Đổi mới giáo dục: Những tiếng nói từ cơ sở

Thứ ba, 09/08/2016 15:32
(ĐCSVN)- Tại Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016, lãnh đạo các địa phương tin tưởng với sự hành động quyết liệt của người đứng đầu ngành giáo dục, sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới.

Tại hội nghị tổng kết năm 2015-2016, triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017. Ảnh: VA

Tại điểm cầu Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP. Hà Nội hoàn toàn đồng tình với bản báo cáo tổng kết năm học vừa qua của Bộ GD&ĐT. Ông Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội hiện hơn 2.000 trường học với trên 9.000 phòng học, với cơ sở vật chất như vậy nếu tính trung bình trên toàn thành phố vẫn chưa rơi vào quá tải lớp học.

Lãnh đạo TP. Hà Nội cũng nhận định, chất lượng giáo dục Thủ đô đã được nâng lên đáng kể trong thời gian qua. Tuy nhiên, chất lượng dạy học các trường không đồng đều, tồn tại tình trạng dạy thêm học thêm...

Cơ sở vật chất, nhất là nhà vệ sinh trường học cho học sinh tại một số nơi trong thành phố vẫn bất cập, chưa được sạch sẽ như mong muốn. Điều này nếu để lâu sẽ ảnh hưởng tới môi trường học tập và sức khỏe của học sinh.

Thành tựu giáo dục của Thủ đô trong năm qua đáng kể nhất là đã áp dụng công nghệ thông tin vào trong tuyển sinh đầu cấp, điều này theo như ông Nguyễn Đức Chung đã tạo thuận lợi và giảm thời gian cho cha mẹ học sinh.

Từ đó, lãnh đạo TP.Hà Nội đề xuất 9 nội dung gửi tới Chính phủ và Bộ GD&ĐT. Cụ thể: Sắp tới, quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội; Có chương trình chuẩn để hàng năm đào tạo nâng cao trình độ giáo viên và tiêu chuẩn hóa trình độ giáo viên các cấp; Tăng cường giáo dục CNTT trong dạy học, nên đưa chương trình CNTT vào dạy từ tiểu học; Đẩy mạnh học Tiếng Anh; Bộ GD&ĐT cần có chương trình định hướng cho học sinh lớp 9 chuẩn bị vào lớp 10 để định hướng ngành nghề; Cơ chế tự chủ tài chính cho các trường  đại học; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế; Tiếp tục đào tạo nhân lực chất lượng cao và ngành mũi nhọn; Tăng cường cơ sở vật chất trong trường học.

Nêu thực trạng giáo dục tại tỉnh miền núi Lạng Sơn, ông Phạm Ngọc Thưởng – Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, những đổi mới của Giáo dục trong thời gian vừa qua dược dư luận đánh giá cao, đặc biệt kỳ thi THPT quốc gia 2016, thầy cô giành sự vất vả khó khăn để học sinh được thuận lợi.

Ngoài ra, thừa nhận công tác phân luồng đã có hiệu quả rõ rệt, lấy ví dụ như ở Lạng Sơn, số học sinh dự thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp cao hơn, số dự thi vào đại học, cao đẳng đã giảm.

“Thời gian qua, giáo dục Lạng Sơn đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng GD&ĐT. UBND tỉnh đã phê duyệt 6 nhiệm vụ trọng tâm để tạo đột phá ngay trong năm học 2016 và kiên trì thực hiện các phong trào thi đua toàn Ngành đã nhiều năm phát động... Tuy nhiên, toàn Ngành cũng đối mặt với nhiều khó khăn” ông Phạm Ngọc Thưởng cho biết.

Cũng theo lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, trong thời gian quan phương hướng chung các cấp học đã được Bộ GD&ĐT xác định có nhiều đổi mới, định hướng rõ theo từng cấp học, trình độ đào tạo; lần đầu tiên có nội dung giảm tỷ lệ thất nghiệp... Đây là mục tiêu cụ thể để giải quyết bài toán thừa thầy thiếu thợ và tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc làm.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ là một tỉnh miền núi, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đề xuất với Bộ GD&ĐT cần xác định rõ hơn đâu là giải pháp cho từng cấp học và cho toàn ngành; đề nghị Bộ chỉ đạo thực hiện tốt công tác truyền thông về giáo dục; cung cấp thông tin thị trường lao động tới học sinh, công bố kết quả nghiên cứu về hiệu quả đầu tư cho giáo dục...

Ông Lê Văn Tâm – Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ xác định, sẽ tiếp tục thực hiện phát triển giáo dục địa phương trong thời gian tới phù hợp với tình hình đia phương. Từ những kết quả đã đạt được trong giáo dục, lãnh đạo TP. Cần Thơ kiến nghị ngành giáo dục nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giảng dạy, quản lý, có thể tập trung ở một số bộ môn trước khi nhân rộng.

“Quan tâm thiết kế chỉ đạo địa phương chủ động thiết kế nhiều sân chơi thi đấu tài năng, năng khiếu cho học sinh, sinh viên... Tiếp tục nghiên cứu giao quyền chủ động cho các tỉnh, thành tổ chức thi THPT quốc gia và xét tốt nghiệp theo hướng dẫn và chỉ đạo của Bộ; Tiếp tục nghiên cứu tham mưu Chính phủ về phân cấp mạnh hơn nữa trong quản lý, thực hiện tự chủ cho địa phương cũng như cho cơ sở giáo dục; Có chế độ chính thức thu hút nguồn nhân lực...”  ông Lê Văn Tâm nêu quan điểm.

Có tiếng nói từ tỉnh miền núi, ông Lê Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh đến vấn đề trường dân tộc nội trú, bán trú, thực hiện chính sách với học sinh vùng miền núi, dân tộc.

Với những khó khăn liên quan tới trường dân tộc nội trú, bán trú, ông Thông kiến nghị, Bộ GD&ĐT cần tham mưu chương trình mục tiêu cho giáo dục miền núi, dân tộc, trong đó ưu tiên kinh phí cho trường dân tộc nội trú, bán trú; chủ trì phối hợp Bộ Nội vụ ban hành thông tư liên tịch sửa đổi quy định khung vị trí việc làm trong trường phổ thông, trong đó có trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú.../.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực