Mô hình tự quản ở bậc Tiểu học: Đừng làm rối lòng con trẻ và phụ huynh!

Thứ hai, 20/07/2015 17:24

(ĐCSVN) – Không phải giờ mới đề cập, thực tế, mô hình này đã được thí điểm 3 năm nay rồi. Trong vòng hơn 1 tuần trở lại đây, nó gây xôn xao dư luận vì được nằm trong Dự thảo Điều lệ trường tiểu học mới, dự kiến sẽ triển khai đại trà trong cấp tiểu học trên cả nước.

Tôi có anh bạn đồng nghiệp, đang công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Biết về Dự thảo này, anh phải than lên rằng: “Là người từng đứng lớp, đọc chuyện "Lớp trưởng thành Chủ tịch" đăng trên báo, nghe lời trần tình của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo mà thấy nực cười quá! Dân chủ trong trường học, lớp học hay không chủ yếu là vì cách làm của nhà trường và giáo viên, chứ đâu phải thay đổi từ chữ nghĩa. Lớp trưởng hay Chủ tịch hội đồng thì có ảnh hưởng gì đến việc thay đổi bản chất quan hệ giữa giáo viên với học sinh. Mà có cần thiết phải dạy cho học sinh từ tiểu học cái không khí "dân chủ" ấy không cơ chứ?!".

 

 Sơ đồ các chức danh theo Dự thảo mô hình Hội đồng tự quản cấp tiểu học
 (Ảnh tư liệu)


Theo Dự thảo này, “Hội đồng tự quản” là một mô hình mới để tổ chức học sinh trong các lớp bậc tiểu học. Khác với mô hình truyền thống gồm: Lớp trưởng, lớp phó và các tổ trưởng do thầy, cô chỉ định, Hội đồng tự quản gồm các chức danh: Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng và các Trưởng ban phụ trách như: Ban học tập, Ban quyền lợi, Ban sức khỏe - vệ sinh, Ban văn nghệ - thể dục, Ban Thư viện, Ban đối ngoại. Tất cả các chức danh này do các em học sinh ứng cử và bầu chọn. Ai kêu gọi được nhiều số phiếu nhất sẽ trúng cử vào vị trí Chủ tịch Hội đồng. Mọi công việc của lớp sẽ được bộ máy này chủ động tổ chức, từ học tập đến hoạt động văn - thể - mỹ. Giáo viên chủ nhiệm chỉ định hướng và chỉ dẫn để các em tự điều hành. Mô hình “Hội đồng tự quản” đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thí điểm ở nhiều trường tiểu học trên cả nước. Chủ động ứng cử vào những chức danh trong “Hội đồng tự quản” đã trở thành một phong trào trong các em học sinh tiểu học. Tuy nhiên, đối với một số trường chưa áp dụng, khi được giới thiệu mô hình “Hội đồng tự quản” với các chức danh mới này, các em học sinh tỏ ra khá bất ngờ.

Nhiều phụ huynh khi nhận được thông tin này cùng chung cảm giác, dường như con em mình đang bị đem ra làm “chuột bạch” cho các thí nghiệm của ngành Giáo dục. Tất nhiên, nếu đọc kỹ Dự thảo điều lệ trường tiểu học mới, người ta thấy có rất nhiều hạt nhân hợp lý trong bối cảnh cải cách của ngành Giáo dục. Xét cho cùng, sự phản ứng của dư luận, của người lớn có lẽ xuất phát từ một ý thức quen thuộc về khái niệm.
 
Từ trước đến nay, những tên gọi "Chủ tịch", "Phó chủ tịch" vốn dành cho những cá nhân lãnh đạo có chức vụ và được giao quyền trong xã hội… Trong khi đó, ở môi trường học tập, nhất là ở cấp tiểu học thì việc tạo nên khoảng cách trong tên gọi là không cần thiết. Cho dù, ngành Giáo dục có muốn đổi mới thì cũng phải dựa trên những nền tảng xã hội sẵn có. Nghĩ ra một điều gì đó mới mẻ, nhưng cái mới phải phù hợp với tâm lý xã hội, phải đạt được mục đích cuối cùng là vì sự phát triển. Thay đổi tên gọi ""Lớp trưởng, lớp phó" thành "Chủ tịch, phó chủ tịch" thực ra không quan trọng. Điều chính yếu ở đây là chất lượng giáo dục có được thay đổi, hình thức dạy học có được đổi mới và cải thiện hay không?

Thực tế cho thấy, sau nhiều năm đổi mới và cải cách, học sinh tiểu học vẫn phải chịu rất nhiều áp lực trong học tập. Mô hình dạy học vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Nhiều bạn bè tôi đang làm giáo viên đều than phiền rằng, mỗi lần cải cách, không chỉ các con khổ sở mà giáo viên cũng gian nan không kém.

Thiết nghĩ, trước mỗi một quyết sách ảnh hưởng toàn diện tới giáo dục, ngành cần thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng hơn, tránh dập khuôn, máy móc các mô hình tham khảo mà phải có sự chủ động, linh hoạt trong vận dụng vào điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay.

Riêng về quy định các chức danh của mô hình tự quản, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: Trước kia, lớp trưởng nhiều khi đứng ra làm thay giáo viên theo dõi, đôn đốc các bạn học hành, theo dõi bạn nào đi học muộn, bạn nào chưa học thuộc bài,… thì bây giờ, việc ấy không phải các em làm thay mà chính các em tự bảo ban nhau, các em bình bầu, theo dõi, giám sát lẫn nhau. “Điều này, không nhằm mục đích giảm nhẹ trách nhiệm cho giáo viên, nhà trường mà chính là tăng khả năng tự chủ, tự quản, khả năng sinh hoạt cùng nhau, khả năng trao đổi, góp ý lẫn nhau, gọi nôm na là tăng kỹ năng sống cho các em học sinh” – Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh.

Đúng là xu hướng đào tạo hiện nay nhằm mục đích giúp các bé năng động, tự chủ hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, trên các diễn đàn, dư luận hiện nay đang nghiêng về nhận định cho rằng, vấn đề mấu chốt trong đổi mới giáo dục không phải là chuyện xưng hô mà là cách giáo dục các em sống có tự trọng, danh dự, đạo lý, làm người có ích cho Tổ quốc...

Bản thân là một bậc phụ huynh, tôi cho rằng, ngành Giáo dục cũng cần thận trọng hơn và suy xét thiệt hơn, đừng làm rối lòng thêm con trẻ và các bậc cha mẹ!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực