm tải này hoặc sau một, hai đợt giảm tải nữa tình hình sẽ được cải thiện vì vấn đề quá tải không hoàn toàn nằm ở chương trình, SGK, mà nó ở chỗ khác.

Không những thế, việc triển khai giảm tải trong năm học 2011-2012 này có vẻ gấp quá. Đáng ra, việc giảm tải phải được bàn bạc sớm hơn, có văn bản hướng dẫn chu đáo hơn, thậm chí còn phải tập huấn cho những thành phần cốt cán… nhưng mãi đầu năm học Bộ GD&ĐT mới gửi văn bản về các địa phương. Tôi có cảm tưởng Bộ cũng bị động trong chuyện này, chứ chưa có kế hoạch chu đáo từ trước. Bởi vì việc giảm tải ở THCS, THPT được đưa ra bàn vào khoảng tháng 6, tháng 7- 2011, còn ở bậc tiểu học thì mãi đến cuối tháng 8 mới tiến hành các cuộc họp bàn. Lý do rất đơn giản là “không có kinh phí”. Thậm chí, là người trong cuộc, tôi biết đến bây giờ kinh phí họp vẫn chưa được duyệt.

Thực tế, cũng có những trường hợp việc “giảm tải”làm cho bài học thiếu tính logic, thí dụ: bài về Hội nghị Genève bị cắt mất phần hoàn cảnh, diễn biến của hội nghị, chỉ tập trung vào nội dung, ý nghĩa... Giáo sư nhìn nhận như thế nào về câu chuyện đó?

Học về một sự kiện lịch sử mà không biết hoàn cảnh lịch sử và diễn biến thì chẳng khác gì vẽ rồng có đuôi mà không có đầu. Tuy vậy, theo tôi, dù giảm tải hay không, vai trò của người đứng lớp rất quan trọng. Cùng một vấn đề nhưng có giáo viên dạy rất dễ hiểu, học sinh dễ tiếp thu, có giáo viên lại làm cho vấn đề trở nên phức tạp và học sinh không thể tiếp thu được.

Liệu việc giảm tải có mở ra cơ hội để các trường đua nhau dạy thêm, học thêm làm tăng gánh nặng học hành cho học sinh và các gia đình không? Theo Giáo sư, có giải pháp gì để khắc phục nạn dạy thêm học thêm tràn lan hiện nay?

Tôi cho rằng việc dạy thêm, học thêm sẽ không giảm được từ chương trình giảm tải này, vì những lý do từ cả hai phía cha mẹ học sinh và thầy cô. Trong hoàn cảnh “người khôn, việc khó” như hiện nay, mỗi nhà lại chỉ có 2 con, bố mẹ nào cũng muốn con giỏi từ bé để vào được những trường tốp đầu ở các cấp học trên, rồi được đi du học, ra trường có cơ hội tiến thân,… nên luôn luôn “ốp” con học thêm. Cha mẹ nghĩ vậy, lại gặp những thầy cô coi việc dạy thêm là phương tiện kiếm sống thì khó có thể xóa bỏ nạn dạy thêm, học thêm được.

Quả tình, việc cấm giáo viên dạy thêm không hợp lý và cũng không có tính khả thi. Bác sĩ có thể khám chữa bệnh ngoài giờ thì giáo viên dạy thêm cũng là chuyện bình thường. Chúng ta chỉ có thể cấm bác sĩ, giáo viên lợi dụng vị thế của mình buộc những người đang phụ thuộc vào mình là bệnh nhân ở bệnh viện mình đang làm việc hay học sinh ở trường mình đang dạy phải đến phòng khám tư của mình hay lớp dạy thêm của mình.

Quy định như vậy là rành mạch nhưng không thể chấm dứt được nạn dạy thêm, học thêm vì cha mẹ học sinh thì ngại nói ra còn cấp quản lý thì làm ngơ trước những hình thức bắt ép học sinh rất rõ ràng như phát cho học sinh hoặc cha mẹ học sinh những tờ đơn in sẵn, điểm danh học sinh đăng ký học thêm hằng ngày,…

Theo tôi, tốt nhất là quy định việc dạy thêm chỉ được thực hiện ở các cơ sở tư thục có đăng kí kinh doanh, đóng thuế đàng hoàng; trường hợp dạy kèm cho con em từng gia đình thì hai bên cần có hợp đồng gia sư. Các cơ sở có chức năng dạy thêm được mời thầy, cô tham gia giảng dạy nhưng thầy, cô không được phép ép buộc hoặc gợi ý cho học sinh của mình đến học, nếu bị phát hiện ra sẽ bị xử lý.

Nhưng mọi giải pháp sẽ chỉ đem lại hiệu quả nếu người cầm cân nảy mực công tâm và nếu các thầy cô nhận thức đúng về vị trí xã hội của mình. Nhà giáo không thể giải quyết khó khăn của mình bằng cách đẩy khó khăn cho những cha mẹ học sinh nghèo.

Ai cũng cho rằng việc “giảm tải” là cần thiết và đúng đắn, nhưng ngay cả những người trong cuộc (những giáo viên hiện đang trực tiếp đứng trên bục giảng) cũng tỏ vẻ hoài nghi và trong những cuộc họp phụ huynh đầu năm nay Ban giám hiệu của các trường đã lên tiếng cảnh báo về điểm tổng kết năm học của học sinh, vấn đề thi chuyển cấp... Phải chăng, nguyên nhân chính của vấn đề là ở đó?

Việc “giảm tải” là cần thiết và đúng đắn nhưng rất khó thực hiện theo kiểu cắt cơ học, bởi vì xét về chương trình học thì sự quá tải nảy sinh; trước hết do chương trình thiếu tính tích hợp và việc bố trí thời khoá biểu quá chặt chẽ, cứng nhắc. Không phải trong khoa học có bao nhiêu ngành thì chương trình phải dạy bấy nhiêu môn riêng rẽ.

Như cấp tiểu học có tận 11 môn học và "hoạt động giáo dục", nhưng tôi cho rằng có thể tích hợp các môn Tiếng Việt, Đạo đức, Khoa học, Địa lý, Lịch sử vào làm một. Là vì, đối với cấp tiểu học, tất cả những nội dung này đều được trình bày thông qua các bài đọc. Chuyên gia của các môn học này có thể ngồi lại với nhau để cùng bàn bạc, soạn thảo ra một chương trình phù hợp mang tính tích hợp cao, bớt được các môn học, tiết kiệm được thời gian, giảm được sự quá tải của chương trình.

Việc bố trí thời gian học trên lớp quá sít sao cũng gây nên quá tải bởi vì giáo viên và học sinh phải chạy đua với thời gian để khỏi “cháy giáo án”, không còn thời gian hoạt động, thư giãn và cũng khó có thể bố trí đi tham quan, dã ngoại. Những bất cập này chắc phải giải quyết bằng một chương trình mới.

Lý do thứ hai gây quá tải là do một số giáo viên chưa hiểu chương trình. Tôi đọc trên báo, thấy có cô giáo nói yêu cầu học sinh lớp 3 kể lại một trận thi đấu thể thao là quá sức các em vì các em không biết luật thi đấu thì làm sao tả được. Nói như vậy là cô nhầm lẫn kể với tả. Thực ra thì chương trình chỉ yêu cầu các em kể lại được một trận đấu được chứng kiến ở trường học, trên đường phố hay trên ti vi,... bằng dăm bảy câu đúng ngữ pháp là đạt, chứ không yêu cầu các em miêu tả một trận đấu thể thao ở cấp quốc gia hay quốc tế. Một “thần đồng” 10 tuổi ở Hà Nội có thể viết cả một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng hấp dẫn dày tới 200 trang trong vòng 3 tháng thì tại sao chúng ta lại sợ các bạn đồng lứa với em không viết nổi dăm bảy câu về một trận trận kéo co, đá cầu, đá bóng quả bưởi,… ?

Hay có giáo viên cho rằng nên duy trì việc cung cấp sẵn vốn từ theo chủ điểm của bài học như chương trình cũ để giúp học sinh làm tập làm văn tốt hơn. Ý kiến này cũng chứng tỏ giáo viên không hiểu chương trình.

Vốn từ được cung cấp sẵn theo chủ điểm là vốn từ thụ động, mang tính tiêu cực, còn chương trình giáo dục mới cung cấp vốn từ một cách tích cực qua các bài đọc, các tình huống ứng xử, các bài tập phát triển vốn từ,… Điều đó sẽ phát huy năng lực giao tiếp của các em tốt hơn nhiều. Nhưng nếu chúng ta vẫn muốn học sinh tiểu học viết văn như văn mẫu thì cung cấp sẵn một bảng từ hay giúp học sinh qua hoạt động tự hệ thống hóa và phát triển vốn từ cũng thế thôi.

Lý do thứ ba dẫn đến quá tải, như tôi đã nói, bắt nguồn từ áp lực của xã hội. Nhiều ông bố bà mẹ hằng ngày còn dạy trước chương trình cho con để khi đến lớp con có thể đạt điểm cao. Theo tôi, bố mẹ làm như vậy là lầm lẫn chức năng. Làm như vậy không khác gì tự bốc thuốc chữa bệnh cho con trước khi đưa con đến bác sĩ. Trách nhiệm của bố mẹ là lo cho con em mình cái ăn cái mặc; dạy con ngoan ngoãn, tôn trọng các quy ước, quy định về nếp sống của cộng đồng, biết cách cư xử văn minh với người xung quanh, đến giờ tự học biết ngồi vào bàn để học; nếu con có thắc mắc thì giải thích cho con nếu có thể v.v... Còn dạy học là việc của thầy cô, tức là những nhà chuyên môn được đào tạo để làm việc này.

Về phía thầy cô, cần hiểu rằng dạy thế nào để đạt yêu cầu là việc của mình, không thể mang chuyện thi cử ra làm áp lực đối với phụ huynh. Ai cũng biết, không thể có 100% học sinh giỏi ở một trường học: Học sinh có em giỏi, em khá, em chỉ học trung bình là chuyện bình thường và hết sức tự nhiên. Chúng ta phải quen dần với chuyện học hành, thi cử và chọn việc làm… phù hợp với năng lực, sở trường, của từng cá nhân, chứ ai cũng nhảy vào "dạy thêm" cho học sinh thì chỉ làm cho việc học của các em trở nên quá tải.

Theo Giáo sư, để “giảm tải” thực sự hiệu quả nên bắt đầu từ đâu và triển khai như thế nào?

Theo tôi, có rất nhiều việc phải làm.

Trước hết, cần xây dựng một chương trình có tính tích hợp và tính linh hoạt về mặt thời gian cao hơn. Trong trường hợp chưa xây dựng được chương trình khác thì cần tập trung "giảm tải" chương trình theo hướng này. Liên quan đến chương trình là việc đổi mới cơ cấu hệ thống giáo dục phổ thông. Như hiện nay, mọi người kêu quá tải suốt từ lớp 1 đến lớp 12.

Nếu hệ thống giáo dục phổ thông được đổi khác đi thì câu chuyện quá tải sẽ không còn gay gắt nữa. Thí dụ, ở nhiều nước châu Âu, hết tiểu học, người ta đã định hướng cho học sinh phân ban tùy theo năng lực của học sinh và nguyện vọng của mỗi gia đình: Học sinh có thể theo học chương trình trung học 6 năm để khi tốt nghiệp có thể vào đại học, học chương trình trung học 5 năm để khi tốt nghiệp vào cao đẳng, cũng có thể học chương trình trung học 4 năm để khi tốt nghiệp thì vào trường nghề. Cha mẹ học sinh và học sinh được lựa chọn chương trình nên không mấy ai kêu quá tải.

Tôi nghĩ hệ thống giáo dục phổ thông của Việt Nam không nên cồng kềnh như hiện nay. Chỉ học hết chín năm là đủ để con người ra đời và sống được. Sau chương trình phổ cập chín năm, đại bộ phận học sinh sẽ vào trường nghề, còn ai có đủ điều kiện để học đại học thì sẽ học hai năm dự bị đại học và chỉ học các môn phục vụ chuyên ngành trong tương lai (ví dụ, học Ngữ văn và Ngoại ngữ để vào đại học Ngoại ngữ; học Hóa, Sinh để vào đại học Y; học Toán, Lý, Hoá để vào các trường khoa học tự nhiên…). Như vậy, vừa giảm được "tải" vừa giảm được thời gian học tập.

Giải pháp thứ hai, theo tôi, là đổi mới chương trình đào tạo của trường sư phạm và cách thức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên. Thầy giỏi thì chương trình nào họ dạy cũng có hiệu quả.

Giải pháp thứ ba là phải hóa giải các áp lực xã hội đối với chuyện học hành. Nhà nước cần tăng cường đầu tư và khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư mở thêm trường lớp để có chỗ cho học sinh học.

Dĩ nhiên, mở thêm trường lớp phải có quy hoạch, hài hòa giữa các cấp học, các lĩnh vực đào tạo, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước và nhu cầu của người dân. Chứ mở các trường đại học tràn lan như hiện nay thì sẽ dẫn đến tình trạng chỗ cần thì thiếu trường lớp, chỗ đã dư thừa thì tiếp tục phát triển "quá tải".

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực