Cán bộ, đảng viên, người lao động Thủ đô góp ý cho dự thảo các văn kiện

Thứ năm, 10/12/2020 13:00
(ĐCSVN) - Quan tâm đến dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, cán bộ, đảng viên, người lao động Thủ đô đã tập trung nghiên cứu, có nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến lĩnh vực đang công tác, các nội dung gắn bó mật thiết với cuộc sống.

Theo bà Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân TP, vừa qua, Hội Nông dân Nông dân TP đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Tại hội nghị đã có 12 ý kiến phát biểu trực tiếp và 50 ý kiến gửi bằng văn bản. 

Từ những ý kiến góp ý, có thể nhận thấy, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn còn tồn tại, hạn chế, yếu kém cần tập trung giải quyết. Đó là: thị trường tiêu thụ nông sản chưa ổn định, công tác xây dựng nông thôn mới còn nặng về hình hình thức, thành tích; sự liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân chưa chặt chẽ; các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác còn khó tiếp cận các chính sách ưu đãi về tín dụng, đầu tư kết cấu hạ tầng, ưu đãi đất đai…

Bà Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội góp ý kiến vào dự thảo văn kiện.


Để giải quyết những tồn tại, hạn chế trên, bà Phạm Hải Hoa đề xuất dự thảo văn kiện cần đề cập đến nội dung khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy nông dân xây dựng các mô hình liên kết; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia mô hình liên kết doanh nghiệp – nông dân để được vay vốn trung, dài hạn với lãi suất ưu đãi để triển khai mô hình liên kết. 

Bên cạnh đó, dự thảo cần nhấn mạnh đến việc nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đặc biệt là trong việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai ở nông thôn trong đó có đất nông nghiệp  cũng là bảo vệ tài nguyên của đất nước.

Chỉ ra thực tế việc sinh hoạt chi bộ tại các doanh nghiệp còn hình thức, không khí sinh hoạt còn rập khuôn, đơn điệu, có nơi, tổ chức đảng chưa thực sự đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Minh Hạnh, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội kiến nghị dự thảo cần nhấn mạnh đến vai trò của tổ chức đảng trong doanh nghiệp, có chế độ phối hợp giữa tổ chức đảng với chủ doanh nghiệp; chú trọng phát triển đảng viên trong doanh nghiệp gắn với nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Liên quan đến nội dung đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, Bí thư Huyện đoàn Mê Linh Lê Thị Lan đề xuất trong dự thảo văn kiện đại hội cần đề cập đến niên hạn đào tạo. Thanh niên cần được rút ngắn niên hạn đào tạo các cấp để giảm bớt tiêu phí thời gian thanh xuân cho chế độ khoa cử, tập trung cao độ cho việc học tập, rèn luyện.

Bên cạnh đó, trong nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025, vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ cần bổ sung nội dung về thu hút, sử dụng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu phục vụ phát triển các vùng kinh tế và phát triển đất nước nhanh, bền vững.


Thành viên Câu lạc bộ Lý luận trẻ Thủ đô góp ý kiến vào dự thảo văn kiện


Cũng quan tâm đến nội dung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, ông Ngô Phú Thảo, Ban Công tác Thiếu nhi Thành đoàn Hà Nội, thành viên Câu lạc bộ Lý luận trẻ Thủ đô bày tỏ đồng tình khi dự thảo Báo cáo chính trị nêu bật và đưa ra được những định hướng và giải pháp trong trọng dụng nhân tài. 

Cụ thể là: “Có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của trí thức. Trọng dụng, đãi ngộ thoả đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng. Thực sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức”.

Đồng chí Ngô Phú Thảo cho rằng, đây là bước đột phá, thể hiện tầm nhìn và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc sử dụng nhân tài. Từ tầm nhìn đó, sẽ mở ra cơ hội rất tốt cho những “nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao” được cống hiến và đóng góp trí tuệ, tài năng cũng như thể hiện trách nhiệm của những người trẻ tuổi đối với đất nước.

Mong muốn dự thảo đề cập đến nội dung trợ giúp người khuyết tật, người yếu thế trong xã hội, bà Đỗ Thúy Hà, Chủ tịch Hội Người mù quận Đống Đa, TP Hà Nội bày tỏ: "Hơn ai hết, tôi thấu hiểu những rào cán, khó khăn của người khuyết tật, yếu thế. Việt Nam hiện có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật. Dù được quan tâm nhưng người khuyết tật đa số đều nghèo, trình độ văn hóa thấp nên những nỗ lực giúp người khuyết tật hòa nhập còn gặp nhiều thách thức. Các hoạt động trợ giúp hiện chưa khuyến khích được sự tự chủ, tự lực của người khuyết tật mà mới chủ yếu là từ thiện"./.

 


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực