|
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Hà Giang hiện có 10 cơ quan thực hiện quy trình “5 tại chỗ”, tạo đột phá trong giải quyết thủ tục hành chính. (Ảnh: Thu Phương/BHG). |
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 31/5/2024 của UBND tỉnh về duy trì, cải thiện và nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh Hà Giang năm 2024, đồng thời nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ; xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị vì mục tiêu phục vụ Nhân dân.
Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tiến hành rà soát, đánh giá các nội dung, nội dung thành phần bị mất điểm liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao, từ đó có giải pháp kịp thời, quyết liệt để cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI trong thời gian tới. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; kiểm tra công tác cải cách hành chính, kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương theo thẩm quyền quản lý.
Cùng với đó, có giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trang thông tin điện tử (TTĐT) các cơ quan, đơn vị, nhất là Trang TTĐT cấp huyện, cấp xã; công khai đầy đủ các nội dung phải công khai trên Trang TTĐT theo quy định, cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin hữu ích để thu hút người dân truy cập, khai thác, sử dụng; bổ sung, cải thiện, nâng cao chất lượng chuyên mục hỏi/đáp (ý kiến cử tri/trả lời ý kiến cử tri) để tăng sự tương tác của người dân với chính quyền thông qua Trang TTĐT.
Cũng theo chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tổ chức rà soát, phân công nhiệm vụ của Chủ tịch UBND cấp xã theo quy định; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung phải công khai. Kịp thời giải quyết đúng quy định các nội dung phản ánh, kiến nghị, đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát cộng đồng gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Thực hiện nghiêm Kế hoạch số 90/KH-UBND của UBND tỉnh về tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước với Nhân dân trên địa bàn tỉnh Hà Giang; thực hiện xét duyệt danh sách hộ nghèo đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình, đúng thủ tục, đúng đối tượng. Phân công cán bộ, công chức dự các cuộc họp thôn, tổ dân phố để tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; kịp thời thông tin tình hình chính trị, kinh tế, xã hội để người dân biết. Tổ chức tập huấn cho Tổ chuyển đổi số cộng đồng, đưa nội dung tập huấn cải cách TTHC, chuyển đổi số, Đề án 06 gắn với nâng cao Chỉ số PAPI.
|
|
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức rà soát lại tất cả các Trang TTĐT của các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc thẩm quyền quản lý, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh phương án xử lý, nâng cấp các tính năng, thiết kế lại giao diện đảm bảo thống nhất, dễ truy cập, thân thiện với người dùng, tuân thủ các quy định về cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng theo quy định; nghiên cứu, tiếp thu những khuyến nghị của Tổ chức UNDP trong báo cáo công bố Chỉ số PAPI năm 2023.
PAPI là khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam tập trung tìm hiểu hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân, với dữ liệu được thu thập thường niên. Năm 2023, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023 của tỉnh Hà Giang đã đạt được kết quả tích cực với 44,2479/80 điểm, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố, tăng 3,1 điểm, 29 bậc so với năm 2022.
Với kết quả này, tỉnh Hà Giang có bước tiến vượt bậc so với năm 2022 khi vươn lên từ nhóm Trung bình thấp lên nhóm Trung bình cao của cả nước và xếp thứ 4 trong 14 tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc. Kết quả trên cũng cho thấy sự quyết tâm và nỗ lực của hệ thống chính trị các cấp tỉnh Hà Giang nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI.
Tuy nhiên, theo nhận định của UBND tỉnh Hà Giang, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện như: một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm sâu sát đến công tác CCHC; việc triển khai thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Tiếp cận thông tin một số nơi chưa đầy đủ, chưa đúng quy định; điều kiện kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; việc tiếp cận thông tin của một bộ phận người dân đồng bào dân tộc thiểu số ở một số nơi còn hạn chế... dẫn đến một số chỉ số thành phần trong Bộ Chỉ số PAPI bị giảm điểm, hoặc đạt điểm số thấp.